Khai mạc Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp

Đại diện của UNDP hi vọng rằng sẽ tổ chức được nhiều khóa học hơn nữa, để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận nhanh hơn với Kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy cam kết của Việt Nam tại COP26.
Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn: Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp ViệtÁp dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu: Doanh nghiệp Việt cần làm gì?Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp: Khóa đào tạo thiết thực, nhiều ý nghĩaXây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp

Sáng 30/6, tại Hà Nội, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức "Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp".

Tham dự khóa đào tạo có, ông Nguyễn Thành Yên - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Chất thải - Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT); ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường; Các chuyên gia đến từ Đại học Saxion Hà Lan, Đại học Ngoại thương; Cùng đông đảo đại diện doanh nghiệp và người dân quan tâm đến xây dựng Kinh tế tuần hoàn.

Khai mạc Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp - Ảnh 1
Các đại biểu tham gia "Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp" chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường gửi lời cảm ơn đến Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các chuyên gia đến từ Hà Lan và cụ thể là các chuyên gia tại đại học Saxion (Hà Lan), cùng sự hỗ trợ tích cực từ Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).

Theo Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường, Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp nằm trong Chương trình "Tăng cường năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2022" với mục đích chính là góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Khai mạc Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp - Ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường phát biểu khai mạc chương trình.

"Khóa đào tạo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Kinh tế tuần hoàn, hi vọng sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc định hướng, khuyến khích, chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam tiếp cận một cách khoa học với khái niệm Kinh tế tuần hoàn.

Kinh tế tuần hoàn là một khái niệm mới đối với Việt Nam, song trên thực tế, đã có không ít doanh nghiệp đã và đang phát triển theo mô hình tiệm cận khái niệm này. Hi vọng rằng, sau khóa đào tạo, các doanh nghiệp sẽ có góc nhìn hoàn thiện hơn về Kinh tế tuần hoàn, đồng thời có sự điều chỉnh phù hợp cho định hướng phát triển của công ty trong tương lai dựa trên những chia sẻ, kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Tôi xin chân thành cảm ơn sự hỗ trợ rất tích cực từ UNDP, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, đặc biệt những doanh nghiệp đã, đang và sẽ phát triển công ty theo mô hình Kinh tế tuần hoàn", PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nói.

Khai mạc Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp - Ảnh 3
Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ tại "Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp".

Chia sẻ tại Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi cảm nhận được năng lượng tích cực từ các doanh nghiệp Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên UNDP tổ chức đào tạo về Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, ông Haverman hi vọng rằng sẽ tổ chức được nhiều khóa học hơn nữa, để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận nhanh hơn với Kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy cam kết của Việt Nam tại COP26.

"UNDP đã xây dựng trung tâm đào tạo về Kinh tế tuần hoàn và bắt đầu triển khai các khóa đào tạo tại Việt Nam. Chúng tôi có rất nhiều đối tác đã bày tỏ thiện chí trong việc hỗ trợ về kỹ thuật, tri thức để giúp các doanh nghiệp tại Việt Nam xây dựng mô hình Kinh tế tuần hoàn. Hi vọng rằng, những hoạt động của UNDP tại Việt Nam sẽ nhận được sự hưởng ứng tích cực, qua đó hướng tới mục tiêu chung, vì một hành tinh xanh", ông Patrick Haverman nhấn mạnh.

Khai mạc Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp - Ảnh 4
Ông Nguyễn Thành Yên - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Chất thải, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT).

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Thành Yên - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Chất thải - Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho rằng, nếu xét theo khía cạnh của vấn đề thì Việt Nam là nước tiên phong trong việc tái chế rác thải (một yếu tố trong Kinh tế tuần hoàn).

"Chúng ta đã quá quen thuộc với đội ngũ "đồng nát", họ thu gom phế liệu và hỗ trợ rất nhiều trong việc tái chế chúng. Hoạt động này là ví dụ đơn giản nhất cho kinh tế tuần hoàn, và điều mà chúng ta cần làm là nâng tầm khái niệm này lên và đưa nó đến với mọi người dân, mọi doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế xanh.

Tôi xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, UNDP, các chuyên gia trong và ngoài nước đã triển khai những hoạt động thiết thực, có tính lan tỏa trong việc phổ biến khái niệm Kinh tế tuần hoàn, đưa khái niệm này vào thực tiễn", ông Nguyễn Thành Yên bày tỏ.

Khai mạc Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp - Ảnh 5
Các đại biểu lắng nghe phần tham luận về kinh tế tuần hoàn.

Sau lễ khai mạc, các chuyên gia đến từ Đại học Saxion Hà Lan, Đại học Ngoại thương đã trình bày tham luận của mình để giới thiệu về mô hình Kinh tế tuần hoàn và hướng dẫn thiết kế mô hình Kinh tế tuần hoàn; đồng thời phân tích lợi ích của Kinh tế tuần hoàn đối với doanh nghiệp.

Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp

Nhằm cung cấp kiến thức về KTTH, các chính sách của Chính phủ về phát triển KTTH và các yêu cầu về thương mại bền vững của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) với sự hỗ trợ từ Chính phủ Hà Lan sẽ tổ chức Chương trình "Tăng cường năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2022".

Chương trình có ba hoạt động chính gồm: Tổ chức khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp; Chọn 02-03 doanh nghiệp để tham gia chương trình hỗ trợ sau đào tạo, trong 04 tháng; Cung cấp tài liệu hướng dẫn thiết thực để chuyển đổi và thực hiện các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn.

Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp tại Hà Nội do Viện Chính sách Kinh tế môi trường - Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức với nội dung cụ thể như sau:

Ngày 30/6:

8h30-9h00: Khai mạc chương trình

9h00 – 11h30: Giới thiệu về Mô hình kinh tế tuần hoàn và hướng dẫn thiết kế mô hình kinh tế tuần hoàn (Do chuyên gia Đại học Saxion giới thiệu).

14h00 – 15h30: Lợi ích từ Kinh tế tuần hoàn với doanh nghiệp (TS Nguyễn Công Thành, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc Dân) .

15h30 – 17h00: Một số điểm mới của Luật bảo vệ môi trường 2020 về áp dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn tại Doanh nghiệp (Luật sư Hà Huy Phong).

Ngày 1/7:

8h30 – 9h30: Hướng dẫn về Bộ công cụ kinh tế tuần hoàn và cách thức xây dựng (Chuyên gia Đại học Saxion giới thiệu).

9h35 – 11h30: Chính sách và khuôn khổ pháp lý về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam (TS Lại Văn Mạnh – ISPONRE).

14h00 – 15h: Một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam (PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường).

15h00 – 17h30: Một số nội dung về mô hình phát triển bền vững (PGS.TS Nguyễn Danh Sơn).

Ngày 2/7:

Tham quan mô hình kinh tế tuần hoàn tại Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiên, TP. Hải Phòng.

Nhóm PV

Xem thêm

Liên kết