Cơ sở chăn nuôi lợn này là của hộ ông Phan Đình Long. Chuồng trại chăn nuôi được xây ở phía sau, liền kề với nhà ở. Đàn lợn trong các chuồng khoảng hơn 20 con. Mặc dù theo ông Long, gia đình đã xây hầm biogas để chứa phân và chất thải, nhưng thực tế, nước thải vẫn rỉ chảy ra ruộng rau muống, mùi hôi thối vẫn còn khá nặng.
Không chỉ có hộ ông Long, ở thôn An Hòa còn tới 6 cơ sở chăn nuôi lợn khác nằm ở giữa khu dân cư. Cơ sở gần nhất cách khu dân cư chỉ 15m. Chất thải từ các cơ sở chăn nuôi này thải ra môi trường hàng ngày với số lượng rất lớn nhưng không có biện pháp bảo vệ môi trường, khiến mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cả khu vực.
Nếu chiếu theo Điều 56 của Luật Chăn nuôi, cụ thể là chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người thì việc chăn nuôi lợn của các hộ ở đây là chưa phù hợp. Mặc dù Ủy ban nhân dân xã Đức Bình Tây đã có phương án quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung tách biệt với khu dân cư, thế nhưng khi vận động thì các hộ không mặn mà.
Tập quán chăn nuôi ngay trong khu dân cư đã tồn tại từ lâu đời ở vùng nông thôn và khó thay đổi trong suy nghĩ của người dân. Tuy nhiên, để tránh ô nhiễm môi trường và bảo đảm sức khỏe của người dân, việc di dời trang trại, gia trại ra xa khu dân cư cần được khẩn trương thực hiện với việc nâng cao ý thức của người dân và các biện pháp từ lực lượng chức năng.