Từ chỗ đàn voọc trên núi đá ở Tuyên Hóa chỉ vài con đến nay thành quần thể gần 150 con. |
Khi người dân tự nguyện “chăm” voọc
Ông Nguyễn Thanh Tú còn gọi là “Tú voọc” kể, đầu năm 2012, trong một lần ông leo lên Hung Sú phát đốt cây tạp để trồng sưa thì phát hiện một con voọc tiến về phía mình. Biết ở quê hương mình từng là nơi sinh sống của đàn voọc rồi mất dấu tích trong những năm sau đó, bây giờ voọc xuất hiện trở lại là dấu hiệu tốt nên ông Tú âm thầm theo dõi.
Khi tận mắt chứng kiến các cá thể voọc mới xuất hiện trên núi đá vôi Thiết Sơn, xã Thạch Hóa đang bị đe dọa bởi nạn săn bắn, ông Tú đã thành lập đội bảo vệ để hỗ trợ, bảo vệ đàn voọc từ xa. Đặc biệt, có những người từng là thợ săn khét tiếng song nhờ sự khuyên ngăn và cảm hóa của ông Tú mà đã từ bỏ công việc, nay thành đội viên tích cực của đội bảo vệ voọc dù không có chút thù lao nào.
Qua gần bảy năm kiên trì “chăn” đàn voọc đen gáy trắng, từ chỗ chỉ có một đàn với khoảng 10 con đến nay trên khối núi đá vôi nối liền nhau thuộc bốn xã: Thạch Hóa, Đồng Hới, Sơn Hóa và Thuận Hóa có khoảng 150 cá thể là loài linh trưởng này sinh sống. Sự phát triển nhanh về số lượng cá thể voọc gáy trắng ở Tuyên Hóa đã thu hút được sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Voọc leo trèo, vui đùa nhau trên mỏm núi đá vôi ở xã Thạch Hóa. |
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình Phạm Hồng Thái chia sẻ, voọc đen gáy trắng (voọc Hà Tĩnh), tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng, thuộc nhóm IB, cực kỳ quý hiếm, nguy cấp trong sách Đỏ Việt Nam và sách Đỏ thế giới. Việc đàn voọc gáy trắng quý hiếm sinh tồn, phát triển trên khối núi đá vôi bên cạnh cộng đồng dân cư, thân thiện với con người ở huyện Tuyên Hóa là vô cùng độc đáo, có một không hai. Có được điều đó là nhờ sự đóng góp rất to lớn của ông Nguyễn Thanh Tú và các cộng sự đang ngày đêm miệt mài “vác tù và hàng tổng” bảo vệ sự bình yên cho đàn voọc phát triển.
Tuy nhiên, điều ông Thái lo lắng là voọc đen gáy trắng sinh sống tại Tuyên Hóa đang đối mặt với những thách thức lớn về vùng sống, nguồn thức ăn, các tác động gây ảnh hưởng trực tiếp như: săn bắn, xâm lấn sinh cảnh, khai thác đá, khai thác củi... Các áp lực trên dễ dẫn đến nguy cơ giảm số lượng loài rất cao.
Tìm cách bảo vệ loài sinh trưởng quý
Người “chăn” voọc Nguyễn Thanh Tú (bên phải) và các thành viên nhóm bảo vệ voọc tự nguyện. |
Ông Tú “voọc” bày tỏ: “Dù khu vực núi đá vôi có đàn voọc sinh sống đã được chúng tôi đặt bảng quy định, biển báo cấm săn bắt nhưng người dân vẫn tự do đi vào đây vì mưu sinh. Do đó, mình không thể kiểm soát được hành vi của họ”.
Cuối tháng 11 vừa qua, UBND huyện Tuyên Hóa phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình và Trung tâm Kiến thức bản địa và phát triển (Liên Hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tổ chức hội thảo tham vấn phương án quản lý, bảo tồn loài voọc đen gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa.
Theo báo cáo điều tra, tại địa bàn Tuyên Hóa, quần thể voọc đen gáy trắng phân bố rải rác tại sáu khối núi đá vôi với tổng diện tích 509 ha, với gần 150 cá thể. Những đàn voọc quý hiếm này đang được một nhóm người dân địa phương tự nguyện bảo vệ rất tích cực và mang lại hiệu quả cao, song vai trò pháp lý của nhóm bảo tồn voọc tự nguyện và cộng đồng dân cư chưa được nhà nước thừa nhận do chưa được giao đất, giao rừng nên khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng săn bắt voọc trái pháp luật.
Cuối tháng 12-2018, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành quyết định quy hoạch ba loại rừng, trong đó chuyển 509 ha rừng trên núi đá vôi ở huyện Tuyên Hóa có voọc sinh sống thành rừng đặc dụng để bảo vệ nghiêm ngặt nhằm tạo môi trường sống an toàn cho loài sinh trưởng quý này. Đồng thời, các đơn vị đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ bảo tồn loài voọc đen gáy trắng: khảo sát nhu cầu bảo tồn của cộng đồng, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân địa phương.
Tại hội thảo vừa qua, các nhà quản lý và nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn động vật hoang dã, quản lý rừng đặc dụng có liên quan đến hoạt động bảo tồn voọc đen gáy trắng tại Tuyên Hóa; đóng góp ý kiến về phương án quản lý, bảo tồn voọc đen gáy trắng trên núi đá vôi Tuyên Hóa.
Từ đó, các đại biểu thống nhất đề xuất giải pháp là thí điểm giao rừng cộng đồng gắn liền với giao đất và thành lập ban quản lý rừng cộng đồng liên xã đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện để người dân có đủ cơ sở pháp lý bảo vệ rừng và bảo tồn voọc đen gáy trắng. Chính quyền cùng các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn công tác bảo tồn, nâng cao năng lực cho người dân về bảo vệ rừng và sự bình yên cho loài voọc, hỗ trợ ban quản lý rừng cộng đồng triển khai các hoạt động đối với các nhóm bảo vệ rừng cũng như xây dựng kế hoạch phát triển bền vững dựa trên nền tảng phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn loài - sinh cảnh.
Quần thể voọc ở ngay sát khu dân cư là điều đáng quý ở huyện Tuyên Hóa. |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Cao Xuân Tín, xã hội hóa việc bảo vệ rừng, bảo tồn voọc đen gáy trắng và đa dạng sinh học thông qua việc thí điểm giao rừng cộng đồng sẽ nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và cộng đồng dân cư. Qua đó để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, bắt bẫy các loài động vật rừng trái quy định của pháp luật.
Ông Tú “voọc” chia sẻ, khu vực quy hoạch rừng đặc dụng trên núi đá vôi tại huyện Tuyên Hóa có nhiều loài động, thực vật có giá trị về kinh tế và khoa học nhưng quan trọng hơn cả là thông qua đó để bảo vệ, bảo tồn quần thể voọc đen gáy trắng. Việc làm này không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai mà còn gìn giữ sinh cảnh và nguồn gen loài động vật quý cho thế hệ con cháu mai sau.