“Khoáng tặc” hoạt động công khai
Mới đây, nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường có loạt bài phản ánh tình trạng hàng trăm hecta đồi núi bị "xẻ thịt", hồ đập bị xâm lấn vì nạn “khoáng tặc” khai thác đá bạc hay còn gọi là đá thạch anh trên địa phận xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Đáng chú ý, việc khai thác diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Hành vi này diễn ra cả ngày lẫn đêm, quy mô lớn và hoàn toàn công khai.
Trả lời Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Hoàng Trường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc xác nhận những vị trí khai thác đá bạc mà phòng viên phản ánh đều chưa được cấp phép. "Tôi sẽ cho anh em kiểm tra", vị Chủ tịch xã nói.
Theo sát hoạt động khai thác và vận chuyển đá bạc đi tiêu thụ, phóng viên đã cung cấp thông tin cho lãnh đạo Công an huyện Cẩm Xuyên. Theo đó, tối ngày 5/3, lực lượng CSGT và Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Cẩm Xuyên) đã tiến hành kiểm tra, tạm giữ 4 xe tải chở đá bạc đang trên đường vận chuyển lô hàng ra huyện Ba Vì (TP.Hà Nội) tiêu thụ.
Sáng 7/3, Thượng tá Phan Ngọc Tố, Trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên cho biết, sau khi tạm giữ phương tiện, đơn vị sẽ kiểm tra, xác minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng hóa nói trên. Nếu quá thẩm quyền của huyện thì sẽ bàn giao cho Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường xử lý.
“Quan điểm của công an huyện là xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, Thượng tá Phan Ngọc Tố nói.
Vụ việc trên đặt ra câu hỏi lớn về công tác quản lý khoáng sản và trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Tại sao hoạt động khai thác trái phép rầm rộ, diễn ra trong thời gian dài như vậy lại không bị phát hiện, xử lý? Cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm?
Pháp luật quy định như thế nào về việc bảo vệ khoáng sản?
Về vấn đề này, TS Lại Hồng Khanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép là hành vi bị cấm trong Luật Khoáng sản 2010. Luật này cũng quy định rất rõ về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại Điều 16, 17, 18, 19.
Theo Điều 19, Luật Khoáng sản 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật này; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực biên giới, hải đảo hoặc khu vực cấm hoạt động khoáng sản vì lý do quốc phòng, an ninh.
Khoản 3, Điều 16 quy định, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Trong đó, Khoản 3, Điều 18 Luật Khoáng sản 2010 quy định, UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khoáng sản trái phép; Phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Điều 18 của Luật Khoáng sản 2010 được hướng dẫn thực hiện bởi Điều 17 và Điều 18 Nghị định 158/2016/NĐ-CP. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn địa phương mà không xử lý hoặc xử lý không dứt điểm để diễn ra kéo dài.
Cần làm rõ trách nhiệm và xử lý đến cùng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng đánh giá, với trữ lượng lớn và chất lượng tốt, tiềm năng khoáng sản của Việt Nam là rất lớn, mặc dù chủ yếu là xuất thô và chưa qua chế biến nhưng khoáng sản có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GDP.
Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo rất quyết liệt từ Chính phủ mà công tác quản lý khoáng sản đã dần đi vào nề nếp hơn, giảm bớt thất thoát nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, đánh giá khách quan, công tác quản lý vẫn tồn tại nhiều bất cập. Thực tế tình trạng khai thác trái phép vẫn cứ diễn ra, làm “chảy máu” tài nguyên, gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước.
Đánh giá trực diện, các hành vi khai thác trái phép khoáng sản gây tổn hại về kinh tế. Đồng thời, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội. Đơn cử như hành vi khác cát trái phép sẽ làm thay đổi dòng chảy; Việc khai thác khoáng sản trong rừng làm mất diện tích rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, gia tăng thiên tai, bão lũ; Quá trình khai thác, vận chuyển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân…
“Các hành vi khai thác trái phép đều vi luật (vi phạm pháp luật - PV) và không hề tuân thủ các quy định, chưa đáp ứng các điều kiện về môi trường tự nhiên và xã hội. Sự lộng hành của các đơn vị này làm người dân hoang mang, mất lòng tin, đồng thời có khả năng hình thành các tụ điểm nguy hiểm, sa đà vào các tệ nạn xã hội nhờ nguồn lợi lớn từ hoạt động khai thác trái phép”, PGS.TS Bùi Thị An trao đổi.
Do đó, từ vụ việc Tạp chí Kinh tế Môi trường phản ánh và thực trạng bất cập ở các địa phương khác, PGS.TS Bùi Thị An kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại công tác thăm dò để phát hiện, thống kê đầy đủ các nguồn khoáng sản, làm rõ thực trạng quản lý, thống kê, rà soát, kiểm tra, làm rõ thực tế các địa phương đang khai thác như thế nào? Loại khoáng sản nào đang bị khai thác trộm? Từ đó, làm rõ trách nhiệm và xử lý đến cùng.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.