Hồ Thanh Lanh bị "bức tử" bởi dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo?

Dù chưa được tỉnh Vĩnh Phúc giao phần đất bán ngập hồ Thanh Lanh nhưng Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đã tự ý san gạt, đổ đất trong quá trình thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo.
Tận diệt núi rừng là hủy hoại tài nguyên quốc gia!Khách sạn ‘khủng’ trên núi Tam Đảo: ‘Không có sổ đỏ vĩnh viễn’

Hồ thủy lợi Thanh Lanh bị "bức tử"

Theo phản ánh, dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo (thuộc xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) do Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo là chủ đầu tư đang “bức tử” hồ thủy lợi Thanh Lanh.

Người dân xã Trung Mỹ cho biết, từ cuối năm 2018, Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đã tiến hành thi công đổ đất, san lấp, lấn chiếm phần đất bán ngập hồ thủy lợi Thanh Lanh. Việc đổ đất xảy ra trên diện rộng và trong khoảng thời gian dài, tuy nhiên chính quyền địa phương lại chậm trễ trong việc ngăn chặn, xử lý.

Việc làm này khiến nhiều hộ dân lo ngại. Bởi phần diện tích đất bán ngập vừa có vai trò làm tăng diện tích chứa nước lòng hồ, vừa đảm bảo an toàn cho hồ thủy lợi trước những sự cố thiên tai, lũ lụt bất ngờ. Bên cạnh đó, các dải bán ngập tự nhiên cũng có vai trò hạn chế ô nhiễm nguồn nước trong lòng hồ... Đặc biệt, hồ Thanh Lanh còn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước tưới tiêu trong ngoài xã Trung Mỹ.

Cho rằng chủ đầu tư thi công, đổ đất san lấp ngoài phạm vi được giao đất, người dân xã Trung Mỹ đã phản ánh và có đơn thư gửi các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc.

ho thanh lanh bi buc tu boi du an khu du lich sinh thai nam tam dao
Dự án di lịch sinh thái Nam Tam Đảo.

Ngoài việc bức xúc “tố” chủ đầu tư dự án đang "bức tử" hồ Thanh Lanh, người dân còn cho rằng quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) và phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân chưa thỏa đáng. Trong số đó, có nhiều hộ dân đang canh tác, trồng cây trên phần đất bán ngập của hồ Thanh Lanh.

Về việc này, người dân cũng có đơn thư gửi các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay, mặc dù chính quyền địa phương rất nỗ lực vào cuộc, nhưng những vấn đề vướng mắc trong công tác GPMB thực hiện dự án vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Cụ thể, 13 hộ dân thuộc thôn Thanh Lanh và thôn Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, từng làm đơn tố cáo Cty CP Nam Tam Đảo – Chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo, có hành vi đổ đất lấn chiếm lòng hồ Thanh Lanh.

ho thanh lanh bi buc tu boi du an khu du lich sinh thai nam tam dao
Người dân lập chốt barie ngăn chặn chủ đầu tư triển khai dự án

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tại Văn bản số 62-TB/BNCTU ngày 25/7/2019 của Ban Nội chính Tỉnh ủy và của Chủ tịch UBND tỉnh tại Văn bản số 5986/UBND-TD4, số 5987/UBND-TD4 ngày 6/8/2019, giao Thanh tra tỉnh tham mưu giải quyết đơn của công dân ở thôn Thanh Lanh và thôn Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên.

Sau khi làm việc với 13 hộ dân ở thôn Thanh Lanh và thôn Đồng Giang, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có báo cáo số 74/BC-TTr ngày 16/8/2019 gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, về đề xuất giải quyết đơn của một số công dân ở thôn Thanh Lanh và thôn Đồng Giang, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên.

Trong đó, Thanh tra tỉnh ghi nhận các nội dung tố cáo của công dân, đồng thời đề xuất cơ quan chức năng có quyết định thanh tra toàn diện dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo do Công ty CP Nam Tam Đảo làm chủ đầu tư (thành viên tham gia Đoàn thanh tra gồm đại diện các sở: Thanh tra tỉnh, TN&MT, Xây dựng, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính và UBND huyện Bình Xuyên) nhằm giải quyết dứt điểm thắc mắc của công dân liên quan đến dự án.

Trong đó, có nội dung đề xuất giao Chánh Thanh tra tỉnh quyết định thanh tra toàn diện dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo do Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo làm chủ đầu tư (thành viên tham gia Đoàn thanh tra gồm đại diện các sở: Thanh tra tỉnh, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND huyện Bình Xuyên).

Theo tìm hiểu, những năm 2000 Nhà nước có chủ trương thu hồi đất, GPMB để làm hồ thủy lợi Thanh Lanh, phục vụ sản xuất nông nghiệp (dự án này của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Thời điểm đó, nhiều hộ gia đình đều chấp hành và bàn giao đất, nhận tiền đền bù để dự án hồ thủy lợi được sớm triển khai và đưa vào hoạt động từ năm 2004.

Sau đó, người dân vẫn tiếp tục canh tác, trồng cây tăng gia sản xuất nông nghiệp tại phần diện tích vùng đệm và các đảo bán ngập của hồ Thanh Lanh. Một số hộ dân nhớ lại, ngày đó chính quyền địa phương còn khuyến khích các hộ có diện tích đất bị thu hồi tiếp tục canh tác, tăng gia sản xuất và hàng năm người dân vẫn canh tác, thu hoạch bình thường.

Tuy nhiên, kể từ khi chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo chuẩn bị thi công, cơ quan chức năng yêu cầu người dân di dời cây cối hoa màu, tài sản trên đất để bàn giao mặt bằng. Vậy nhưng, người dân cho rằng việc hỗ trợ đất và tài sản trên đất chưa hợp tình, hợp lý.

Chủ đầu tư thi công ngoài phạm vi giao đất

Theo hồ sơ, năm 2004, Doanh nghiệp tư nhân máy, thiết bị Chính Tâm (Doanh nghiệp Chính Tâm) được giao làm chủ đầu tư dự án Khu vui chơi, du lịch sinh thái hồ Thanh Lanh, suối Tiên, thác Ba. Đến năm 2007, dự án được đổi tên thành Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo. Chủ đầu tư thực hiện được đổi từ Doanh nghiệp tư nhân máy, thiết bị Chính Tâm thành Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo.

Quá trình triển khai dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo cũng có nhiều lần thay đổi và điều chỉnh. Cụ thể, tại Quyết định số 4999/QĐ-UB ngày 27/12/2004 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa ký, về việc thu hồi và tạm giao đất cho Doanh nghiệp Chính Tâm thì diện tích đất thu hồi và tạm giao cho doanh nghiệp là 155,8ha.

Đến ngày 25/12/2007, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 3950/QĐ-UBND, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thời điểm đó là ông Trần Ngọc Ái ký, về việc Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu vui chơi du lịch sinh thái Nam Tam Đảo (tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên) của Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo. Theo Quyết định số 3950/QĐ-UBND, phạm vi nghiên cứu quy hoạch dự án từ 155,8ha (theo Quyết định số 4999/QĐ-UB) đã tăng lên thành 335,2ha.

Trong đó, diện tích mặt hồ 120ha, khu đất phục vụ du lịch 155,8ha và vùng đệm ven hồ từ cốt +80m trở xuống đến mặt hồ là khoảng 64,7ha. Đáng chú ý, quyết định này cũng nêu rõ, đối với vùng đệm ven hồ, chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, nghiên cứu sử dụng bố trí xây dựng hợp lý các sân golf, trồng hoa, cây có bóng mát để phục vụ nhân dân đi dạo, kết hợp bố trí xây dựng một số quầy trưng bày và bán các sản phẩm lưu niệm, làng nghề truyền thống… đảm bảo giữ gìn và khai thác tốt cảnh quan vùng đệm này để tôn tạo cảnh quan chung của mặt hồ.

Dựa vào căn cứ trên, đến ngày 4/6/2014, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 1519/QĐ-UB do Phó Chủ tịch Vũ Chí Giang ký, về việc điều chỉnh chỉ giới giao đất (giai đoạn 1) theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3950/QĐ-UBND ngày 25/12/2007 cho Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo thực hiện dự án… Tại quyết định này, diện tích đất được giao giai đoạn 1 là khoảng 125,4/155,8ha. Trong đó không có diện tích mặt hồ (120ha) và diện tích vùng đệm của hồ (64,7ha).

Trong quá trình tìm hiểu, nhiều cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương đều khẳng định, đến thời điểm này căn cứ giao đất và bàn giao mốc giới trên thực địa để chủ đầu tư thực hiện dự án dựa vào Quyết định 1519/QĐ-UB ngày 4/6/2014.

Về các vấn đề nêu trên, trước đó, ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có buổi làm việc với UBND huyện Bình Xuyên. Sau cuộc họp, UBND tỉnh đã ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch tỉnh, theo đó Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo chỉ được phép triển khai dự án trong phạm vi từ cốt +80m trở lên. Đối với các mốc giới được giao nằm dưới cốt +80m, công ty phối hợp với các sở, ban ngành đề xuất điều chỉnh khỏi phạm vi vùng phụ cận lòng hồ Thanh Lanh.

Như vậy có thể thấy, từ năm 2004 đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chưa giao đất vùng đệm của hồ Thanh Lanh (64,7ha) cho Doanh nghiệp Chính Tâm hay Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo.

Tuy nhiên, theo phản ánh, Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đã tiến hành thi công, san gạt đổ đất xuống vùng bán ngập hồ Thanh Lanh. Tại biên bản làm việc, kiểm tra hiện trạng dự án vào ngày 20/7/2019 khẳng định: “Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo có san lấp một phần diện tích xuống vùng bán ngập tại vị trí từ 113 đến 110, với diện tích khoảng 1,32ha”.

Điều này cũng được thể hiện rõ trong một văn bản trả lời đơn thư của công dân, UBND huyện Bình Xuyên đã xác nhận, Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đã đổ đất lên một vị trí (diện tích khoảng 1,32ha) nằm ngoài phạm vi dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo và thuộc vùng phụ cận lòng hồ Thanh Lanh do Công ty TNHH MTV Tam Đảo quản lý.

Người dân cho rằng các cơ quan ban ngành tỉnh Vĩnh Phúc cần vào cuộc chỉ đạo, giải quyết những tồn tại ở dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm (nếu có), cùng với đó là giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích của người dân.

Bảo Khanh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường