Sở TN&MT Hà Nội đề xuất cho học sinh nghỉ học trong những ngày ô nhiễm không khí nguy hại (Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo số 11847/STNMT-CCBVMT của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về diễn biến chất lượng không khí trên địa bàn TP.Hà Nội 2019, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xuất hiện 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài trung bình từ 5 đến 10 ngày, chất lượng không khí ở mức "Kém", "Xấu" và "Rất Xấu"; trong đó đợt ô nhiễm cao điểm nhất là đầu tháng 12 (từ ngày 8/12 đến ngày 14/12), chất lượng không khí thường xuyên ở mức "Xấu" và "Rất Xấu", chỉ số chất lượng không khí (AQI) cao nhất là 266.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí đang có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cấp bách.
Theo đó, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động công trình thi công xây dựng, phá dỡ; công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; công tác quản lý vận hành các khu xử lý chất thải tập trung, các khu xử lý phế thải xây dựng, các điểm tập kết trung chuyển rác tại các quận, huyện, thị xã.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chủ động tăng cường công tác tuyên truyền tới từng tổ dân phố, thôn xóm, hộ gia đình nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường không khí, trong đó nghiêm túc thực hiện việc không sử dụng bếp than tổ ong và các loại nhiên liệu than đốt, không đốt rơm rạ, không thu gom đốt rác tự phát; đồng thời, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải trên địa bàn, không để rác thải tồn đọng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Sở cũng đề nghị thành phố thiết lập quy định về tình trạng khẩn cấp khi không khí chạm ngưỡng nguy hại (AQI >300). Theo đó, trong những ngày này, UBND Hà Nội ban hành thông báo về tình hình chất lượng không khí tới Sở Giáo dục Đào tạo để các trường mầm non, tiểu học cho các em học sinh nghỉ học.
Ngoài ra, trong những ngày này, Sở TN&MT đề nghị thành phố cấm các loại xe tải nặng, đặc biệt là xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng lưu hành trong 12 quận nội thành, tạm dừng các hoạt động xây dựng, phá dỡ cải tạo công trình trong giờ cao điểm.
Theo ông Lê Tuấn Định Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, có 12 nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí, chủ yếu là từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động dân sinh đun nấu, sử dụng than tổ ong, đốt rác rơm rạ.
Ngoài ra, một số đối tượng còn đốt rác thải sinh hoạt gây khói mù và tạo ra khí độc hại. Hoạt động xây dựng phá dỡ công trình cũ, xây dựng công trình mới; các xe vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng..., không được che chắn, không rửa xe, hoạt động đổ trộm phế thải nơi công cộng cũng gây ô nhiễm môi trường...
Một số chuyên gia môi trường cho rằng, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí còn do ảnh hưởng của điều kiện địa hình đa dạng với núi thấp, đồi và đồng bằng. Khu vực nội thành và phụ cận là vùng trũng thấp dẫn đến việc tích tụ, khó khăn trong việc đối lưu không khí.
Đặc biệt, trong những ngày qua, điều kiện khí tượng hết sức bất lợi cho việc khuếch tán chất ô nhiễm. Khí áp cao, lặng gió, không mưa, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn gây ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ, các chất ô nhiễm bị ứ đọng dưới mặt đất, không phát tán được, khiến môi trường không khí bị ô nhiễm.
Nhận định về tình trạng ô nhiễm không khí ở Thủ đô trong cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố với các quận, huyện, sở ngành về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn thừa nhận còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố như việc thu gom, xử lý rác thải, vấn đề phối hợp xử lý chưa đồng bộ giữa các sở ngành và quận huyện, còn tình trạng buông lỏng quản lý…
Ông Chung cũng nhắc lại quan điểm, thành phố cần một thời gian dài, với các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng ô nhiễm như một số thành phố lớn trên thế giới từng trải qua. Trước mắt, ông Chung yêu cầu Sở TN&MT chuẩn bị địa điểm để lắp đặt khoảng 50 - 70 trạm quan trắc, cảm biến, hoàn thiện trong quý I/2020. Sở Y tế, Sở TN&MT phải phối hợp để xây dựng quy chế đến mức nào thì thông báo, cảnh báo cho người dân. Theo ông Chung, hiện thành phố mới có 14 trạm quan trắc, nếu dựa trên thông số đó để ra cảnh báo cho học sinh nghỉ học thì chưa đại diện cho tất cả thành phố. “Khi nào có tất cả các trạm theo đúng quy hoạch, xác định ảnh hưởng đến tất cả các trường thì mới nghỉ được”, ông Chung nói.