Sông Đốc là thị trấn biển sầm uất nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nơi đây có hàng ngàn phương tiện đánh bắt ra vào trao đổi mua bán hàng hóa mỗi ngày nên cửa biển lớn nhất tỉnh Cà Mau luôn tấp nập.
Đặc biệt, nhiều gia đình nơi đây vẫn giữ cái nếp ăn Tết biển nên thời gian gần Tết không khí càng nhộn nhịp hơn. Họ ra khơi đánh bắt không chỉ với kỳ vọng trúng chuyến biển đầu năm mà còn mang theo ước muốn cả 1 năm đánh bắt thuận lợi..
Gia đình ông Nguyễn Hữu Tân (khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) vừa làm xong các “thủ tục” để anh em ngư phủ ra khơi đánh bắt chuyến biển Tết. Trong đó, không thể thiếu bữa cơm ấm áp trước khi ra khơi. Bữa cơm có mặt tất cả 8 “thủy thủ” là bạn đi nghe lưới của gia đình ông. Họ đến từ nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau và có cả những người đến từ tỉnh thành khác.
Nhiều ngư dân thị trấn Sông Đốc ra khơi ăn Tết biển. |
Ông Tân cho biết, những anh em này đã gắn bó với gia đình ông cả năm nên bữa cơm cuối năm là lúc tổ chức trang trọng để cảm ơn họ. Bà xã ông Tân đã chuẩn bị sẵn những “đặc sản” như: Cá đồng, ba khía muối... đãi những bạn tàu chí cốt vì đối với người đi biển họ ngán nhất là hải sản.
Chuyến đánh bắt vừa qua trừ chi phí gia đình ông Tân lãi được khoảng 50 triệu đồng nên dù đã chia đủ tiền bạn, ông Tân vẫn cho mỗi bạn tàu ứng trước 3 - 5 triệu đồng để họ gửi về cho vợ con lo Tết. Chính vì vậy mà bữa cơm vào tối 20 tháng Chạp tại nhà ông Tân đầy ắp niềm vui và những niềm hy vọng mới.
“Hiện nay Nhà nước đang chấn chỉnh lại việc đánh bắt nên hi vọng thời gian tới việc đánh bắt sẽ hiệu quả hơn. Thường chuyến biển Tết đầu năm cũng mong ngư dân dễ trúng cá, trúng mực cho anh em ngư phủ có thêm thu nhập, lo cho cuộc sống tốt hơn”, ông Tân chia sẻ.
Chuyến biển Tết của người dân thị trấn Sông Đốc thường bắt đầu ra khơi từ ngày 20 - 25 tháng Chạp và kết thúc sau khoảng 20 ngày đánh bắt. Bữa cơm trước chuyến ra khơi đó vừa là tiệc Tất niên vừa là tiệc chiêu đãi ăn Tết sớm.
Nhớ lại vị Tết biển những năm qua, anh Trịnh Văn Toàn - chủ ghe hành nghề câu mực chia sẻ, các chuyến biển thông thường chủ ghe chỉ chuẩn bị các nhu yếu phẩm đảm bảo bữa ăn hàng ngày, nhưng riêng chuyến biển Tết, ngư dân sẽ chuẩn bị thêm các sản vật và cả bia để anh em tổ chức ăn Tết trên biển.
Có thể bữa cơm ngày mùng 1 Tết trên ghe không đầm ấm như trong bờ, nhưng vẫn đủ đầy vật chất và dạt dào tình cảm của những người đã gắn bó với nhau năm này qua tháng nọ. Sau khi kết thúc chuyến biển, vào bờ họ lại có một bữa tiệc ăn Tết muộn, chính vì thế cái Tết của anh em ngư phủ khó có thể trọn vẹn bên gia đình, nhưng vẫn đầy niềm vui và họ luôn sẵn sàng ra khơi mỗi dịp Tết đến Xuân về và mang theo những kỳ vọng.
“Năm vừa qua tàu đánh bắt cũng hiệu quả, mỗi chuyến biển mỗi ngày kiếm được từ 20 - 30 triệu đồng, nhưng nhìn chung năm nay đánh bắt không có lời. Qua năm mới, ngư dân cũng mong ra khơi đánh bắt thuận lợi, thường xuyên trúng cá đảm bảo cuộc sống ngư dân”, anh Toàn bày tỏ.
Ngư dân Cà Mau ra khơi mang theo kỳ vọng trúng chuyến biển đầu năm. |
Tính riêng khóm 1, thị trấn Sông Đốc hiện nay đã có hơn 250 phương tiện đánh bắt. Tuy tình hình đánh bắt năm qua không thuận lợi như các năm trước nhưng vẫn có gần 150 phương tiện ra khơi ăn Tết biển. Trước những khó khăn ngư dân đang gặp phải, ông Phan Văn Bảy, trưởng khóm 1, thị trấn Sông Đốc mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ để bà con miền biển giảm bớt khó khăn.
“Thời gian gần đây nguồn lợi thủy sản có giảm sút, chính vì thế Nhà nước cần có hướng quy hoạch, quản lý khai thác vùng biển hợp lý để có thời gian cho các nguồn lợi thủy sản sinh sôi, nảy nở. Cùng với đó, tổng đầu tư của ngư dân hiện nay rất lớn, trong khi nguồn thu hạn chế nên cơ quan chức năng cũng cần xem xét có hỗ trợ cho ngư dân, nhất là trong việc lắp đặt thiết bị đường dài, thiết bị giám sát hành trình”, ông Bảy mong muốn.
Ăn Tết biển đã như truyền thống đánh bắt của một bộ phận người dân thị trấn miền biển Sông Đốc. Tết này, các ngư dân nơi đây đều mang theo kỳ vọng chuyến biển đầu năm trúng mùa và công việc đánh bắt thuận lợi cả năm. Các cấp chính quyền địa phương đã thực hiện siết chặt việc đánh bắt, nhằm đảm bảo phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững. Đây thực sự là những tín hiệu tích cực cho mùa khai thác mới, tạo tiền đề để những người dân bám biển, sống với biển nơi Đất Mũi – Cà Mau có một năm đánh bắt thuận lợi.