Chương trình khai giảng có các nghi thức: đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước; có thể tổ chức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh để tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày Khai giảng năm học mới - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2019-2020 thống nhất trên cả nước vào buổi sáng ngày hôm nay 05 tháng 9 năm 2019. Ảnh minh họa. |
Riêng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức khai giảng dưới hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Lưu ý không đọc báo cáo về tình hình hoạt động của nhà trường, bảo đảm sức khỏe của học sinh và bảo vệ môi trường.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau Lễ Khai giảng; ban hành kế hoạch giáo dục nhà trường trong cả năm học, bảo đảm nội dung chương trình giáo dục theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và điều kiện của nhà trường.
Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học cần phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh.
Ngoài ra, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục triển khai giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đặc biệt lưu ý các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối trong việc đưa đón học sinh.
Ngành Giáo dục tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp cơ bản
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục.
Cụ thể, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký Chỉ thị số 2268/CT-BGDĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ thị toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản trong năm học 2019 - 2020.
Đây là những nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã được toàn ngành triển khai xuyên suốt trong 3 năm qua, căn cứ tình hình cụ thể, mỗi năm sẽ có những hoạt động trọng tâm để triển khai thực hiện theo hướng đảm bảo chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục, từng bậc học.
Trong đó, 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục; Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
5 nhóm giải pháp cơ bản bao gồm: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo; Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.
Không để xảy ra tình trạng 'lạm thu' trong năm học mới
Bộ GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành; không để xảy ra tình trạng “lạm thu”; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học.