Theo báo cáo thống kê, hiện đang có 68,17 triệu người đang sử dụng dịch vụ internet tại Việt Nam (số liệu của We are Social vào tháng 1/2020). Trong đó, tổng số người sử dụng các dịch vụ có liên quan tới internet tại Việt Nam đã chính thức tăng khoảng 6,2 triệu (tăng hơn 10%) kể từ năm 2019 tính đến năm 2020.
Hiện nay, Việt Nam có 65 triệu người hiện đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để giải trí, liên hệ bạn bè, chia sẻ khoảnh khắc, mẹo vặt cuộc sống và kể cả quảng cáo bán hàng, trong đó cả đọc tin tức. Truyền thông xã hội ở Việt Nam đang ảnh hưởng tới 67% tổng dân số Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, báo chí phải thay đổi như thế nào?
Truyền thông xã hội lên ngôi
Báo chí cần thay đổi để thích ứng với thời cuộc trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội. |
Obamacare là một chính sách vô cùng quan trọng với người dân Mỹ, và sau này, nó trở thành phần gây tranh cãi nhất trong nhiệm kỳ của tổng thống Obama - hay thậm chí là ảnh hưởng đến một số quyết sách của tổng thống hiện nay, ông Donald Trump. Một sự kiện quan trọng như vậy, tưởng như báo chí không được phép nhầm. Nhưng họ đã nhầm. Ngay trước thời điểm đó, trang SCOTUSBlog - một blog của một nhóm các cây viết tự do tại Washington - phân tích và chỉ ra rằng: Chính sách bảo hiểm bắt buộc của Tổng thống Obama đã được Tòa án cho phép tồn tại, dưới dạng một loại thuế.Ngày 28/6/2012 sẽ đi vào lịch sử báo chí thế giới như một dấu mốc của sự lật đổ. Ngày hôm đó, một trang blog “dội thẳng nước lạnh” vào hai đế chế tin tức lớn nhất hành tinh - trong một sự kiện chính trị, thứ vốn phải là sở trường của các nhà báo chuyên nghiệp. Hôm đó, Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra phán quyết về chính sách bảo hiểm y tế bắt buộc của Tổng thống Barack Obama - hay còn được gọi là Obamacare. Fox News và CNN, hai kênh truyền hình tin tức lớn nhất nước Mỹ, đồng loạt đưa tin về sự kiện: Obamacare đã bị Tòa tối cao bác bỏ.
Trang SCOTUSBlog này vốn do một vài luật sư, chuyên phân tích về các vấn đề xung quanh Tòa án Tối cao Mỹ, lo về nội dung. Trước đó, ngày 28/6, nó cũng chỉ như hàng vạn blog trên khắp thế giới, là một địa chỉ tham khảo về mặt quan điểm. Nhưng hôm ấy, trong một sự kiện vô cùng quan trọng với cả nước Mỹ, nó đã đánh bại CNN và FOX ở hai khía cạnh: Tốc độ và sự chính xác. SCOTUSBlog trở thành một biểu tượng của sự lên ngôi của truyền thông xã hội.
Sự kiện này được giáo sư Mitchell Stephens của Đại học New York nhấn mạnh trong cuốn “Hơn cả tin tức: Tương lai của báo chí” (Beyond News: The Future of Journalism). Nó nêu bật một vấn đề vốn đã hình thành từ lâu: Truyền thông xã hội có thể đánh bại báo chí chuyên nghiệp trong nhiều vấn đề liên quan đến tin tức.
Rất dễ hiểu nếu nhìn vào vụ Obamacare, internet cho phép bất kỳ một ai cũng có thể xuất bản quan điểm và thông tin của mình, không phải trông chờ vào kênh truyền thống của báo chí nữa. Trên hạ tầng đó, có thể xuất hiện nhiều chuyên gia. Làm sao các nhà báo có thể thạo luật hơn một cựu Thẩm phán TAND tối cao trong vụ giám đốc thẩm Hồ Duy Hải? Ngay cả khi có thể tìm hiểu, phân tích để chỉ ra vấn đề một cách chính xác, họ cũng phải mất thời gian: Các luật sư chuyên nghiệp làm việc đó trong chớp mắt.
(Ảnh minh họa) |
Hãy liên tưởng câu chuyện diễn ra ngày 28/6/2012 đến bất kỳ sự kiện nào diễn ra trong xã hội ngày hôm nay. Khi một sự kiện diễn ra, ở đâu đó, luôn có hơn một vị giáo sư, một luật sư hay là một nhà hoạt động, thông thạo vấn đề hơn các nhà báo. Cho dù đó là một câu chuyện về môi trường (chặt cây phượng trong sân trường, cát tặc), về quy hoạch (đường sắt Hà Đông - Cát Linh, nhà 8B Lê Trực...) hay là pháp luật (vụ xử giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải hay các vấn đề của cải cách tư pháp)... đều có người giỏi hơn nhà báo.
Chưa bàn đến những phân tích, ngay cả trong việc phản ánh sự kiện, luôn sẽ có một ông hàng xóm nào đó, một nhân chứng vô tình có mặt tại hiện trường đầu tiên. Và nếu những người đó có kênh xuất bản của mình, thì báo chí sẽ bị đánh bại. Thế kỷ 21 cho những nhân vật này công cụ và kênh xuất bản. Công cụ, là chiếc smartphone có chức năng quay phim chụp ảnh rất tiện lợi. Kênh xuất bản, chính là các hạ tầng mạng xã hội, mà bây giờ Facebook chính là hạ tầng phổ biến nhất.
Hãy thử tham khảo một sự kiện lớn khác của thế giới: Vụ bắn rơi chiếc máy bay MH17 của Malaysia Airlines trên bầu trời miền Đông Ukraine. Ngày hôm đó, tất cả các hãng truyền thông lớn trên thế giới đều phải sử dụng lại một đoạn video không chuyên. Đoạn video mô tả thời điểm chiếc máy bay xấu số rơi xuống từ bầu trời - và nó được quay bởi một nhân chứng vô tình có mặt ngay lúc đó. Điều đáng kể của thế kỷ 21, đoạn clip này đã được đăng lên YouTube, mạng chia sẻ video lớn nhất thế giới, trước khi báo chí có thể tiếp cận.
Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của truyền thông mạng xã hội đã tạo ra thế cạnh tranh giữa báo chí và những kênh truyền thông mới mẻ thời số hoá như Youtube, Facebook, Twitter... về độ nhanh nhạy, đa dạng thông tin, lan toả nhanh chóng. Nhưng vấn đề đặt ra là mức độ tin cậy và chính xác của tin tức được truyền tải trên các kênh thông tin ngoài báo chí chính thống như thế nào?
(Còn nữa)