Không để cát tặc lộng hành

Do nhu cầu sử dụng cát quá lớn, nguồn thu hấp dẫn, trong khi quy định pháp luật còn nhiều kẽ hở, nên dù triển khai nhiều giải pháp xử lý nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
khong de cat tac long hanh
Sà lan cát hoạt động rầm rộ trên vùng biển Cần Giờ - Ảnh: ĐỨC THẮNG

"Chúng ta phải làm quyết liệt. Về một số bất cập trong quy định hiện hành, UBND TP chủ trì phối hợp cùng các địa phương lân cận dự thảo các nội dung cần sửa đổi bổ sung nghị định 33, sớm trình các cấp thẩm quyền" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo tại hội nghị thông qua đề án phòng chống tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh.

TP HCM quyết tâm đề ra nhiều giải pháp xử lý tình trạng này như: tăng cường quản lý nguồn cát, trang bị nhiều phương tiện hiện đại trong tuần tra, kiểm soát, lên kế hoạch xây dựng nhà giàn và sớm đề xuất sửa đổi quy định…

Nhu cầu quá lớn

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và môi trường TP, chỉ tính riêng nhu cầu cát san lấp đến năm 2025 cho một số dự án ở Cần Giờ, Nhà Bè và 5 quận huyện khác thì cần đến hơn 201 triệu m3 cát.

Trong khi đó, trữ lượng cát trên địa bàn TP được khảo sát có khoảng 77 triệu m3. Theo giá thị trường trên địa bàn TP hiện nay, 1m3 cát xây dựng từ 300.000 - 500.000 đồng, cát san lấp trên 100.000 đồng/m3. Với giá hấp dẫn như vậy nên các đối tượng vẫn lén lút tìm cách hút trộm cát.

Ngoài ra, quy định xử lý hiện hành còn nhiều kẽ hở để cát tặc lách luật. Nghị định 33 (năm 2007) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, chỉ cho phép tịch thu phương tiện, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng với trường hợp khai thác cát từ 50m3 trở lên. Biết được quy định như thế nên thường các đối tượng chỉ khai thác mỗi lần dưới 50m3.

Đối với phương tiện khai thác lớn, cát tặc đối phó bằng cách sử dụng các hợp đồng cho thuê phương tiện chuyên chở, người vi phạm chỉ làm thuê làm mướn nên khi bị xử phạt thì không có khả năng đóng phạt.

Cơ quan chức năng cũng không thể tịch thu phương tiện vi phạm vì không thuộc sở hữu của những người làm thuê làm mướn này.

khong de cat tac long hanh
Bộ đội biên phòng bắt giữ ghe hút trang bị máy hút công suất lớn tại Cần Giờ - Ảnh: ĐỨC THẮNG

Trang bị phương tiện hiện đại, phối hợp liên tỉnh

Không thể để cát tặc lộng hành, TP HCM đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát, xử lý vấn nạn này.

Mới nhất, ngày 28-4, UBND TP đã bàn giao cho lực lượng biên phòng TP hai tàu tuần tra CN09. Đây là loại tàu hiện đại có chiều dài 30m, rộng 6,7m, chiều cao mạn 3,6m, thân vỏ làm bằng thép cường độ cao.

Tàu được lắp hai máy chính và trang bị hệ thống lái điện thủy lực, điều khiển tay và lái tự động, chịu sóng gió cấp 7, cấp 8 và đạt tốc độ lớn nhất 20 hải lý/giờ. Thời gian hoạt động tối đa 10 ngày ở vận tốc 9-10 hải lý/giờ.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: việc trang bị tàu mới cho lực lượng biên phòng không chỉ giúp tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng an ninh trên biển, bảo vệ ngư dân, tài nguyên mà còn phục vụ hiệu quả trong việc kiểm tra xử lý nạn cát tặc.

Tại hội nghị mới đây, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu lực lượng biên phòng dùng tàu này lập chốt di động tại các điểm nóng khai thác cát trái phép trong lúc chờ đợi việc xây dựng nhà giàn trên biển.

Ngoài ra, ông Nhân cũng yêu cầu phải trang bị thêm nhiều phương tiện hiện đại khác như hệ thống camera thu hình ban đêm, thiết bị ghi hình không người lái để giám sát và làm cơ sở xử lý cát tặc.

Nhận định muốn xử lý triệt để cát tặc phải nắm bắt được quy luật hoạt động của các đối tượng, ông Nhân yêu cầu các cơ quan chức năng siết chặt khâu kiểm tra xử lý từ các cơ sở kinh doanh cát đến các phương tiện trước khi xuất bến, lưu thông trên sông...

Đồng thời, để công tác phối hợp xử lý tốt hơn, tránh tình trạng cát tặc chạy qua địa bàn giáp ranh, ông Nhân yêu cầu TP lập tổ liên ngành cấp tỉnh thành nhằm kịp thời thông tin, hỗ trợ lẫn nhau xử lý cát tặc.

Nên quy hoạch, giám sát khu vực khai thác cát

Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Trung tâm công nghệ và môi trường, hiện nay nhu cầu sử dụng cát rất lớn, việc sạt lở xảy ra chủ yếu do việc khai thác quá mức, không đúng nơi đúng chỗ.

Cho nên, TP cần quy hoạch khu nào khai thác được, mức độ khai thác như thế nào và giám sát việc đó cho tốt.

Như vậy, Nhà nước vừa thu được thuế vừa có nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu xây dựng, san lấp và cũng hạn chế được nạn khai thác cát trái phép.

Theo TTO
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường