Một góc Hidden Gem Coffee |
Quán cà phê “xanh”
Những ngày tháng 10 mùa thu nắng vàng như rót mật, chúng tôi tìm đến với Hidden Gem Coffee (phố Hàng Tre, Hà Nội) để lắng mình trong không gian quán cà phê độc nhất vô nhị giữa Hà Thành. Hà Nội không hiếm quán cà phê đẹp, lại càng không ít những nơi sành điệu, thu hút khách hàng, nhưng Hidden Gem Coffee vẫn có cách riêng để xác lập một vị trí riêng trong tâm trí những người vừa yêu thích hương vị cà phê thơm lừng, vừa yêu và có ý thức bảo vệ môi trường cho mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thơ (Yên Phong, Bắc Ninh), chủ nhân Hidden Gem Coffee chia sẻ: “Sự nghiệp kinh doanh của tôi bắt đầu bằng câu hỏi: “Tại sao không vừa xây dựng một dự án kinh doanh, vừa đóng góp trong việc bảo vệ môi trường?”. Từ suy nghĩ đó, tôi đã quyết định xây dựng một quán cà phê làm bằng vật liệu tái chế tại phố Hàng Tre. Đây không chỉ là không gian thưởng thức cà phê độc lạ, mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho khách hàng.
Nghĩ là làm, thời gian đầu, anh Thơ tìm đến các điểm thu gom phế liệu quanh Hà Nội để mua lại rác làm vật liệu dựng quán. Sau khoảng hơn hai tháng tự thi công bằng các vật liệu tái chế, Hidden Gem Coffee ra đời với không gian “độc nhất vô nhị”. Những vật liệu đủ loại, từ gỗ, cao su, kính, nhựa… được anh Thơ tự tay lắp ghép, đổ màu để tạo thành những chiếc bàn, ghế, vật dụng trang trí rất độc đáo. Với chi phí xây dựng khoảng hơn một tỉ đồng, hiện tại gần 100% đồ nội thất của quán được làm từ vật liệu tái chế.
Mặc dù là đồ tái chế nhưng anh Nguyễn Văn Thơ luôn đặt tiêu chí bảo vệ môi trường lên hàng đầu. Hầu hết những đồ dùng tái chế trong quán đều có chất liệu thân thiện với môi trường, không nguy hại đến sức khỏe con người và dễ tái chế. Chia sẻ về thông điệp muốn truyền tải đến mỗi khách hàng đến với quán cà phê tái chế, anh Nguyễn Văn Thơ mong muốn, mỗi một góc nhỏ, một vật dụng nhỏ như cái ống hút, khay đựng giấy, hay cái cốc đựng đồ uống… được sử dụng lại sẽ là một thông điệp chứa đựng sự trân trọng, bảo vệ thiên nhiên. Thông điệp từ Hidden Gem Coffee được kỳ vọng sẽ cộng hưởng và lan tỏa tới nhiều người khác.
“Mọi thứ đồ bỏ đi nếu biết khai thác đều có thể trở thành tài nguyên. Từ những vật dụng có tính thẩm mỹ và giá trị sử dụng sau tái chế, mọi người mới có nhận thức và góc nhìn mới về rác, từ đó thay đổi suy nghĩ và hành vi đối với rác”, anh Nguyễn Văn Thơ chia sẻ.
Để tinh thần sống “xanh” lan toả rộng khắp, anh còn sử dụng vật liệu tái chế từ chính khách hàng. Anh Nguyễn Văn Thơ cho biết: “Tự đi thu gom rác sẽ rất nhanh, nhưng tôi muốn chính khách hàng của mình làm việc đó. Khi tự bắt tay tái chế một thứ đồ, khách hàng sẽ thấy ý nghĩa hơn và ghi nhớ điều đó lâu hơn. Việc được giảm giá đồ uống tại quán 10 - 20% cho việc khách hàng mang chai nhựa đến đổi đôi khi không quan trọng với chính họ, nhưng trọng điểm là khách hàng sẽ có ý thức hơn và không vứt xả rác ra môi trường nữa”.
Với mô hình độc đáo này, vừa qua, Viện Kỷ lục Việt Nam (Vietmaster) đã đề xuất xác lập Kỷ lục cho Hidden Gem Coffee là Quán cà phê làm bằng đồ tái chế nhiều nhất Việt Nam.
“Vải vụn cũng tạo nên bức tranh nghệ thuật, nếu được đặt đúng chỗ!”
Đó là khẳng định của anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hà Đông, chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Vụn Art (Hà Nội) khi chia sẻ về câu chuyện sáng lập nên Vụn Art, một mô hình kinh doanh độc đáo đang tạo ra việc làm cho 14 người kém may mắn trên địa bàn quận Hà Đông.
Những mảnh vải vụn tạo nên bức tranh độc đáo |
Bản thân cũng là người khuyết tật nên anh Lê Việt Cường rất đồng cảm với những khó khăn của những người giống mình, nhất là trong câu chuyện tìm việc làm. Anh nhận thấy nghề thủ công phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật nên đã bắt tay vào thực hiện ý tưởng về việc ghép tranh. Anh tìm đến các họa sĩ chuyên nghiệp để học hỏi kỹ thuật làm tranh, tạo hình mỹ thuật… sau đó tổ chức hướng dẫn, đào tạo nghề tranh ghép cho các thành viên HTX, cũng là những người khuyết tật được anh đến tận nhà vận động tham gia dự án. Từng công đoạn như tạo mẫu tranh, làm bìa, vẽ mẫu, ép vải, tạo hình, cắt dán được chia ra cụ thể để hướng dẫn cho từng người tùy theo năng lực và nhận thức của họ.
Lấy nguồn nguyên liệu từ vải thừa, vải vụn sau khi cắt may ngay tại làng nghề, những người thợ của HTX Vụn Art sử dụng sự khéo léo để cắt, dán vải vụn, lên khung tranh, là vải, ghép màu… chuyển thể tranh dân gian vào tranh vải. Hình ảnh lợn Đông Hồ, đám cưới chuột, Văn Miếu, hồ Gươm… trở nên đầy tươi mới nhờ những mảnh vụn tưởng chừng không còn giá trị. Vụn Art đã giúp lụa Vạn Phúc được tận dụng đến tận mảnh cuối cùng. Chính bởi tận dụng vải vụn nên mỗi bức tranh lại có một màu sắc khác nhau, không cái nào giống cái nào, tạo sự bất ngờ cho chính người làm tranh.
Giai đoạn đầu, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Vụn Art chỉ gói gọn trong phạm vi làng lụa Vạn Phúc. Sau đó, anh Lê Việt Cường phải mang tranh đi "chào hàng" trực tiếp ở nhiều cơ sở kinh doanh, nhà sách... quảng bá gắn với hoạt động du lịch của làng nghề. Dần dần, những sản phẩm này được biết đến nhiều hơn, những người làm bắt đầu có thu nhập ổn định ở mức 2,3 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, những bức tranh thủ công ghép nên từ lụa truyền thống, mang sắc màu văn hóa Việt Nam, đang trở thành một trong những sản phẩm lưu niệm độc đáo của làng lụa Vạn Phúc, nhận được sự yêu thích của rất nhiều du khách. Cùng với dòng tranh nghệ thuật dân gian, thời gian gần đây, Vụn Art sáng tạo thêm những sản phẩm mới mang tính ứng dụng đời sống như túi vải, bộ trò chơi tranh ghép…
Lan tỏa những tâm hồn đẹp
Trao đổi với chúng tôi, cả hai doanh nhân trẻ với những mô hình đậm tính nhân văn trên đều có một mong muốn chung là không chỉ làm giàu cho đời sống của mình mà còn lan tỏa những mô hình đẹp sâu hơn, rộng hơn.
Không chỉ dừng lại ở quán cà phê tái chế, anh Nguyễn Văn Thơ tiết lộ mình đang ấp ủ dự định sẽ mở nhà hàng và khách sạn tái chế, tiếp tục nhân rộng mô hình và truyền cảm hứng bảo vệ môi trường từ việc tái chế rác thải. “Nỗ lực của tôi là chưa đủ. Nhưng nếu mỗi người, mỗi ngày đều hình thành ý thức bảo vệ môi trường từ những việc làm nhỏ thì hiệu quả thu được sẽ lớn. Việc giảm thiểu rác thải sẽ không chỉ có ích cho chúng ta, mà còn cho các thế hệ mai sau”, anh Nguyễn Văn Thơ bộc bạch.
Khẳng định mỗi con người sinh ra đều có giá trị riêng, với HTX Vụn Art, anh Lê Việt Cường khẳng định: “Vụn Art không phải là mô hình từ thiện. Ở đây, mọi người kiếm tiền bằng sức lao động của mình, tự giác cùng nhau cộng tác để phát triển. Biến những mảnh vải vụn trở thành những tác phẩm giá trị, tôi mong muốn truyền tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống đến tất cả những người khuyết tật”.
Giai đoạn này, ở đâu đó, người ta xôn xao nói về những công trình bê tông rạch ngang đồi núi, những công trình đầy tranh cãi về việc tạo ra giá trị kinh tế hay bảo vệ môi trường thì ở những góc nhỏ của Hà Nội, những mô hình vừa tạo ra giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường vẫn từng ngày hiện lên. Từ đó, lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng, xã hội.