Làm cho thế giới sạch hơn: “Cùng hành động để thay đổi thế giới”

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kêu gọi tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường.
Bình Định: Giải pháp nào để bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên?Phát triển sản xuất bền vững, thân thiện với môi trườngHội nghị Môi trường toàn quốc V: Nỗ lực vì tương lai bền vững hơn

Tăng cường nhận thức và hành động vì môi trường

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993 và được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu, tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm. Chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người tại hơn 180 quốc gia trên toàn thế giới, trở thành phong trào rộng khắp nhằm tăng cường nhận thức và hành động của toàn nhân loại đối với các vấn đề môi trường. Việt Nam đã tích cực tham gia hưởng ứng Chiến dịch từ năm 1994.

Đây là dịp quy tụ các tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp, trường học, cá nhân và các quốc gia trên toàn cầu cùng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý, tái chế chất thải, phổ biến, tuyên truyền cho cộng đồng. Tiếp nối chủ đề Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2021, chủ đề Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 là “Cùng hành động để thay đổi thế giới”, nhằm nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường Võ Tuấn Nhân, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên đang là những vấn đề mang tính toàn cầu, là thách thức lớn nhất với nhân loại trong thế kỷ XXI.

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn: “Cùng hành động để thay đổi thế giới” - Ảnh 1
Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”.

Cảnh báo của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, khối lượng chất thải rắn toàn cầu đang gia tăng nhanh, từ hơn 3,5 triệu tấn/ngày trong năm 2010, dự báo lên tới hơn 6 triệu tấn/ngày vào năm 2025. Mỗi một hành động dù nhỏ nhưng có ý nghĩa sẽ mang lại đóng góp tích cực để cùng chung tay xây dựng tương lai của ngôi nhà chung - Trái đất, tạo môi trường trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững của nhân loại.

Diễn đàn Kinh tế thế giới đưa ra nhận định nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, các đại dương sẽ bị ô nhiễm rất nặng nề.

Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường tại Việt Nam đã được tiến hành đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn: "Thông qua chiến dịch sẽ triển khai có hiệu quả và tuyên truyền hướng dẫn để đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào thực tế cuộc sống, trong đó, tập trung vào việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải phù hợp, ít phát thải ra môi trường, ưu tiên công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững...".

Nhiều địa phương hưởng ứng

Hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”, từ ngày 19-25/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động nhiều hoạt động tới các đơn vị, địa phương trên cả nước nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời kêu gọi các cá nhân, tập thể và cộng đồng cùng chung tay có những hành động thiết thực để giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.

Cũng từ năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực, thúc đẩy triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái, cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao hiệu quả thu gom, phân loại, xử lý lượng rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, hướng tới tiêu dùng bền vững, cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện tốt hơn cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, hưởng ứng Chiến dịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức các hoạt động hưởng ứng gồm: Triển khai có hiệu quả và tuyên truyền hướng dẫn để đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống, trong đó tập trung vào việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải phù hợp, ít phát thải ra môi trường, ưu tiên công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững...

Các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm soát và giám sát nguồn thải từ các khu vực có phát sinh nhiều chất thải hoặc các điểm nóng về ô nhiễm môi trường như các khu/cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông...; tổ chức các hoạt động dọn dẹp, vệ sinh môi trường và trồng cây xanh tạo cảnh quan tại nơi sinh sống, cơ quan, trường học...; khởi công và bàn giao các công trình, dự án về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các công trình, mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, tái chế chất thải...

Khẩu hiệu tuyên truyền trong Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn:

1. Tất cả vì môi trường xanh sạch đẹp;

2. Môi trường hôm nay - Cuộc sống ngày mai;

3. Môi trường là cuộc sống - Cuộc sống là môi trường;

4. Mỗi người đều có thể làm cho thế giới sạch hơn;

5. Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của mỗi công dân và trách nhiệm của toàn xã hội;

6. Sống tốt cho môi trường là sống tốt cho chính mình;

7. Chúng ta cùng liên kết chống lại biến đổi khí hậu.

Lan Anh