Lời giải cho bài toán phát triển nhà xã hội

Mới đây, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) tổ chức khởi công xây dựng dự án nhà ở xã hội với giá chỉ 8 triệu đồng/m2. Đây có thể là lời giải cho bài toán phát triển nhà thu nhập thấp.
Chung cư giá rẻ và cuộc chiến về giáNgười thu nhập thấp được vay tới 900 triệu đồng mua nhà tại TP HCM"Cuộc chiến" chung cư: Đừng vội tin những lời đường mật

Hiện trạng nhà ở xã hội

Hiện tại, ở nước ta, nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng bức thiết bởi cơ cấu dân số đang bước vào giai đoạn dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, đặc biệt tại hai thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong khi quỹ đất để phát triển nhà ở, giao thông và các dịch vụ tiện ích đều đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, các khu vực đô thị trên cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m2/người) và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.

Thực tế, gần 10 năm trở lại đây, với nhiều nguồn lực lớn được huy động, chương trình phát triển nhà ở xã hội đã đem lại cho Hà Nội những bước tiến quan trọng không chỉ về ý nghĩa xã hội mà còn là lời khẳng định cho một chủ trương đúng đắn của Chính phủ về an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh việc hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người có thu nhập thấp, quá trình triển khai nhà ở xã hội tại Hà Nội ở mỗi giai đoạn đều bộc lộ những điểm hạn chế.

Mặc dù là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nhà ở xã hội, song cũng từ thực tế triển khai cho thấy, đến nay thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp ở Hà Nội vẫn chỉ phần nào đáp ứng được nhu cầu chỗ ở cho một bộ phận công chức, viên chức, người lao động có thu nhập ổn định chứ chưa thể vươn tới mục tiêu giải tỏa nỗi mong ngóng an cư của phần đông người lao động.

5 nam ap u va loi giai bai toan phat trien nha o xa hoi

Nhà ở xã hội là nhu cầu bức thiết với toàn xã hội.

Theo các chuyên gia bất động sản, khó khăn đầu tiên cho người mua là sự khan hiếm về nguồn vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, hiện trạng nhà ở xã hội cung thấp cầu cao, việc người có thu nhập thấp mua được căn hộ là không hề đơn giản. Ngay cả khi được bổ sung nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi 4,8%/năm, việc sở hữu một nhà ở xã hội cũng gặp rào cản lớn do sự hạn chế trong những quy định về điều kiện được vay vốn.

Từ sau khi giải ngân hết gói vay ưu đãi 30.000 tỉ đồng cho người mua nhà xã hội, cả chủ đầu tư và người mua nhà đều chưa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi nên gặp rất nhiều khó khăn. Vốn cạn, lãi thấp đã gây nên một thực tế là doanh nghiệp không còn mặn mà và dần thờ ơ với loại hình nhà ở này.

Về phía người dân có thu nhập thấp, rào cản lớn nhất chính là…giá cả. Thực tế, để sở hữu một căn nhà ở xã hội dù ở mức rẻ nhất, người dân phải bỏ ra khoản tiền hơn 1 tỉ đồng. Với các dự án được vay vốn ưu đãi, khoản phải trả ban đầu từ 300-400 triệu đồng, sau đó hàng tháng phải trả góp từ 4-5 triệu.

Trong khi đó, thu nhập bình quân đối với các công nhân khu công nghiệp và công chức văn phòng chỉ từ 5-7 triệu đồng/tháng. Với các khoản chi phí sinh hoạt hằng ngày, công cuộc tích lũy để mua được nhà vẫn là một ước mơ. Chị Lý Thị Thu – một trình dược viên tại Hà Nội cho biết: "Mua được một căn nhà là ước mơ của mọi gia đình trẻ nhưng thực sự quá khó. Tổng thu nhập 2 vợ chồng mình khoảng 14-15 triệu một tháng, chi tiêu sinh hoạt, đóng học cho con và các việc họ hàng hầu như là hết, tháng nào để ra được 2-3 triệu đã là hạnh phúc. Vì thế để có tầm 300-400 triệu mua nhà cũng đã khó nói gì tiền tỉ".

Lời giải cho bài toán nhà thu nhập thấp

Khi được hỏi về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc HUD nói: "Cá nhân tôi và lãnh đạo công ty cực kỳ trăn trở về vấn đề này. Tôi đã từng hỏi anh em trong công trường xây dựng khu nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm, rằng sao không cố cái nhà ở đây để không phải đi thuê. Mọi người than thở với tôi giá vẫn cao quá".

Cầm trong tay hồ sơ xây dựng dày cả trăm trang, ông Tuấn Anh hồ hởi: “Để lên được dự án này, đội kỹ sư và chuyên gia của chúng tôi phải thực hiện trong 5 năm trời đấy”. Ông Tuấn Anh phân tích, bắt đầu từ năm 2014, một tổ 10 người gồm kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư và các chuyên gia về đất đai bắt đầu thực hiện nghiên cứu. Yêu cầu đặt ra rất rõ ràng, giảm tối đa giá thành nhà nhưng phải đảm bảo tiện ích như một chung cư thương mại. Ông Tuấn Anh nhấn mạnh: "Chúng tôi không phải xây nhà trọ cao tầng mà là tạo không gian sống tốt cho mọi người".

Thực tế đã chứng minh, tại các dự án HUD đã xây dựng, cư dân luôn được đảm bảo một không gian sống tốt với đầy đủ các tiện ích sinh hoạt. Tiêu biểu là khu đô thị Linh Đàm và Tây Nam Linh Đàm. Với bán đảo Linh Đàm, dù đã qua gần 20 năm sử dụng nhưng đây vẫn được đánh giá là một trong những khu đô thị có cảnh quan xanh và sạch bậc nhất Hà Nội. Với khu Tây Nam Linh Đàm, tuy là khu nhà ở xã hội nhưng tiện ích không kém gì các khu nhà thương mại. Bằng chứng là đến bây giờ nhu cầu mua căn hộ ở Tây Nam Linh Đàm vẫn rất cao dù nhà đã bán hết từ lâu.

“Chúng tôi không phải xây nhà trọ cao tầng mà là tạo không gian sống tốt cho mọi người”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh – phó Tổng giám đốc công ty HUD

Với yêu cầu rõ ràng và cụ thể từ ban giám đốc, đội ngũ kỹ thuật và thiết kế đã rất cố gắng tính toán tỉ mỉ từ lựa chọn quỹ đất, phương án xây dựng, số tầng nhà, thời gian thi công…đặc biệt đảm bảo tối đa không gian xanh và tiện ích đi kèm.

Ông Tuấn Anh giải thích: "Phần lớn người dân suy nghĩ cứ xây nhà cao tầng sẽ giảm chi phí, cái này sai hoàn toàn. Số tầng sẽ liên quan đến phương án xây dựng, thời gian thi công dài hay ngắn, ảnh hưởng rất lớn đến chi phí xây dựng".

Vì những lý do đó nên dự án đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 được giảm xuống 6 tầng, thay vì 9 tầng như thiết kế ban đầu.

5 nam ap u va loi giai bai toan phat trien nha o xa hoi
Phối cảnh dự án nhà ở xã hội thuộc KĐTM Thanh Lâm – Đại Thịnh 2.

Ông Tuấn Anh nhấn mạnh: "Nghiên cứu từ năm 2014, qua rất nhiều lần thay đổi, đến cách đây 1 năm chúng tôi mới chốt được phương án cuối cùng và làm dự án để trình các cấp".

Nhấp nhẹ chén chè, vị Phó Tổng giám đốc HUD cười tươi rói: “Rất may mắn là khi trình dự án, các cơ quan hữu quan rất ủng hộ chúng tôi. Giá thành tối đa cho một căn hộ chỉ chưa đến 600 triệu sẽ là một mốc mới cho bài toán nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp”.

Vậy là sau 5 năm kể từ ngày thai nghén, cuối cùng một dự án đã ra đời với giá thành ở mức thấp kỷ lục 8 triệu/m2, tương đương 500-600 triệu cho một căn hộ. Và như lời khẳng định của ông Nguyễn Tuấn Anh: “Chúng tôi cam đoan mang đến một không gian sống tốt nhất cho người dân. Mục tiêu của chúng tôi là an sinh xã hội, phải để mọi người đều có thể mua nhà, an cư lạc nghiệp. Đây là hướng đi của công ty trong tương lai, cũng như một lời hứa với toàn thể người dân về giải quyết vấn đề nhà ở xã hội".

Ngày 27/6/2019, tại huyện Mê Linh, Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) tổ chức khởi công xây dựng Dự án nhà ở xã hội (NƠXH), quy mô 5,2ha, thuộc Dự án KĐTM Thanh Lâm – Đại Thịnh 2.

Dự án NƠXH tại KĐTM Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 có tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, gồm 14 khối nhà cao 6 tầng, quy mô 1.030 căn hộ. Các căn hộ có diện tích từ 52m2 đến 69m2. Giá bán dự kiến khoảng 8 triệu đồng/m2. Dự án được xây dựng và bàn giao giai đoạn 1 vào quý I/2020.

Trần Giang
Trần Giang
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết