Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi tích cực

Trong các tháng đầu năm, mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên 5% cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi tích cực.
Việt Nam hướng đến phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọnTăng trưởng xanh: Xu thế tất yếu để phục hồi kinh tế hậu Covid-19Xây dựng tài khoản đại dương hướng tới tăng trưởng kinh tế biển

Tăng trưởng cao nhất của quý I trong 3 năm

Ngày 29/3, những số liệu về kinh tế xã hội quý I rất đáng chú ý đã được Tổng cục Thống kê công bố. Hơn 5% là mức tăng trưởng cao nhất của quý I trong 3 năm qua, cũng là khoảng thời gian nền kinh tế chịu tác động lớn của dịch Covid-19.

Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi tích cực - Ảnh 1
Quý I/2022, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đang trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. (Ảnh minh họa)

Đóng góp lớn nhất cho GDP 3 tháng qua là công nghiệp, xây dựng với mức tăng trưởng 6,38%; tiếp theo là khu vực dịch vụ cũng đã lấy lại đà tăng trưởng 4,58%; còn nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%.

Có thể thấy, quý I này, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đang trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tỷ giá ít biến động... đã giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Riêng dòng vốn FDI thực hiện trong quý I đạt trên 4,4 tỷ USD - mức tăng cao nhất của các quý 1 trong vòng 5 năm qua. Điều này cũng có nghĩa, có thêm nhiều khu công nghiệp, nhà máy chế biến chế tạo, sản xuất được hình thành từ nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Khu Công nghiệp DEEP C Hải Phòng, chia sẻ: "Ngay quý I, thật đáng ngạc nhiên với số lượng nhà đầu tư quan tâm đến với DEEP C ở Quảng Ninh và Hải Phòng đã tăng lên gấp đôi. Hiện nay, chúng tôi đang làm việc với nhiều công ty lớn trên thế giới muốn tăng gấp đôi quy mô đầu tư so với trước đây. Tích cực nhất là sự nối lại đối thoại với những nhà đầu tư tiềm năng. Những thành quả kiểm soát dịch và tiêm chủng tại Việt Nam là điều kiện để chúng tôi phát triển các hoạt động kinh doanh bình thường".

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: "Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện là 4,4 tỷ USD, cao nhất trong vòng 5 năm qua đã cho thấy chúng ta vẫn giữ chân được các nhà đầu tư, thể hiện qua việc họ gia tăng vốn tại thị trường nước ta".

Theo Tổng cục Thống kê, việc chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đều đặn qua các tháng gần đây cho thấy, tính ổn định trong hoạt động sản xuất, người lao động, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Tính chung trong quý 1 năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,4% và tập trung ở những ngành như dệt may, da giày thiết bị điện, điện tử…

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, đánh giá: "Chúng tôi đánh giá quý I là giai đoạn các nhà máy đã quay trở lại hoạt động hết công suất nhờ Chính phủ đưa ra chương trình kích thích kinh tế kịp thời. Sự phục hồi sẽ được nhìn thấy rõ ràng hơn khi sang đầu quý 2 các đơn hàng dồi dào và đối tác định hình lại chuỗi sản xuất. Mức tăng trưởng từ 6,5% của Việt Nam là rất khả quan trong năm nay".

Theo các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư, việc Nghị quyết 11 của Chính phủ ban hành đầu năm nay với hàng chục nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp... cho thấy, Chính phủ đã nhìn nhận đúng thời điểm tung ra các biện pháp hỗ trợ quyết liệt chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Tiếp tục kiểm soát mặt bằng giá

Một trong những điểm sáng của kinh tế quý I là lạm phát đã được kiểm soát chặt chẽ, qua đó giảm bớt những tác động tiêu cực từ sự tăng giá mạnh của các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào trên thế giới tới nền kinh tế và đời sống của người dân trong nước.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tính chung trong quý I chỉ tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp hơn so với quý I của 5 năm qua. Chính sự kiểm soát tốt lạm phát đã tạo sự ổn định cho kinh tế vĩ mô, qua đó hỗ trợ đà hồi phục cho các doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Không ít hệ thống bán lẻ, siêu thị đã bắt đầu nhận được các đề nghị điều chỉnh giá từ các nhà cung cấp, tuy nhiên họ vẫn tìm cách xoay xở để bình ổn thị trường.

Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi tích cực - Ảnh 2
Hiện mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát. (Ảnh minh họa)

Theo ông Đàm Đức Anh, Giám đốc Siêu thị Winmart Nguyễn Chí Thanh: "Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều đề nghị điều chỉnh giá từ các nhà cung cấp. Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi đã chủ động đàm phán, làm việc với các đối tác để trì hoãn việc tăng giá này".

Xoay xở để bình ổn thị trường là cách nhiều doanh nghiệp thực hiện vào lúc này để giữ chân bạn hàng và duy trì sức mua của người tiêu dùng. Điều này cộng với việc Việt Nam là nước tự chủ về lương thực thực phẩm và có nguồn cung dồi dào, cùng với đó là nỗ lực lớn trong điều hành của Chính phủ đã giúp cho nhóm thực phẩm lương thực thiết yếu trong quý 1 giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp cho việc giảm CPI tới 0,26 điểm %.

Trong báo cáo thống kê kinh tế - xã hội quý I, dịch vụ giáo dục và đặc biệt giá thuê nhà ở đã giảm 15,14% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng góp phần làm CPI giảm.

Tổng cục Thống kê nhận định, hiện mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát, nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm là khá lớn.

Ông Đàm Đức Anh, Giám đốc Siêu thị Winmart Nguyễn Chí Thanh, cho biết: "Chúng tôi đánh giá áp lực lạm phát năm nay đến từ cả phía cung và phía cầu. Về phía tổng cầu, kinh tế thế giới hiện nay đang trong quá trình hồi phục và việc các nước cũng tung ra gói hỗ trợ kinh tế sẽ làm tăng tổng cầu của thế giới. Ở trong nước, nhu cầu du lịch, hoạt động vui chơi giải trí, ăn uống tăng lên sẽ tác động làm giá tiêu dùng tăng lên".

Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam phân tích: "Bối cảnh hiện nay cho thấy những thách thức không chỉ với Việt Nam mà nhiều quốc gia khác đó là cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả. Chúng tôi đánh giá Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục giữ nguyên lãi suất. Chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi của Việt Nam sẽ tăng tốc rõ rệt từ cuối quý I. Dự báo tăng trưởng là 6,7% cho năm 2022 và 7% cho năm 2023".

Tổng cục Thống kê cho biết, trong nhiều năm qua, tháng sau Tết, chỉ số giá tiêu dùng CPI thường giảm do nhu cầu mua sắm, đầu tư của người dân, doanh nghiệp giảm. Tuy nhiên, riêng tháng 3 năm nay lại có mức tăng CPI cao tới 0,7%, mức cao nhất trong 1 thập kỷ qua.

Thực tế này cho thấy áp lực tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sẽ tăng cao trong các tháng tới đây. Do vậy, một trong những ưu tiên ngay từ đầu quý II tới là tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát giá cả, thị trường và bảo đảm lưu thông hàng hóa, cũng như thúc đẩy sản xuất trong nước để tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu trong nước, qua đó hạn chế tác động của sự tăng giá thế giới tới thị trường Việt Nam.

Bùi Hằng

Xem thêm

Liên kết