Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011-2018.
Kiến nghị thu hồi
Theo đó, đây đều là các dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất từ nông, lâm trường trong đó có nhiều dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng…chậm tiến độ.
Cụ thể, tại dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Ngọc tại TP.Hòa Bình của Công ty Cổ phần Đại Phú Phát, TTCP chỉ rõ đã giải phóng mặt bằng 16,82 ha/109 ha (16%), chưa lập quy hoạch chi tiết dự án, chưa đầu tư xây dựng, hiện đang trồng keo trong phạm vi đã giải phóng mặt bằng. Dự án chậm tiến độ 6 năm 5 tháng.
Đồ án quy hoạch phân khu tại TP.Hòa Bình chậm triển khai, không phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ. Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình không kiểm tra việc lập quy hoạch chi tiết, việc đầu tư xây dựng hạ tầng khi chưa có quy hoạch chi tiết tại dự án trong nhiều năm (từ năm 2007 đến nay).
Tại dự án Tổ hợp Thể thao - Văn hóa vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy) của Công ty Cổ phần du lịch Đồng Tâm, do quy hoạch ba loại rừng được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt điều chỉnh sau, nhiều diện tích đất thuộc dự án của Công ty có quy hoạch là đất rừng phòng hộ. UBND tỉnh Hoà Bình đã có Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án.
Dự án hiện đang lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, chưa đầu tư xây dựng trên đất; chậm tiến độ 7 năm.
Cũng theo TTCP, tại dự án Khu nghỉ ngơi vui chơi giải trí thung lũng Nữ Hoàng (huyện Lương Sơn) của Công ty Cổ phần du lịch thung lũng Nữ Hoàng, dự án đã giải phóng mặt bằng và nhận bàn giao mốc giới ngoài thực địa 67,8 ha đất, còn khoảng 30 ha/90 thửa của 65 hộ dân nằm xôi đỗ chưa giải phóng mặt bằng, nên gặp nhiều khó khăn cho việc triển khai thi công xây dựng.
Chủ đầu tư đã xây dựng một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hiện đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Dự án chậm tiến độ 2 năm 5 tháng.
TTCP kiến nghị UBND tỉnh Hòa Bình Chỉ đạo Sở ngành liên quan, phối hợp chủ đầu tư dự án sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường gồm: Công ty Cổ phần Đại Phú Phát, Công ty Cổ phần du lịch Đồng Tâm, Công ty Cổ phần thung lũng Nữ Hoàng khẩn trương hoàn thiện việc điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng.
Kết luận của TTCP nêu rõ, nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ, xem xét năng lực nhà đầu tư, xử lý thu hồi dự án theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Liên quan đến nhiều bất cập, tồn tại trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại tỉnh Hòa Bình, TTCP cho rằng trách nhiệm thuộc về các Công ty TNHH đang quản lý và sử dụng đất nông lâm trường, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Đà.
Bên cạnh đó, trách nhiệm liên quan công tác quản lý nhà nước thuộc về Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh tỉnh Hòa Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện trên địa bàn nơi có đất nông lâm trường và trách nhiệm của UBND tỉnh Hòa Bình.
Về phần xử lý trách nhiệm, TTCP kiến nghị UBND tỉnh Hoà Bình tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức đơn vị có liên quan kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra các tồn tại, vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường…
Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế Môi trường về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, các dự án chậm tiến độ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế chung của tỉnh. Bởi các dự án “rùa bò” gây lãng phí lớn đến tài nguyên đất đai.
“Tôi cho rằng các khâu trong quá trình triển khai dự án cần được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư. Trong quá trình triển khai, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ của dự án. Nếu phát hiện có dấu hiệu chậm tiến độ, chây ỳ trong việc thực hiện thì phải có biện pháp xử lý, tránh trường hợp để một dự án chậm kéo dài”, Luật sư Huy An nói.
Theo luật sư Huy An, việc một dự án “đắp chiếu” quá lâu phần lớn là do năng lực của chủ đầu tư có vấn đề. Và lúc này, cần xem xét trách nhiệm của cơ quan nào giao đất, phê duyệt dự án cho doanh nghiệp đó.
“Đối với các dự án chậm tiến độ quá lâu, cần xem xét thu hồi để giao cho các doanh nghiệp khác có năng lực. Còn trong kết luận thanh tra có những dự án chậm tiến độ 7 năm, cần phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quan quản lý. Trong 7 năm đó, họ đã làm hết trách nhiệm hay chưa khi để một dự án chậm tiến độ dài đến như vậy”, Luật sư Huy An nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu trên các website về tra cứu doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Du Lịch Thung Lũng Nữ Hoàng chủ đầu tư Dự án Khu nghỉ ngơi vui chơi giải trí thung lũng Nữ Hoàng thành lập ngày 18/12/2003, đăng ký kinh doanh tại địa chỉ Xóm Lam Sơn, xã Lâm Sơn, tuyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Chủ sở hữu trước đây là bà Nguyễn Thị Nga. Hiện nay, người đại diện pháp luật là ông Phạm Trường Thăng.