Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, nhất là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đất nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh. Đáng lo ngại, các sự cố môi trường tiếp tục gia tăng nghiêm trọng, nhiều vụ ảnh hưởng trên phạm vi rộng, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý và khắc phục hậu quả.
Các "điểm nóng" ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường có sức ảnh hưởng lớn khi tình trạng ô nhiễm môi trường có diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh, không còn khả năng tiếp nhận chất thải, đặc biệt ở các khu vực tập trung nhiều hoạt động phát triển; đa dạng sinh học và chất lượng rừng suy thoái đến mức báo động, nguồn gen bị thất thoát; hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng; sự cố môi trường xảy ra nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, an ninh sinh thái bị đe dọa.
Cùng với đó, các lĩnh vực trong xã hội và người dân đang ngày ngày phải đối mặt với nhiều nguy cơ, khi mức độ ô nhiễm tăng cao đe dọa tính mạng và cuộc sống. Hiện tại Việt Nam đang gánh chịu ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm biển, ô nhiễm công nghiệp - làng nghề, ô nhiễm đất. . .
Nước thải sinh hoạt - “điểm nóng” khiến nhà quy hoạch, nhà khoa học đau đầu vì quy hoạch tại các thành phố lớn luôn là bài toán khó. Và các con sông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cụ thể: sông Nhuệ - Đáy, Bắc Hưng Hải, Cầu, Vu Gia - Thu Bồn, Đồng Nai - Sài Gòn đều đã ô nhiễm mặt nước.
Nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm nghiêm trọng và diễn biến theo chiều hướng xấu của những dòng sông trên nằm ở lượng nước thải đô thị phát sinh, chưa xử lý ngày càng lớn, xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư; hạ tầng thu gom, xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều nguồn nước mặt đã hết khả năng tiếp nhận chất thải, trong khi hàng ngày đang phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải.
Không chỉ ô nhiễm mặt nước hiện tại ô nhiễm biển Đông trở thành vấn đề phức tạp tại Việt Nam. Hiện chưa có biện pháp ứng phó hiệu quả, khi sự cố môi trường biển có xu hướng gia tăng. Biển Đông trở thành con đường lưu thông quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước trên thế giới, vậy nên tàu thuyền di chuyển qua lại cũng ảnh hưởng đến môi trường biển, xảy ra tai nạn tràn dầu, khai thác dầu khí, ngoài ra còn có rác thải nhựa, nạo vét nhận chìm vật liệu nạo vét, . . .những vấn đề đó đã và đang gây ảnh hưởng tới chất lượng nước biển ven bờ.
Ô nhiễm không khí được Tổ chức Y tế thế giới WHO, nhiều tổ chức, đội nhóm thanh niên lên tiếng, hành động khi ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5) đang trở thành vấn đề báo động ở Việt Nam, trực tiếp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây tâm lý bất an và lo lắng cho nhân dân. Đặc biệt số người tử vong vì ô nhiễm không khí trên thế giới và Việt Nam đang có xu hướng tăng.
Cuối năm 2020 đầu năm 2021 chỉ số AQI liên tục chuyển đỏ, tím tại một số thành phố lớn và địa phương có nhiều nhà máy hoạt động. Bên cạnh đó, ở một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, khi gia tăng các nguồn phát thải vào không khí kết hợp với các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù đã làm cho tình trạng ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng hơn.
Tình trạng ô nhiễm không khí đang có xu hướng gia tăng khi có nhiều nguyên nhân tác động vào không khí nhưng có hai nguyên nhân chính đến từ ô nhiễm từ tự nhiên và ô nhiễm không khí do con người gây nên trong đó ô nhiễm không khí do con người tạo ra là yếu tố chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm nặng nề như hiện nay.
Việt Nam là nước đang phát triển, sau 35 Đổi mới nền kinh tế được phục hồi và có sự phát triển vượt bậc, các nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp mọc lên nhiều, nhanh và xen lẫn khu vực sinh sống của người dân. Bên cạnh những điểm tích cực sự phát triển này còn tồn tại nhiều yếu điểm khi hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, hàng trăm nghìn tấn chất thải nguy hại, rác thải nhựa phát sinh mỗi năm.
Trong khi đó, hầu hết chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, năng lực thu gom còn nhiều hạn chế, phần lớn chất thải rắn được xử lý theo hình thức chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh gây phát tán mùi ra các khu dân cư, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Nguyễn Thế Phương cho biết: “Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này đòi hỏi phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đến sự triển của kinh tế xã hội cần được thực hiện một cách nghiêm túc, trên cơ sở khoa học để đưa ra những dự báo, cảnh báo sớm, phục vụ công tác hoạch định, xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp.
Cho đến nay, Việt Nam còn tồn tại nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu, chưa xử lý triệt để nguồn gây ô nhiễm. Những vấn đề này gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vì vậy cần phải có chính sách phù hợp nhằm thích ứng, hạn chế, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững, dài hạn.
Gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: Để phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường (BVMT), chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển đất nước thời gian tới. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục tập trung xây dựng các quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành, địa phương nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với BVMT. Chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực cần thiết cho triển khai Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) để các quy định mới của luật đi vào thực tiễn cuộc sống. UBND tỉnh, thành phố cần tập trung xây dựng và ban hành các quy định, cơ chế, chính sách như: khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng BVMT tại các khu, cụm công nghiệp; ưu đãi, hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải.
Bên cạnh đó, tập trung quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; rà soát kiên quyết yêu cầu phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đối tượng có quy mô xả thải lớn, lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải; áp dụng chế tài để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thực hiện các yêu cầu về BVMT thực hiện lộ trình chuyển đổi công nghệ...
Ngoài ra, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng cho rằng: Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, suy thoái môi trường. Trong đó, cần xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy hoạch BVMT quốc gia, đưa các nội dung về tài nguyên môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh. Tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho BVMT theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; ưu tiên xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đẩy mạnh chính sách phát triển kinh tế chất thải, các ngành công nghiệp môi trường, xử lý ô nhiễm, quản lý chất thải và cung ứng dịch vụ BVMT.
An Như