“Lỗ hổng” cảnh báo thiên tai

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, mùa mưa bão năm nay trên khu vực Biển Đông sẽ xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc sẽ đến sớm và có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất. Thực tế này đòi hỏi công tác dự báo KTTV cần kịp thời đưa ra những cảnh báo sớm giúp ngăn ngừa thiệt hại về người và giảm thiệt hại kinh tế từ thiên tai.

lo hong canh bao thien tai
Trạm khí tượng Hải văn Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: TTXVN

Hiện cả nước có trên 3.283 trạm quan trắc, điểm quan trắc và công trình quan trắc, bước đầu đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo, góp phần quan trọng làm giảm 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2018. Tuy nhiên, ngành KTTV thừa nhận, các bản tin dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất sau mưa lớn hiện còn quá rộng, chưa có sự khu trú tập trung, sẽ khó cảnh báo đến người dân địa phương để phòng tránh.

Không khó để các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân: Mật độ các trạm khí tượng phân bố trên toàn quốc trung bình khoảng 1.765km2/trạm, còn rất thưa so với mức trung bình thế giới là 400km2/trạm. Mặt khác, khoảng 50% trạm tự động hóa, còn nhiều trạm đo thủ công. Đáng lo ngại là mật độ trạm khí tượng ngoài biển khơi quá thưa, mới chỉ có khoảng hơn 10 trạm khí tượng trên một số đảo. Các bản tin dự báo bão sẽ không tránh khỏi những sai số nhất định bởi phụ thuộc chủ yếu vào thiết bị quan trắc ảnh mây vệ tinh.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, hệ thống thiết bị kỹ thuật khí tượng mỏng chính là một trong những thách thức lớn và tạo ra những “lỗ hổng” trong công tác dự báo KTTV, nhất là dự báo bão, lũ bởi tính chất thời tiết ngày càng cực đoan, trái với quy luật thông thường.

Để nâng cao tính chính xác, độ tin cậy của các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian tới, yêu cầu cấp bách đặt ra là gia tăng mật độ hệ thống quan trắc, hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, xử lý thông tin đạt trình độ hiện đại phổ biến trên thế giới. Nhưng đến thời điểm này, do nhiều lý do, nhất là nguồn lực đầu tư hạn chế nên số trạm, điểm, công trình quan trắc được xây mới theo quy hoạch mới đạt trên 10%.

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg về Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, số trạm quan trắc sẽ tăng hơn 2 lần so với hiện nay (7.132 trạm). Đến năm 2025, số trạm quan trắc sẽ tăng lên 8.716 trạm và vào năm 2030, mạng lưới quan trắc cả nước có 9.449 trạm. Nhưng với tốc độ xây dựng thực tế, mục tiêu đến năm 2030, nước ta đạt mật độ 10-15km có một trạm khí tượng dường như không khả thi.

Kỳ vọng, đến năm 2025, chúng ta có mạng lưới quan trắc đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á cũng đang xa vời. Bởi, ngoài thiếu trạm quan trắc, năng lực truyền tin giữa các trạm quan trắc, các trung tâm xử lý và quản lý dữ liệu tài nguyên và môi trường còn rất hạn chế nên chưa khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quan trắc để nâng cao tính chính xác dự báo, cảnh báo thiên tai.

Hong Kong (Trung Quốc) mất 20 năm để hiện đại hóa hệ thống dự báo khí tượng, Mỹ cần 20 tỷ USD để làm mới lại hệ thống ra-đa thời tiết nên việc lấp đầy các “lỗ hổng” trong công tác dự báo, cảnh bảo thiên tai tại Việt Nam cần có thời gian cũng như từng giải pháp cụ thể để có thể hoàn thiện.

Thiết nghĩ, không chỉ tăng cường đầu tư hạ tầng KTTV, Chính phủ cần tạo điều kiện thu hút, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, mở rộng xã hội hóa công tác KTTV, mặt khác, cần tạo cơ chế cho các tổ chức sự nghiệp công lập về KTTV tăng tính độc lập, chủ động, giảm phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.

TheoThanh Thảo/ Báo Biên Phòng

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết