Hộ gia đình bà Đào Thị Gái, 74 tuổi, ở thôn 7, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vừa nhận được thông báo nộp tiền điện của Điện lực Quảng Ninh với hơn 27.000 số điện tương đương số tiền là 89.350.496 đồng. Trong khi thông thường, bình quân mỗi tháng gia đình bà chỉ sử dụng khoảng 200 số điện/tháng.
Hóa đơn của gia đình nhà bà Gái. (Ảnh: Báo Công Lý) |
Trả lời báo Lao động, ông Châu Quốc Tuấn – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hạ Long – xác nhận gia đình bà Gái thuộc hộ bình thường, ít người và không kinh doanh, buôn bán gì.
Cũng theo ông Tuấn, qua trao đổi với con trai cả của bà Gái thì được biết, lúc đầu nhìn vào hóa đơn cứ tưởng tổng tiền điện tháng 6 chỉ có hơn 89.000 đồng. Đến khi chuyển khoản số tiền trên không được, nhìn lại hóa đơn thì mới tá hỏa khi biết tổng số tiền là hơn 89 triệu đồng.
Liên quan đến sự việc trên, trưa 22/6, trao đổi với PV Báo Công lý, ông Hà Văn Bình – trưởng phòng tổng hợp Điện lực Vân Đồn cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ phía người dân, ngành điện đã bố trí cử người xuống kiểm tra, thực tế thì khách hàng không sử dụng đến như thế, chắc do bụi bẩn nên máy đọc không chuẩn, đối chiếu thực tế trên mặt công tơ chỉ có 244 Kwh. Sau khi phát hiện sai sót, đơn vị đã chỉnh sửa và sửa lại hóa đơn cho khách hàng.
Vụ việc tương tự mới đây cũng xảy ra ở Quảng Bình. Gia đình anh Trần Việt Dũng (trú ở tỉnh Quảng Bình) hoảng hốt khi nhận được hóa đơn tiền điện với mức tiêu thụ điện trong tháng 6 là 18.274 kWh, tính ra thành tiền là gần 58,5 triệu đồng.
Trong khi đó, tháng trước đó, gia đình anh chỉ tiêu thụ mức 248 kWh, với tổng tiền là 489.000 đồng, ít hơn 33 lần. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVN CPC) đã yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Bình kiểm tra xác minh lại việc tiêu thụ điện của khách hàng.
Bảng so sánh tiền điện của gia đình anh T. V. D. (Ảnh: Báo Giao thông) |
Cụ thể, sau khi kiểm tra 12 tháng gần nhất, khách hàng này thường tiêu thụ ở mức 210-300 kWh/tháng; số tiền điện phải trả dao động khoảng 460.000-700.000 đồng/tháng. Trong tháng 6, số tiền điện bất ngờ nhảy vọt lên như vậy là bất thường, sau khi tính toán lại, hộ anh Dũng chỉ phải trả khoảng 500.000 đồng cho tiền điện tháng này.
Trao đổi với báo chí, ông Thái Hồng Quân, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Quảng Bình - cho biết đơn vị này đang chỉ đạo Điện lực TP.Đồng Hới kiểm tra lại việc tiêu thụ điện của một khách hàng bị tính nhầm lượng tiêu thụ tăng hơn 33 lần trong tháng.
Cũng theo điện lực Quảng Bình, nguyên nhân ban đầu dẫn đến sai sót trên được nhận định là do vào cuối tháng 5/2020, khách hàng đến thời gian định kỳ thay công tơ. Sau khi thay xong nhân viện điện lực đã ghi lại chỉ số sử dụng điện bị nhầm các con số.
Công ty Điện lực tỉnh Quảng Bình thừa nhận sai sót và cho biết sẽ đến tận nhà xin lỗi khách hàng Trần Việt Dũng về sự cố ghi nhầm đáng tiếc này.
Tiền điện của hơn 3,1 triệu khách hàng tăng vọt trong tháng 5 Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50% Thậm chí, trong tháng 5 có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó. Trước tình hình tiêu thụ điện tăng đột biến nêu trên, nhiều khách hàng đã đặt ra nghi vấn, liệu công tơ điện “có vấn đề” hoặc ghi số điện không chính xác hay không?
Phản hồi về thông tin này, đại diện EVN cho biết, các công tơ/điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT BKHCN ngày 26/7/2019. Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng. Hiện tại, các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Đối với công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót (nếu có) trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện. Cũng theo EVN, khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được đơn vị điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ. Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của Điện lực. |