Kinh doanh nước sinh hoạt 'bẩn' là tội ác!

Để tiết kiệm “chi phí” xử lý chất thải cũng như trốn tránh các thủ tục xin cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước, không ít các doanh nghiệp, cá nhân đã ngang nhiên xả trực tiếp chất thải xuống ao hồ sông suối, thậm chí là đầu độc nguồn nước.
An ninh nguồn nước: Ẩn chứa những bất anPhá sản nguồn nướcHà Nội lên phương án tăng giá nước sinh hoạt
kinh doanh nuoc sinh hoat ban la toi ac
Nước bể ngầm chung cư đen kịt, bốc mùi sau sự cố nhiễm dầu thải. Ảnh: Zing.vn

Nước có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống, sinh hoạt của con người; và là tài nguyên thiên nhiên của quốc gia được bảo vệ. Khi nguồn nước bị ô nhiễm, đồng nghĩa với việc sức khỏe, tính mạng của con người bị đe dọa, đặc biệt có ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực kinh tế và an ninh nguồn nước của quốc gia. Vì vậy, công tác bảo vệ nguồn nước luôn luôn được đặt lên hàng đầu.

Theo luật sư Trương Anh Tú, Ðoàn luật sư TP Hà Nội, pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường, pháp luật về tài nguyên nước đều có những quy định rất chặt chẽ và nghiêm ngặt để bảo vệ nguồn nước, nghiêm cấm và xử lý mạnh tay những hành vi xả thải trái phép vào nguồn nước, cũng như gây ô nhiễm tài nguyên nước.

“Nhưng trên thực tế, vì để tiết kiệm “chi phí” xử lý chất thải cũng như trốn tránh các thủ tục xin cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước do pháp luật quy định, không ít các doanh nghiệp, cá nhân đã ngang nhiên xả trực tiếp chất thải xuống ao hồ sông suối, thậm chí là đầu độc nguồn nước”, ông Tú chỉ rõ.

Tại khoản 6 Ðiều 7 Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 đã quy định:“Nghiêm cấm mọi hành vi đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật”. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/BÐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, Nghị định 155 đã quy định rất chặt chẽ về các hành vi vi phạm trong việc xả nước thải. Việc xử lý chất thải phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật và các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy tố trách nhiệm hình sự với hình phạt có thể lên đến 7 năm tù đối với cá nhân, phạt tiền lên đến 10 tỉ đồng và cấm hoạt động trong thời hạn với pháp nhân tùy từng mức độ vi phạm.

Ðiển hình là ở vụ việc gây xôn xao cả nước do Công ty Gốm sứ Thanh Hà đã thuê người “xử lý dầu thải” đổ trộm chất thải và gây ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Ðà của Viwasupco. Hành động này đã làm gián đoạn việc cấp nước do nước bị nhiễm bẩn, khiến cho cuộc sống của hàng vạn dân Hà Nội bị đảo lộn, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người và thiệt hại về kinh tế không nhỏ.

Theo cơ quan điều tra, Công ty Gốm sứ Thanh Hà là chủ nguồn “dầu thải” của vụ việc, tuy nhiên để xử lý “lượng dầu thải này” công ty đã thuê những người không có giấy phép và chức năng xử lý chất thải để đổ chất thải vào suối Trầm. Ðối chiếu với quy định pháp luật hiện hành, rõ ràng hành vi của công ty này đã vi phạm quy định tại điểm a Khoản 5 Ðiều 21 Nghị định 155/2016 về việc “Không ký hợp đồng với đơn vị có giấy phép xử lý chất thải nguy hại phù hợp trước khi chuyển giao chất thải nguy hại để xử lý theo quy định”. Với hành vi này, công ty sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trong trường hợp Công ty Gốm sứ Thanh Hà đã biết và biết rõ những người được thuê sẽ xử lý lượng “dầu thải” này bằng cách đổ thẳng xuống dòng suối Trầm, công ty còn bị xử phạt hành chính Khoản 9 Ðiều 21 Nghị định 155/2016 do có hành vi chôn, lấp, đổ, chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, hoặc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm trong tội “Gây ô nhiễm môi trường theo Ðiều 235 BLHS 2015”.

Về trách nhiệm dân sự, luật sư Trương Anh Tú chỉ rõ, Công ty Gốm sứ Thanh Hà còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Ðiều 602 BLDS 2015: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”.

Hiện nay, cơ quan công an đã khởi tố 3 bị can (người được công ty Gốm sứ Thanh Hà thuê để xử lí dầu thải) theo Ðiều 235 Bộ luật hình sự 2015 do đã có hành vi vận chuyển, đổ dầu thải xuống nguồn nước sông Ðà. Ðây cũng là một bài học cảnh tỉnh cho những cá nhân vì lợi ích trước mắt, thiếu hiểu biết pháp luật mà có những hành vi hủy hoại môi trường, tiếp tay cho những doanh nghiệp “lách luật” xả thải ra môi trường.

kinh doanh nuoc sinh hoat ban la toi ac
Người dân bức xúc, không thể tin được nước cấp cho người dân sinh hoạt lại có chất lượng kém như thế này. Ảnh: Zing.vn.

Về trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh nước khi nguồn nước bị nhiễm bẩn, căn cứ Ðiều 608 của Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.

Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Ðiều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng ghi nhận: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng”.

Như vậy, khi phát hiện ra nguồn nước bị nhiễm bẩn, các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh nước sạch cần phải dừng ngay mọi hoạt động cung cấp nước cho người dân, đồng thời áp dụng các biện pháp để xử lý ô nhiễm nguồn nước.

Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh nước bẩn, không đảm bảo tiêu chuẩn, gây hại đến sức khoẻ tính mạng con người thì phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng. Theo đó, hai bên có thể thoả thuận mức đền bù tuỳ theo thiệt hại thực tế mà người dân phải gánh chịu. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được với mức bồi thường và phương thức thanh toán, người dân có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Ðể đảm bảo quyền lợi tối đa cũng như thuận lợi trong việc đòi bồi thường, các hộ dân có thể tập hợp lại và cử người đại diện để làm việc với đơn vị cấp nước sẽ khả quan và tiết kiệm thời gian hơn.

Ðáng chú ý, các đơn vị cung cấp nước sạch đã biết và biết rõ nguồn nước bị ô nhiễm, nhưng vì lợi ích kinh tế cũng như cố tình “bưng bít” thông tin để tránh bị gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp, mà vẫn tiếp tục cung cấp nước cho người dân thì ngoài trách nhiệm bồi thường dân sự, các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp nước sạch còn phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Ðiều 360 BLHS”.

Từ bê bối nước máy sông Ðà nhiễm dầu thải, Luật sư Trương Anh Tú đánh giá, chỉ vì mục tiêu giảm thiểu chi phí xử lý chất thải, mà doanh nghiệp bất chấp quy định pháp luật cũng như hậu quả khôn lường gây ra cho con người và môi trường, thì pháp luật cần trừng trị nghiêm khắc. Việc kinh doanh nước bẩn là một tội ác và sẽ không thể tha thứ, nương tay bởi doanh nghiệp đã vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật, đánh đổi “chút lợi ích trước mắt” nhưng gây ra hậu quả và thiệt hại rất nghiêm trọng cho người tiêu dùng về lâu dài.

Theo Luật sư Trương Anh Tú/Kinh tế Môi trường