Khai thác gỗ trái phép trong khu vực phòng thủ quân sự

Trong khi vụ việc khai thác quặng thiếc trái phép trong Khu vực phòng thủ quân sự tỉnh Đắk Nông, do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Nông trực tiếp quản lý đã được Báo Nhân Dân phản ánh chưa được làm rõ, xử lý dứt điểm, người dân lại tiếp tục phản ánh về thực trạng khai thác gỗ trái phép trong lâm phần này.
Những bài học đắt giá nhìn từ vụ cháy rừng Hồng LĩnhĐắk Nông: Dừng xây dựng dự án xử lý rác thải 58 tỉ đồngThủ tướng: Tài nguyên sáng tạo là quý giá nhất, càng khai thác càng nảy nở
khai thac go trai phep trong khu vuc phong thu quan su
Nhiều cây rừng trong Khu vực phòng thủ quân sự tỉnh Đắk Nông bị khai thác lấy gỗ chỉ còn trơ gốc.

Đi thực tế theo phản ánh của nhân dân, chúng tôi chứng kiến nhiều cây rừng có đường kính lớn bị đốn hạ còn trơ gốc. Qua định vị tọa độ tại hiện trường xác định, địa điểm khai thác gỗ trái phép nằm trong lâm phần rừng thuộc Khu vực phòng thủ quân sự tỉnh Đắk Nông, do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Nông trực tiếp quản lý.

Tại thời điểm thâm nhập thực tế, nhiều cây gỗ xá xị, dầu đỏ, bằng lăng… có đường kính gốc từ 40-70 cm bị cưa hạ. Các đối tượng đã dùng xe độ chế vận chuyển đi phần thân chính, hiện trường chỉ còn phần bìa gỗ và cành ngọn. Vị trí khai thác gỗ trái phép nằm cách doanh trại Khu vực phòng thủ quân sự tỉnh Đắk Nông khoảng 1 km. Để vào được khu vực khai thác gỗ, vận chuyển gỗ trái phép ra ngoài, các đối tượng phải đi qua một con đường duy nhất phía trước cổng doanh trại, sau đó phải đi qua chốt có barie của Khu vực phòng thủ quân sự Đắk Nông do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Nông lập và quản lý. Khi vào đến bãi gỗ, các đối tượng tiếp tục dùng cưa xăng cắt cây, mở đường khai thác gỗ với chiều dài khoảng 500 m, bề rộng khoảng 3,5 m …

Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong cho biết, đây là khu vực rừng “cấm” được UBND tỉnh Đắk Nông bàn giao cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Nông trực tiếp quản lý. Các cơ quan chức năng muốn vào kiểm tra phải được sự đồng ý trực tiếp của lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Nông, phải có văn bản cụ thể, kèm theo kế hoạch phối hợp sau đó mới được vào kiểm tra. Việc phối hợp này mang tính hành chính rất cao, có khi mất nhiều thời gian mới thực hiện được, nên khi phát hiện các đối tượng khai thác gỗ trái phép trong lâm phần do quân sự quản lý lực lượng kiểm lâm cũng chỉ thông báo với đơn vị chủ quản và cơ quan chức năng chứ không thể vào ngăn chặn và bắt đối tượng ngay được. Khi ban hành văn bản phối hợp, được sự đồng ý của cơ quan quân sự để vào hiện trường kiểm tra thì rừng đã bị tàn phá, các đối tượng và phương tiện đã biến mất.

khai thac go trai phep trong khu vuc phong thu quan su
Hiện trường khai thác gỗ trái phép trong Khu vực phòng thủ quân sự tỉnh Đắk Nông.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Nguyễn Văn Hợp cho biết, về pháp lý rừng và đất rừng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Nông theo quyết định giao đất, giao rừng của UBND tỉnh Đắk Nông. Về địa giới hành chính, khu vực trên thuộc quản lý của UBND huyện Đắk Glong. Khi rừng bị phá trách nhiệm trước tiên thuộc về đơn vị chủ rừng, sau đó chính quyền địa phương vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định. Trong khi đó, muốn vào được khu vực quân sự quản lý để kiểm tra rừng thì địa phương và lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trường hợp có tin báo đột xuất cần kiểm tra kịp thời để ngăn chặn và xử lý vụ việc phá rừng, khai thác gỗ trái phép thì không thể thực hiện ngay được.

Việc “lâm tặc”, “khoáng tặc” phá rừng, khai thác gỗ, khai thác khoáng sản trái phép trên đất, rừng thuộc khu vực quân sự, quốc phòng quản lý ở tỉnh Đắk Nông không phải mới diễn ra lần đầu. Tuy nhiên, câu chuyện bất cập trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý vụ việc giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ quản trong lực lượng quốc phòng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ. Trong khi các đối tượng ngang nhiên đưa người, máy cơ giới, phương tiện vào khu vực phòng thủ quân sự, đất rừng quốc phòng để tổ chức khai thác gỗ, phá rừng, mở đường, khai thác quặng thiếc trái phép như nơi rừng và đất rừng vô chủ thì lực lượng chức năng, chính quyền địa phương lại bị kiểm soát khắt khe, ngăn cản hoặc phải thực hiện thủ tục hành chính rập khuôn, máy móc sau khi vụ việc đã rồi. Những bất cập này nếu không sớm được tháo gỡ, tài nguyên khoáng sản trong khu vực quốc phòng quản lý sẽ tiếp tục bị chảy máu; lâm tặc, thiếc tặc, đá tặc... sẽ tiếp tục lộng hành trước “mũi” của các cơ quan chức năng.

Theo Báo Nhân Dân
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết