Tạp chí Kinh tế Môi trường giới thiệu bài viết của PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Trung ương Hội kinh tế Môi trường Việt Nam, Nguyên Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, Cố vấn Dự án Nghiên cứu đánh giá tác động ao hồ Hà Nội.
Đầu năm 2010, nhóm các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực môi trường đã triển khai thu thập, phân tích hiện trạng 120 hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ của 6 Quận trung tâm Hà Nội, kết quả phân tích về tình trạng môi trường các khu vực thủy vực này năm 2010. Đây là một tài liệu quý giá, có ý nghĩa lớn giúp hỗ trợ các cộng đồng sống xung quanh khu vực hồ tham gia bảo vệ, ngăn chặn xả thải để nước hồ trở nên trong sạch, tạo cảnh quan tươi đẹp cho thủ đô.
Hồ Gươm được ví như “trái tim” của Hà Nội đã đi vào thơ ca, lịch sử. |
Từ một quyết tâm lớn: Giải quyết ô nhiễm môi trường
Trước tình trạng hệ thống hồ, ao, kênh rạch, sông ngòi bị san lấp, lấn chiếm và đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm môi trường ở hệ thống sông hồ tại Hà Nội ngày một trầm trọng, chúng tôi rất suy nghĩ, lo lắng, trăn trở và hối thúc phải hành động ngay để làm một điều gì đó. Ít nhất là nói hộ tiếng “kêu cứu” cho những hồ ao đang bị “bức tử” lâu nay….
Thời điểm này Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” đã đi vào cuộc sống được 5 năm, trong đó nêu rất rõ nhiệm vụ cần làm ngay để giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường, bảo vệ và phát triển bền vững các lưu vực sông, hồ ao, kênh rạch… Thực tế này càng thôi thúc chúng tôi phải làm một việc thật ý nghĩa cho Hà Nội và bảo vệ môi trường.
Như một cơ duyên, năm 2010 một đại diện của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) đến làm việc với Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam (VEPF) và đề xuất cùng tiến hành công trình nghiên cứu đánh giá thực trạng ao hồ tại Hà Nội. Đây thực sự là dự án quan trọng, thiết thực và trước mắt tập trung nghiên cứu tại 6 quận gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Tây Hồ.
Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam nhất trí hỗ trợ kinh phí ban đầu cho dự án nghiên cứu, phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng điều hành, tổ chức thực hiện ngay.
Chúng tôi hạ quyết tâm nỗ lực hết sức để có thể hoàn thành Dự án nghiên cứu để kịp công bố công trình nhỏ này vào dịp chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 1010-2010).
Chung sức, đồng lòng thực hiện công trình ý nghĩa lớn
Khi ấy, khối lượng công việc là rất lớn và thời gian gấp rút, với nguồn kinh phí hạn hẹp, chúng tôi đã huy động lực lượng chính tham gia là đội ngũ sinh viên đại học chuyên ngành môi trường (nòng cốt là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội).
Dự án nghiên cứu lan toả rất nhanh và được nhiều người biết đến, cũng như nhận được sự ủng hộ nhiệt tình về mặt tinh thần, cũng như góp thêm công sức (đặc biệt có Đại sứ quán Cộng Séc tại Việt Nam), tạo điều kiện cho Dự án được triển khai từng bước có kết quả. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, đội ngũ tình nguyện viên không quản ngại vất vả, khó khăn về điều kiện làm việc, thiếu thốn các trang thiết bị (do đều phải mượn hoặc thuê của một số đơn vị nghiên cứu), việc thu thập, đo đạc, quan trắc số liệu, tư liệu dần được hoàn thành…
Thành quả của sự chung sức, đồng lòng của cả tập thể nhà khoa học, chuyên gia môi trường, các đại sứ quán, quỹ cùng các tình nguyện viên là ra mắt tuyển tập công trình tới 276 trang khổ A4 với rất nhiểu ảnh tư liệu, sơ đồ, biểu đồ, hình vẽ, số liệu cụ thể… Cuốn sách được phát hành vào đúng tháng 10/2010, là tấm lòng của cả một tập thể đại diện cho đồng bào cả nước hướng về Thủ đô thân yêu, kính dâng lên để tri ân các bậc tiền hiền đã dời đô về đất Thăng Long xây thành, đắp lũy, cùng bách gia trăm họ đồng lòng kiến thiết, bảo vệ rồi mở mang bờ cõi để có được non sông gấm vóc Việt Nam hôm nay.
Công trình nghiên cứu đánh giá hiện trạng 120 hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ của 6 Quận trung tâm Hà Nội được thực hiện năm 2010. |
Có thể khẳng định rằng, với 3 nhóm chuyên môn, bao gồm: Nhóm phân tích chất lượng nước và đánh giá môi trường bờ và hành lang bờ các hồ; Nhóm đo đạc trắc địa hiện trạng các hồ; và Nhóm nghiên cứu thể chế, đội ngũ cán bộ và tình nguyên viên đã hoàn thành xuất sắc các công việc tưởng chừng như không thể để có được sản phẩm ghi dấu ấn lịch sử này.
Tôi vẫn còn nhớ như in lời tựa viết trên bản báo cáo công trình cũng khiêm nhường: “Hi vọng Báo cáo sẽ bổ ích cho những người yêu Hà Nội và yêu các hồ của Hà Nội. Nếu từ đây, những ý tưởng mới, những dự án mới giúp hồ Hà Nội khôi phục và khỏe mạnh ra đời, được mọi người dân tham gia, và tới năm 2020 Hà Nội có được bình diện hồ sạch, đẹp, Dự án này được coi là một nỗ lực thành công”.
Hồ Tây là một trong những hồ điều hoà lớn của Hà Nội. |
Một thập kỷ nữa trôi qua và năm 2020, Hà Nội của chúng ta đang trong những ngày tháng lịch sử khi “oằn mình” cùng cả nước chống đại dịch Covid-19. Hồ Hoàn Kiếm đang được chỉnh trang; hệ thống hồ đã và đang được ưu tiên làm sạch và cải tạo, chỉnh trang để Thủ đô ngày một thân thiện, xanh, sạch, đẹp hơn.
Mặc dù còn nhiều vấn đề cần bàn để làm tốt hơn nữa cho hệ thống hồ ao của Hà Nội, chúng tôi tin rằng với sự đồng tâm hiệp lực của chính quyền và nhân dân Hà Nội khi đã nhận rõ tầm quan trọng của hệ thống hồ ao, sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư chỉnh trang, hành động ngay để bảo vệ những ao hồ trở nên “khoẻ mạnh” hơn, đáp ứng đúng chức năng điều hòa cùng với hệ thống cây xanh đô thị là những lá phổi xanh theo đúng nghĩa.
Hà Nội hiên ngang, Hà Nội sắt son một lời thề! Hà Nội là trái tim của cả nước, Hà Nội thành phố vì hòa bình, thành phố rồng bay trong bộn bề công việc… nên càng cần phải “tô đẹp” cho các hồ nước. Xin được tri ân những người đã, đang và sẽ luôn đồng hành tình nguyện cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, cho bảo tồn và phát triển bền vững hệ thống hồ ao của Hà Nội. Hà Nội sẽ mãi tươi xanh, trường tồn đi lên cùng đất nước!
Nguyên Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, Cố vấn Dự án