Vay bất động sản là dài hạn, trong khi tiền gửi là ngắn hạn
Trả lời câu hỏi đại biểu Lê Thanh Vân về tín dụng bất động sản (BĐS) trong phiên chiều ngày 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay, thị trường bao gồm nhiều chủ thể, nhiều kênh. Quan tâm của ngân hàng là rủi ro, mất vốn, rủi ro tín dụng, và quan trọng hơn là rủi ro thanh khoản do tính chất của khoản vay BĐS là dài hạn, vốn lớn, trong khi khoản tiền gửi là ngắn hạn.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, bản chất của tín dụng BĐS thường là giá trị lớn và kỳ hạn dài, trong khi tiền gửi của ngân hàng chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn. Do đó, nếu tổ chức tín dụng không kiểm soát được cho vay BĐS thì sẽ gặp rủi ro khi khách hàng rút tiền mà chưa đòi được các khoản cho vay dài hạn.
''Chính vì vậy, xuyên suốt những năm qua NHNN đã có những quy định để kiểm soát rủi ro này. Còn việc cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS thì do tổ chức tín dụng (TCTD) tự thỏa thuận với khách hàng và ra quyết định trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính tổ chức tín dụng đó và toàn hệ thống'', bà Hồng nói.
Đối với lo ngại về rủi ro biến động giá tài sản đảm bảo là BĐS, Thống đốc NHNN cho biết, NHNN đã có các quy định và chỉ đạo các TCTD khi cho vay các khoản vay có tài sản đảm bảo, phải thường xuyên đánh giá lại tài sản đảm bảo để nhận diện rủi ro của khoản vay. Đặc biệt là với các TCTD có tài sản đảm bảo tại các địa phương có dấu hiệu "bong bóng" BĐS.
Tại báo cáo gửi Quốc hội phục vụ hoạt động chất vấn trước đó, Thống đốc NHNN thông tin, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực BĐS của các TCTD đạt hơn 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng 20,44% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu là 1,62% (tương đương khoảng 37.000 tỷ đồng).
Thống đốc cho biết: ''Hiện nay, khoảng 94% dư nợ BĐS là cho vay trung và dài hạn (10-25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng''.
Về khó khăn, vướng mắc, theo Thống đốc NHNN, thị trường BĐS biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo BĐS, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các TCTD. Mặc dù tình hình cấp tín dụng cũng như chất lượng tín dụng đối với lĩnh vực BĐS vẫn đang được NHNN kiểm soát ổn định, nhưng để hạn chế tác động của thị trường BĐS đối với kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cần có các giải pháp toàn diện, đồng bộ với sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan.
Người đứng đầu NHNN cho biết, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có đầu tư, kinh doanh BĐS. Đồng thời, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mua nhà, đầu tư nhà ở tự sử dụng, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục rà soát và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững; đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống. Ngoài ra, NHNN cũng sẽ tăng cường thanh tra, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS để kịp thời đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD; có các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện kịp thời rủi ro, vi phạm phát sinh.
Thiếu gay gắt nhà ở xã hội, cho người thu nhập thấp
Sau phần trả lời của nữ Thống đốc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nói thêm về thực trạng liên quan đến thị trường BĐS hiện nay như thế nào, nhất là thị trường nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà ở cho phân khúc cán bộ tầng lớp trung lưu mà nhiều doanh nghiệp BĐS có tiềm lực thì vẫn làm được. Đó là một thành tố rất quan trọng của nền kinh tế.
Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, thị trường BĐS đang bộc lộ rất hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh nổi lên như: hệ thống pháp luật chưa thực sự hoàn thiện, khó khăn về nguồn cung BĐS, cơ cấu sản phẩm BĐS chưa phù hợp, hoạt động môi giới thiếu kiểm soát, quy hoạch còn nhiều bất cập ở các địa phương.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ rõ: "Giá BĐS, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Các sàn giao dịch BĐS hoạt động thiếu ổn định; hoạt động môi giới BĐS chưa được kiểm soát tốt...".
Nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất, cần khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý, đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Đồng thời, tăng cường quản lý thị trường BĐS, tăng nguồn thu, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp phân khúc thu nhập thấp.
Đồng thời, theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường BĐS để kịp thời có biện pháp ổn định giá; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư đất đai, quy hoạch xây dựng; bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất; kiểm soát chặt chẽ được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu riêng lẻ.
Mặt khác, công khai hệ thống thông tin về nhà ở cho thị trường BĐS; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; xử lý hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng, BĐS.
Bùi Hằng