Phục hồi du lịch sau đại dịch
Đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu từ đầu năm 2020 đã đẩy ngành du lịch vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử quốc tế, chấm dứt chuỗi mười năm tăng trưởng bền vững. Ngành du lịch thế giới chịu nhiều thiệt hại và rơi vào tình trạng đình trệ. Dự kiến tới năm 2024 ngành du lịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương mới có thể để lấy lại đà tăng trưởng như trước đại dịch.
Đối mặt với những thách thức, du lịch Việt Nam đã chủ động, tích cực thích ứng để triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Đặc biệt, quyết định mở cửa lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai từ ngày 15/3 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón hơn 1,65 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 86,8 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu khoảng 16,5 tỷ USD. Những con số này khẳng định sự phục hồi của du lịch Việt Nam, đặc biệt khi lượng khách du lịch nội địa chỉ trong 9 tháng đã vượt qua con số của cả năm 2019 trước đại dịch.
Bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch thế kỷ Covid-19 bào mòn nguồn lực trong suốt hơn 2 năm, theo TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, doanh nghiệp Việt có độ chống chịu và sức sống đáng kinh ngạc. Chỉ 3 tháng sau khi chính thức mở cửa, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Nếu xét riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam bỏ khá xa các nước cùng có mặt trong danh sách, ngay cả các thị trường là đối thủ nặng ký về du lịch như: Indonesia đứng thứ 8, Malaysia thứ 9, Philippines thứ 13 và Thái Lan đứng thứ 24.
Đánh giá về nguyên nhân tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc trong một thập niên qua cũng như hành trình hồi phục thần kỳ của ngành du lịch sau đại dịch, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Giải thưởng World Travel Awards - Graham Cooke nhấn mạnh: “Du lịch Việt Nam cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ, phát huy được những giá trị tài nguyên, bản sắc của mình và có những điểm sáng mang tính đột phá. Nếu xác định một yếu tố đằng sau sự thành công của du lịch Việt Nam sau một thập niên qua, thì đó là cách mà Chính phủ Việt Nam đã hợp tác rất tốt với khu vực tư nhân để tạo điều kiện cho sự phát triển vượt bậc”.
Ngoài ra, du lịch phục hồi sẽ góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế của cả nước phát triển như mục tiêu Chính phủ đã đề ra. Nếu du lịch phục hồi tốt, kinh tế sẽ dần khởi sắc, đời sống người dân được bình ổn, từ đó VN có thể xử lý nguy cơ lạm phát, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
“Chủ trương phục hồi, mở cửa du lịch Việt Nam vừa qua là đúng hướng. Cộng với những nỗ lực tích cực của doanh nghiệp đã mang lại kết quả khích lệ khi lượng khách du lịch nội địa đã dần hồi phục. Theo thời gian, khi nhiều quốc gia cũng mở cửa hoàn toàn thì lượng khách quốc tế sẽ gia tăng, du lịch sẽ trở lại như trước khi có dịch Covid-19”, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia nhấn mạnh.
Hướng tới phát triển du lịch xanh và bền vững Tiểu vùng Mê Kông
Theo nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, du lịch là một lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), nhận được nhiều quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhất là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA). Những năm gần đây, hợp tác du lịch Tiểu vùng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ chính phủ các nước, thu hút sự tham gia hiệu quả, tích cực của các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp du lịch và đối tác liên quan.
Với chủ đề "Tái thiết ngành du lịch, kiên cường phục hồi du lịch", Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 diễn ra mới đây là cơ hội để tăng cường xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, mới lạ đến bạn bè, du khách gần xa. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển mạnh mẽ du lịch sau đại dịch. Qua đó, kết nối các điểm đến du lịch giữa Việt Nam, Quảng Nam với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc.
Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 là hội nghị trực tiếp đầu tiên của Tiểu vùng, do cơ quan cấp nhà nước chủ trì hội nghị kể từ khi đại dịch xảy ra, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc phục hồi ngành du lịch ở các nước thành viên GMS. Sự kiện tương tác này đóng vai trò nền tảng để các bên liên quan đến du lịch kết nối lại, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm truyền thông phục hồi du lịch, đồng thời thu thập những hiểu biết mới về du lịch GMS từ các chuyên gia trong ngành.
Du lịch Tiểu vùng Mekong mở rộng đã từng bước thể hiện được vị trí, vai trò của mình qua sự tăng trưởng về lượng khách, chất lượng sản phẩm du lịch. Năm 2019, lượng khách du lịch quốc tế đến khu vực GMS đạt gần 74 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2018, chiếm khoảng 15% lượng khách đi du lịch tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các nước khu vực Tiểu vùng Mekong lần lượt mở cửa, chúng ta đã đón hơn 3,2 triệu lượt khách quốc tế và tôi tin rằng con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng đáng kể cho cả năm nay, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cũng cho biết thêm, Việt Nam kỳ vọng vào kết quả của Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 trên ba phương diện. Cụ thể, thứ nhất, tăng cường liên kết giữa các nhà lãnh đạo ngành du lịch Tiểu vùng nhằm mục tiêu phục hồi nhanh ngành du lịch một cách bền vững, tự cường và toàn diện, quảng bá xúc tiến du lịch Tiểu vùng thành một điểm đến chung.
Thứ hai, giới thiệu TP. Hội An được Giải thưởng World's Best Awards bình chọn là 1 trong 25 thành phố du lịch hàng đầu thế giới, giới thiệu Quảng Nam ở miền Trung Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho du lịch xanh và bền vững, giàu giá trị văn hóa, đầy đủ các tiện ích của một điểm du lịch biển đẳng cấp hàng đầu.
Thứ ba, minh chứng cho ngành du lịch đang phục hồi, người bán và người mua trong Tiểu vùng đang quay trở lại sau một thời gian du lịch đóng băng, thúc đẩy phục hồi nhanh du lịch quốc tế, tạo cung cầu du lịch bền vững.
Lan Anh