Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường Tết

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) xung quanh việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết của ngành Công Thương.
Hà Nội nhộn nhịp chợ hoa ngày TếtLàng mứt gừng truyền thống Kim Long rộn ràng không khí TếtHàng hóa Tết 2020 nguồn cung đảm bảo, ổn định giá cả
khong de thieu hang tang gia dot bien gay bat on thi truong tet
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa: Hoài Nam/TTXVN)

Ông có thể chia sẻ về nguồn cung hàng hóa dịp Tết hiện nay đã được thực hiện như thế nào, nhất là về mặt hàng thịt lợn?

Năm nay, Bộ Công Thương cũng dự báo là nhu cầu vào dịp cuối năm sức mua dịp cận Tết có thể tăng từ 15 - 20% so với tháng trong năm và đặc biệt là tăng có thể là từ 10 - 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính vì dự báo sức mua như vậy nên ngay từ tháng 10, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 12 là yêu cầu các địa phương, các tổng công ty, các tập đoàn, các nhà sản xuất, nhà phân phối có kế hoạch tăng cường sản xuất và tăng cường dự trữ hàng hóa để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng dịp Tết.

Về cơ bản, đến nay, qua theo dõi, nguồn cung hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng dịp Tết này được đảm bảo. Mặc dù sức mua có tăng và đối với những mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, thực phẩm đặc biệt là thịt lợn thì các doanh nghiệp đều có kế hoạch dự trữ chuẩn bị rất kỹ và đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Riêng với mặt hàng thịt lợn, với dự báo lúc đầu có khả năng thiếu hụt nguồn cung nhưng các doanh nghiệp phân phối lớn đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và dự trữ tồn kho tương đối tốt.

Vì vậy, dịp Tết này, giá thịt lợn không tăng và đặc biệt khi có sự yêu cầu của Bộ Công Thương tại cuộc họp ngày 26/12 giữa các doanh nghiệp chăn nuôi, doanh nghiệp phân phối lớn thì các doanh nghiệp này đã giảm giá và tiên phong là bán thịt lợn với giá nhập vào.

Cũng bởi sự chung tay vào cuộc, chia sẻ trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người tiêu dùng, các doanh nghiệp đi đầu là hệ thống siêu thị tạo ra một hiệu ứng lan tỏa rất tốt cho các hệ thống chợ truyền thống hay những điểm bán hàng bên ngoài.

Do đó, mặt hàng thịt lợn cũng đã giảm giá. Tại Siêu thị Saigon Co.op, giá thịt lợn giảm hơn so với bên ngoài khoảng 20.000 đồng/kg. Hơn nữa, chất lượng tương đối tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Riêng về giá cả những mặt hàng thiết yếu, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Sở Công Thương địa phương năm nay làm tốt việc bình ổn thị trường và các điểm bán hàng bình ổn trong thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt lợn.

Chẳng hạn như TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương yêu cầu các điểm bán hàng bình ổn giá bán luôn thấp hơn 5% so với giá ngoài thị trường đang giao dịch và mỗi một lần tăng giá đều phải báo cáo với cơ quan quản lý của Nhà nước.

Hơn nữa, những điểm bán hàng bình ổn là không được tăng giá tùy tiện và phải bán đúng giá niêm yết và không được tăng nhiều lần vượt quá 10%.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là với những thực phẩm tươi sống cũng như bánh mứt kẹo được kiểm soát như thế nào, thưa ông?

Bộ Công Thương có yêu cầu lực lượng quản lý thị trường ra quân và tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt, trong dịp cận Tết này lực lượng quản lý thị trường cũng đã thực hiện bắt giữ rất nhiều vụ và có những xử phạt rất mạnh tay. Ngoài góc độ xử phạt hành chính khi có những dấu hiệu rõ ràng thì cần phối hợp với công an để xử lý hình sự.

Với biện pháp răn đe, hiện tượng mua bán buôn bán hàng giả hàng nhái hàng không đảm bảo vệ hiện nay qua theo dõi thì có giảm đi. Hệ thống siêu thị lớn như: Saigon Co.op, Hapro như Big C, AEON có cả một đội ngũ kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ rất rõ.

Vì thế, các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp cung cấp hàng đã được kiểm tra rồi, thậm chí còn hỗ trợ quá trình sản xuất nữa. Hơn nữa, khi hàng hóa được đưa vào phục vụ những hệ thống siêu thị như Co.op mart, Hapro về cơ bản đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và an toàn thực phẩm.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo chương trình đưa hàng Tết về vùng sâu, vùng xa và các khu công nghiệp, khu chế xuất như thế nào để phục vụ người dân?

Năm nay, Bộ Công Thương đã dành một nguồn kinh phí tương đối lớn từ các chương trình thương mại quốc gia, xúc tiến thương mại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo nằm trong Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Cùng với đó, trên phạm vi cả nước, Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương tổ chức hàng nghìn chuyến hàng lưu động đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhất là những phiên chợ Xuân, phiên chợ lưu động tại các khu chế xuất khu công nghiệp để phục vụ cho người lao động, người công nhân không có điều kiện đi mua sắm Tết.

Đặc biệt, Nhà nước hỗ trợ kinh phí như vậy thì giá cả đặc biệt là những ngân hàng Việt đưa về phục vụ cho người tiêu dùng có chất lượng và giá cả tương đối tốt. Chính vì thế mà những người lao động công nhân có cơ hội mua sắm hàng hóa tốt hơn để phục vụ Tết đủ đầy và ấm no.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Uyên Hương/TTXVN