Grab toan tính gì tại Việt Nam?
Gia nhập thị trường Việt Nam từ đầu năm 2014, Grab đăng kí hoạt động với danh nghĩa là dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ (theo hình thức xe hợp đồng điện tử) và thí điểm tại 5 địa phương gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hoà. Chỉ sau 5 năm hoạt động, Grab tuyên bố đã có đến 25% dân số Việt Nam đang sử dụng dịch vụ Grab với 190.000 tài xế (hãng gọi là đối tác chứ không phải nhân viên) tham gia mạng lưới vận chuyển này.
Sau khi thâu tóm Uber, Grab giữ thế độc tôn tại thị trường Việt Nam và từ đây bắt đầu kế hoạch “bành trướng” rất nhanh. Trong 2 năm qua, Grab liên tục ra mắt các dịch vụ mới như GrabFood (giao đồ ăn), GrabExpress (giao hàng), thanh toán (GrabPay), khách sạn, cho vay tiêu dùng… Mới đây nhất là Grab nhảy vào làm cổng thông tin điện tử, Grab TV.
Trong khi đó, mặc dù chỉ đăng ký thí điểm dịch vụ vận tải, gọi xe và taxi tại Việt Nam ở 5 địa phương nhưng đến nay Grab đã có mặt ở phạm vi rộng tới 15 tỉnh, thành phố. Điều này là trái với quy định cho phép (đơn cử như chỉ được phép thí điểm GrabTaxi taị một số địa phương nhưng đã ào ạt triển khai cả GrabCar và các dịch vụ khác).
Từ một ứng dụng vận tải công nghệ, Grab đang phủ khắp mặt trận tiêu dùng, ví điện tử, cho vay… |
Hơn nữa, sự “bành trướng” chóng mặt của Grab sang nhiều lĩnh vực hoạt động kinh doanh khác cũng đặt ra câu hỏi về những toan tính thực sự của Grab tại Việt Nam ẩn sau quân bài “ứng dụng vận tải” hay gọi xe?
Đáng chú ý, Grab nhắm tới hai mảng “béo bở” là thanh toán điện tử và cho vay tiêu dùng, thậm chí là bảo hiểm khi thành lập Công ty Grab Financial Group Việt Nam. Đây chính là mảnh đất “màu mỡ” mà các ngân hàng, công ty tài chính trong nước và nước ngoài đều thèm muốn nhảy vào. Với lợi thế thống lĩnh thị phần vận tải và sở hữu dữ liệu khổng lồ của người dùng (từ thói quen, hành vi đi lại, ăn uống, chi tiêu…) thì Grab dễ dàng phát triển dịch vụ giá trị gia tăng lớn hơn vận tải.
Tham vọng này càng rõ nét hơn khi tháng 10/2018, Grab triển khai dịch vụ ví điện tử GrabPay by Moca sau khi bắt tay với Moca. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Grab Financial Group Việt Nam chia sẻ với báo chí:"Thanh toán không tiền mặt là một xu hướng tất yếu, có lợi cho đơn vị cung cấp, người dùng và cả xã hội. Các tổ chức tín dụng phân tích được các hành vi tiêu dùng, người dùng vì thế dễ vay tín dụng với lãi suất thấp hơn” cũng như tiết lộ Grab đã có kế hoạch nhảy vào mảng cho vay tín dụng.
Ngay sau đó, tháng 11/2018, Grab ra mắt chương trình cho vay mua trả góp điện thoại không lãi suất dành cho tài xế Grabbike. Cụ thể, những tài xế đáp ứng đủ về số lượng cuốc xe, doanh thu hàng tháng… sẽ được vay tiền và chỉ cần đăng ký trong ứng dụng GrabDriver. Sau thời gian từ 1-2 tuần xét duyệt, tài xế sẽ được nhận được điện thoại thay vì tiền mặt, thanh toán trả góp từ ví của tài xế.
Đây không thể gọi là tạm ứng lương hay thấu chi vì tài xế Grab không phải nhân viên của công ty này mà là “đối tác”. Về bản chất, Grab có thể tự cho các tài xế của mình vay tiền trên ứng dụng mà không thông qua ngân hàng. Cũng có thể xếp Grab cho vay “đối tác” là mô hình tín dụng ngang hàng (P2P) hiện chưa có khung pháp lý quy định tại Việt Nam.
Grab cũng tự áp đặt lãi suất vay thấp khiến cho ngân hàng và các công ty vay tiêu dùng ở Việt Nam yếu thế hơn trong cạnh tranh thu hút người vay khi Grab có tới 190.000 tài xế và 25 triệu khách hàng sử dụng ứng dụng này.
Cú bắt tay “cửa hậu” với Moca
Từ tháng 3/2017, Grab đã ra mắt dịch vụ GrabPay tại Việt Nam, hoạt động như một ví điện tử của riêng Grab dù không có giấy phép trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Để hợp thức hóa hoạt động của GrabPay, tháng 9/2018, Grab công bố đã mua lại 3,523% cổ phần của Moca và ra mắt ví điện tử GrabPay by Moca.
Cú bắt tay “cửa hậu” với Moca là một ví điện tử có giấy phép hoạt động đã giúp cho Grab nghiễm nhiên bước chân vào địa hạt thanh toán ví điện tử và tín dụng tiêu dùng.
Grab đã "dựa hơi" Moca để phát triển ví điện tử Grab By Moca |
Từ đây, GrabPay by Moca ồ ạt triển khai các dịch vụ vượt ra khỏi mảng dịch vụ lõi là vận tải, giao hàng khi cho phép người dùng Grab thanh toán hóa đơn điện nước, nạp thẻ điện thoại, thậm chí là mua sắm, ăn uống ở các cửa hàng đối tác của Grab... Rõ ràng, nguồn doanh thu và lợi nhuận của Grab sẽ đến từ các dịch vụ này sẽ là con số rất “khủng” trong thời gian tới.
Đây cũng là “chiêu bài” mà Grab đã áp dụng thành công tại các thị trường quốc tế như chi 80 triệu USD mua lại nền tảng thanh toán Kudo của Indonesia, hay thâu tóm giải pháp thanh toán di động iKaaz của Ấn Độ với giá 100 triệu USD.
Câu hỏi đặt ra là Grab chỉ là ứng dụng vận tải công nghệ đang trong quá trình thí điểm mô hình kinh doanh kết nối xe và người dùng thì có được phép cung cấp dịch vụ tài chính và thanh toán điện tử hay không? Bởi dịch vụ tài chính và thanh toán điện tử là ngành kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ các quy định Việt Nam trong lĩnh vực tài chính và đáp ứng điều kiện bắt buộc.
Căn cứ khoản 2, Điều 6, Thông tư 39/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về Trung gian thanh toán quy định rõ:“Nghiêm cấm việc chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn Giấy phép; ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo Giấy phép”. Sự hợp tác giữa Grab với Moca có thật sự chỉ là “hợp tác” giữa một Merchant (đối tác lớn) với 1 ví điện tử có phép hay không, bởi Grab luôn gọi GrabPay by Moca là một “ví điện tử”, nhưng hiện “GrabPay by Moca” không được cấp phép hoạt động ví điện tử tại Việt Nam.
Grab đang rất muốn Chính phủ Việt Nam thí điểm cho phép nạp tiền vào ví điện tử mà không cần phải liên kết với thẻ ngân hàng. Khi đó, dòng tiền sẽ không chịu sự kiểm soát, giám sát của các ngân hàng Việt Nam mà có thể luân chuyển tự do trong hệ sinh thái xuyên biên giới của Grab. Dòng tiền này sẽ rất khó kiểm soát cũng như xác định nghĩa vụ thuế của Grab tại Việt Nam.
Những vấn đề này đang đặt ra thách thức cho cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và các dịch vụ "phái sinh" như Grab để đảm bảo tuân thủ pháp luật, chính sách thuế, an ninh tiền tệ.