HoREA kiến nghị giảm lãi vay, giãn nợ cho doanh nghiệp và người mua nhà

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) kiến nghị các ngân hàng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà, như: cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc... nhằm vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Vì sao Bà Rịa - Vũng Tàu 'sốt ruột' cấp sổ hồng cho căn hộ du lịch?Đắk Nông: Cả trăm ha rừng thông dọc quốc lộ 28 bị 'đầu độc'Cơ chế nào cho ‘Thành phố phía Đông’ của TP.HCM?
horea kien nghi giam lai vay gian no cho doanh nghiep va nguoi mua nha
HoREA kiến nghị giảm lãi vay, giãn nợ cho doanh nghiệp và người mua nhà.

Trong văn bản gửi Thủ tướng và cơ quan chức năng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, các thông tư, nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua chưa xác định bất động sản là lĩnh vực cũng chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 nên chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng. Trong 2 tháng qua, hầu như các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại để được cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn...

Người vay mua nhà cũng chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

Những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề cho thị trường bất động sản. Trong quý I/2020, cả nước có khoảng 53.000 sản phẩm bất động sản được chào bán ra thị trường (bao gồm sản phẩm mới và hàng tồn kho), nhưng tỉ lệ tiêu thụ được chỉ đạt khoảng 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Riêng phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (condotel), chỉ có hơn 41.000 sản phẩm đưa vào sử dụng, chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số 139.281 sản phẩm được đầu tư xây dựng.

Đáng buồn là, đã có đến 800 sàn giao dịch bất động sản trong tổng số khoảng 1.000 sàn giao dịch trong cả nước phải ngừng hoạt động vì thị trường ảm đạm, dịch bệnh kéo dài nhiều tháng, không thể duy trì hoạt động...

Do vậy, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp bất động sản được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.

Các ngân hàng thương mại xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại cũng được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc… theo tinh thần Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước.

Hiệp hội cho rằng cần có chính sách hỗ trợ giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất, vì khoản chi phí này chiếm tỉ trọng lớn trong dự án nhà ở, nếu phải nộp tiền sử dụng đất lúc này mà doanh thu không có thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Do đó, xem xét cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án đối với doanh nghiệp có số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 3 đến 6 năm 2020. Còn xem xét, chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng, khi hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.

Đồng thời, HoREA kiến nghị Chính phủ cho doanh nghiệp được giãn tiến độ 5 tháng đối với các khoản thu thuế phát sinh từ những bất hợp lý trong quá trình thực hiện Nghị định 20 mà doanh nghiệp chưa nộp, cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.

Liên quan đến khoản nợ vay bằng trái phiếu, HoREA cho biết, tổng huy động trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản năm 2019 lên tới 106.500 tỉ đồng. Trong đó, có 84,2% doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị trái phiếu dưới 3 lần vốn chủ sở hữu, lãi suất bình quân 10,3%, bảo đảm được yếu tố an toàn và hợp lý. Trong quý 1/2020, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cả nước có giá trị lên đến 37.308 tỉ đồng. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành nhiều nhất đạt 20.474 tỉ đồng, lãi suất bình quân 10,8%/năm, tương đương lãi suất vay ngân hàng.

Do đó, Hiệp hội kiến nghị chưa siết tín dụng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản để hỗ trợ vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Nhìn tổng thể, thị trường bất động sản quý 1/2020 bị trầm lắng. Tháng 3 và nửa đầu tháng 4/2020 thị trường gần như bị đóng băng, giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết.

Hải Nam
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết