Khẳng định đóng góp của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Cùng với việc tham gia Diễn đàn P4G, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh.
GCF tài trợ hơn 30 triệu USD cho 5 tỉnh Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậuBiến đổi khí hậu có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 1 nghìn tỉ USDBảo tồn phát triển rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu

Nhận lời mời của Tổng thống Đại Hàn Dân quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) theo hình thức trực tuyến ngày 31/5/2021.

P4G được coi là diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác đối tác công-tư, đóng vai trò kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị-xã hội để cùng thảo luận đưa ra các giải pháp mang tính đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs).

Việt Nam là một trong bảy thành viên sáng lập và là đối tác chính thức của P4G.

tm-img-alt
Đoàn viên, thanh niên thành phố Quy Nhơn đặt các thùng thu gom rác thải, bảo vệ môi trường ở xã Nhơn Lý. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Thúc đẩy cam kết của cộng đồng quốc tế

Diễn đàn cấp cao Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) được hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch, tiền thân là Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF).

Hiện nay, Diễn đàn có 12 quốc gia thành viên, bao gồm Đan Mạch, Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Bangladesh, Indonesia và Nam Phi cùng với sự tham gia của hơn 90 quốc gia, các tổ chức quốc tế và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khắp thế giới...

Hội nghị Thượng đỉnh P4G năm 2021 được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.

Cùng với Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ chủ trì ngày 22/4, Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2021 sẽ tạo động lực quan trọng, thúc đẩy quyết tâm và cam kết của cộng đồng quốc tế chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Biến đổi khí hậu (COP 26) tháng 11/2021.

Là hội nghị đa phương đầu tiên về lĩnh vực môi trường do Hàn Quốc chủ trì, Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2021 nhận được sự hưởng ứng và tham dự của đông đảo Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia và doanh nghiệp.

Tới nay, lãnh đạo của hơn 40 nước và 21 tổ chức quốc tế đã khẳng định tham dự, trong đó có lãnh đạo 14 nước và 1 tổ chức quốc tế khẳng định tham dự Phiên Đối thoại Cấp cao gồm Hàn Quốc, Việt Nam, Đan Mạch, Hà Lan, Áo, Liên minh châu Âu, Thái Lan, Campuchia, Ethiopia, Kenya, Chile, Costa Rica, Peru, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Thông tin từ Ban Tổ chức cho biết lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cũng đang cân nhắc tham dự.

Lãnh đạo các nước gửi thông điệp ghi hình đến nay gồm Đức, Anh, Pháp, Thụy Điển, Senegal, Buhtan, Nepal, Papua New Guinea, Uzbekistan, Figi, Jamaica, New Zealand, Norway (Na Uy), Tây Ban Nha, Algeria, Luxembourg, Jordan...

Ngoài ra, đại diện cấp Bộ trưởng và lãnh đạo của 21 tổ chức quốc tế cũng tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị.

Với chủ đề “Phục hồi xanh bao trùm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon”, tại Phiên Đối thoại Cấp cao, lãnh đạo các nước sẽ tập trung trao đổi 3 nội dung ưu tiên: Phục hồi xanh từ COVID-19, nỗ lực của cộng đồng quốc tế để đạt mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050, tăng cường hành động vì khí hậu và tạo thuận lợi cho hợp tác công-tư.

Cùng với đó, trong khuôn khổ hội nghị, đại biểu tham dự các phiên thảo luận chuyên đề trao đổi các nội dung như mục tiêu trung hòa carbon, chiến lược xanh mới, lương thực và nông nghiệp, nước sạch, năng lượng sạch, công nghệ xanh, tài chính xanh, đô thị thông minh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, đa dạng sinh học, kết nối kinh doanh.

Việt Nam - thành viên cốt lõi

Tham gia Diễn đàn P4G với tư cách là một trong bảy nước thành viên sáng lập từ ngày 7/7/2017, Việt Nam đã triển khai nhiều hành động thể hiện quyết tâm, mong muốn cùng các chính phủ thành viên diễn đàn hiện thực hóa các mục tiêu xanh của toàn cầu 2030.

Ngày 20/9/2017, Việt Nam tham dự Lễ công bố “Diễn đàn P4G” tại New York với tư cách là đối tác chính thức.

Ngày 5/7/2018, Việt Nam công bố thành lập Diễn đàn quốc gia P4G do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững đồng chủ trì và tham gia của nhiều bộ, ngành.

Từ ngày 19-20/10/2018, Việt Nam cử đoàn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ nhất diễn ra tại Đan Mạch với chủ đề “Lãnh đạo toàn cầu vì một tương lai bền vững".

Với tư cách là một trong bảy nước sáng lập P4G, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, nhấn mạnh việc các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp cần chia sẻ, trao đổi, đưa ra các kiến nghị về chính sách cũng như cơ chế tài chính thúc đẩy các dự án tiềm năng về tăng trưởng xanh.

tm-img-alt
Phân loại rác tái chế tại một điểm đổi rác phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Cùng với việc tham gia Diễn đàn P4G, thời gian qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi xanh.

Cùng với đó, chủ động tham gia vào các cơ chế đa phương về khí hậu, lồng ghép các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào các văn kiện chính thức.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu do Tổng thống Mỹ chủ trì ngày 22/4, trong đó cam kết hành động quyết liệt để ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu.

Ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”.

Trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, sự tham gia của Việt Nam tại Diễn đàn P4G nói chung và Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ hai nói riêng, tiếp tục khẳng định đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong những vấn đề ưu tiên của Việt Nam: Phát triển bền vững, đầu tư, thương mại, môi trường, năng lượng tái tạo, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL.

Những định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị và đóng góp tích cực của Việt Nam sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc.

Thu Phương

Xem thêm

Liên kết