LienvietPostBank đã hoàn thành phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên gần 9.770 tỉ đồng. |
Ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 414/QĐ-NHNN về việc sửa đổi Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Theo đó, số vốn điều lệ mới của ngân hàng là 9.769.483.190.000 đồng, cao gấp khoảng 3 lần mức vốn điều lệ vào thời điểm đầu năm 2008 khi mới thành lập Ngân hàng LienvietPostBank chỉ ở mức 3.300 tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành đợt tăng vốn năm 2018 lên hơn 8.881 tỉ đồng, Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của LievietPostBank đã thông qua kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 9.770 tỷ đồng. Phương án tăng vốn là ngân hàng thực hiện phát hành cổ phiếu để chia cổ tức của năm 2018 và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Đến nay, ngân hàng đã hoàn thành phát hành để tăng vốn điều lệ lên gần 9.770 tỉ đồng.
Về kết quả kinh doanh, năm 2019, LienvietPostBank ghi nhận lợi nhuận thuần của ngân hàng đạt 2.477 tỉ đồng, tăng 17,7% so với năm 2018. Nhờ giảm mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng nên lợi nhuận trước thuế tăng tới 68% lên 2.038 tỉ đồng và lãi sau thuế 1.600 tỉ đồng, hoàn thành kế hoạch đề ra.
Đến cuối năm 2019, tổng tài sản LienVietPostBank đạt gần 202.000 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay thị trường I đạt gần 141.000 tỉ đồng, huy động vốn từ thị trường I đạt trên 166.000 tỉ đồng, hoàn thành vượt mức kế hoạch năm.
Trong năm qua, ngân hàng đã kiểm soát nợ xấu khả quan hơn với tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,44%, tương ứng hơn 2.030 tỉ đồng, trong số này nợ có nguy cơ mất vốn chiếm tới 1.426 tỉ đồng. Nợ xấu có nguy cơ mất vốn đã tăng đột biến tới 51% so với đầu năm 2019.
Hơn nữa, trong năm qua, ngân hàng còn phải xử lý khối nợ xấu dưới dạng trái phiếu VAMC (nợ xấu đã bán sang cho Công ty VAMC và trích lập dự phòng rủi ro) với tổng mệnh giá trái phiếu hơn 1.175 tỉ đồng. LienvietPostBank đã phải trích từ lợi nhuận kinh doanh để trích lập dự phòng hơn 637 tỉ đồng trong năm 2018 cho trái phiếu VAMC. Và năm 2019, ngân hàng trích lập tiếp 175 tỉ đồng dự phòng trái phiếu này...
Nếu tính cả ngoại bảng tại VAMC thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ 1,57%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (gồm nợ chưa dự phòng tại VAMC) là 78%, cải thiện đáng kể so với mức 67% của năm 2018.
Trong hơn 2 năm qua, nhờ Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, trong đó có LienvietPostBank đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Dù vậy, quá trình xử lý nợ xấu nhất là những khoản nợ "có vấn đề" do tài sản bảo đảm giảm giá trị, mất thanh khoản, hao hụt, hay nợ xấu phát sinh do cho vay dưới chuẩn... vẫn còn rất phức tạp, nguy cơ mất vốn cao.
Cùng với quá trình mở rộng cho vay và sức ép tăng tăng vốn điều lệ, hạch toán lợi nhuận cao, không ít ngân hàng đã tìm cách "điều chuyển" lợi nhuận trên sổ sách để đảm bảo các chỉ tiêu tài chính an toàn, đủ điều kiện tăng vốn, áp dụng chuẩn Basel II... Các chuyên gia tài chính cũng đã cảnh báo hiện tượng ngân hàng ghi nhận lãi ảo nhờ việc ghi nhận lãi dự thu, giảm trích dự phòng rủi ro nợ xấu, che giấu nợ xấu... khiến cho kết quả kinh doanh không phản ánh đúng thực tế. Chưa kể các ngân hàng đã tích cực trích lập dự phòng và xóa các khoản nợ xấu cũ, nhưng các khoản nợ xấu mới đang hình thành, khiến cho tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng.