Khuyến cáo người dân đảm bảo an toàn về điện trong cơn bão số 3

Cơn bão số 3 đang gây mưa lớn cho miền Bắc. Nhiều chỉ đạo được lãnh đạo ngành Điện đưa ra nhằm đảm bảo an toàn điện và khuyến cáo người dân không gặp sự cố trong mưa bão: Không đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; Không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất, dây chằng cột điện, thùng công tơ, thùng cầu dao…
Hà Nội: Mưa lớn, gió giật mạnh quật ngã nhiều cây xanhMiền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đề phòng lũ quét, sạt lở đất do mưa bãoCảnh báo mưa dông, ngập lụt nội thành Hà Nội do bão số 3

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 3 sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nên tại Móng Cái (Quảng Ninh) đã có gió mạnh cấp 7, gió giật mạnh cấp 9, Hải Dương có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng đã có gió giật cấp 6 - 8. Ở

Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, một số nơi mưa rất to như: Móng Cái 249mm, Quảng Hà (Quảng Ninh) 168mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 266mm, Sơn Động (Bắc Giang) 194mm, Bắc Ninh 115mm, Chí Linh (Hải Dương) 112mm… Hôm nay 3/8, khu vực nội thành Hà Nội đang có mưa to đến rất to. Trên nhiều tuyến phố, mưa dông kèm gió giật mạnh khiến nhiều cây bật gốc đổ ra đường.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ.

khuyen cao nguoi dan dam bao an toan ve dien trong con bao so 3
Mưa lớn khiến nhiều cây xanh trên đường phố Hà Nội bật gốc. Người dân cần đặc biệt chú ý khi đi qua những cây đổ gần cột diện - Ảnh: Đức Giang.

Trước tình hình này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Công điện khẩn yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai phương án để ứng phó với cơn bão số 3, xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để sẵn sàng khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra.

Theo đó, các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó và xử lý ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đặc biệt lưu ý là việc kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ, báo cáo và thông báo kịp thời, đúng quy định cho các địa phương và cơ quan liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, toàn bộ các Công ty Điện lực thống kê các trạm bơm tiêu ngập úng, kiểm tra củng cố các đường dây, trạm biến áp cấp điện cho các trạm bơm tiêu, đảm bảo công suất, nguồn dự phòng để các trạm bơm tiêu ngập úng sẵn sàng vận hành; Thống kê các khu vực vùng thấp trũng, khi bão lụt có thể xảy ra úng ngập các thiết bị điện hoặc gây sạt lở móng cột, có các biện pháp khắc phục ngay đồng thời có phương thức sa thải kịp thời đảm bảo an toàn điện cho nhân dân.

khuyen cao nguoi dan dam bao an toan ve dien trong con bao so 3
10 khuyến cáo đảm bảo an toàn cần thiết cho người dân trong mùa mưa bão - Ảnh: EVN.

Để phòng ngừa sự cố lưới điện và tai nạn điện cho người xảy ra trong mùa mưa bão, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần chú ý khi sử dụng các thiết bị điện như sau:

1. Khi có bão, mưa to gió lớn, ngập úng cần chú ý tránh xa các khu vực nguy hiểm: Đường dây điện, trạm điện; Đề phòng sự cố bất ngờ xảy ra như: Cây đổ, cành cây rơi vào trạm điện, dây điện đứt, cột điện đổ, nước tràn vào trạm điện… gây cháy, nổ, rò điện.

2. Cầu dao, cầu chì, áp tô mát, công tác, ổ cắm trong gia đình phải đặt ở nơi khô ráo. Nên đặt ở vị trí cao hơn 1m40 để an toàn cho trẻ nhỏ và tránh rò điện khi mưa to gây úng ngập.

3. Cắt ngay nguồn điện của gia đình khi có nguy cơ ngập nước do úng, lụt. Không chạm đến bất kỳ thiết bị, dụng cụ điện nào khi tay còn ướt hoặc đi chân trần trên nền nhà ẩm ướt.

4. Nhà và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải đảm bảo không xâm phạm: Đường ra vào, đường cấp thoát nước, hệ thống thông gió của trạm điện, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện trên không, nước thải xâm nhập làm hư hỏng công trình điện.

5. Nghiêm cấm các hành vi:

- Vào trạm điện, trèo lên các bộ phận của công trình lưới điện khi không có nhiệm vụ.

- Các hành vi trộm cắp, phá hoại gây hư hỏng các bộ phận của công trình lưới điện.

- Thả vật bay, bóng bay, bắn pháo giấy tráng kim loại gần công trình lưới điện cao áp.

- Lắp đăt ăng-ten, dây phơi, giàn giáo, biển quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi đổ, rơi có thể va quệt vào công trình lưới điện cao áp.

- Trồng cây hoặc để cành cây, dây leo vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây điện, trạm điện, hoặc cây đổ có thể chạm vào đường dây điện.

- Bắn chim hoặc quăng ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện; Tháo dây néo tiếp địa và các phụ kiện khác của cột điện; Đào đất gây sụt lún công trình lưới điện; Đổ đắp đất, cát vi phạm khoảng cách an toàn; Sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều quán, buộc trâu bò hoặc gia súc.

6. Khi phát hiện thấy có người bị điện giật, cần khẩn trương tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện bằng cách: Dùng gậy tre hoặc gỗ khô gạt dây điện ra khỏi nạn nhân. Đứng trên bàn (bằng gỗ) túm quần áo khô của nạn nhân để kéo ra khỏi nguồn điện hoặc dùng dao búa có cán gỗ, chặt đứt dây điện. Tuyệt đối không được chạm trực tiếp vào nạn nhân khi chưa tách nguồn điện. Tránh xa dây điện bị đứt rơi xuống đất và nhanh chóng cứu chữa người bị nạn đồng thời gọi điện thoại cấp cứu 115.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, trong ngày và đêm nay, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 70 - 150mm/24 giờ, riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An 100 - 200mm/24 giờ). Ngày và đêm mai (4/8), ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến 30 - 50mm/24 giờ, riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An 50 - 100mm/24 giờ, có nơi mưa rất to và dông; Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Phúc Thanh
Phúc Thanh
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết