Tùy vào mục đích và điều kiện nghiên cứu sẽ có các phương pháp nghiên cứu phù hợp. Nhằm hiểu rõ về bản chất cũng như điều kiện thực hiện lượng giá thiệt hại kinh tế đối với ô nhiễm không khí, nghiên cứu này trình bày ba phương pháp phổ biến thường được sử dụng để lượng hóa thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam và trên thế giới. Đó là Phương pháp hàm liều lượng - phản ứng (dose - response function), Phương pháp lượng giá tổn thất dựa vào thu nhập (income - based approach), Phương pháp lượng giá tổn thất dựa vào phúc lợi (welfare - based approach).
Nhiều người được chẩn đoán mắc các vấn đề về hô hấp mỗi năm chỉ vì sống trong một khu vực ô nhiễm không khí cao. (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra điều kiện áp dụng các phương pháp tại Việt Nam, nhằm cung cấp thêm thông tin cho những nghiên cứu lượng giá về thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra.
Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn làm suy giảm năng suất, chất lượng cây trồng, hay phá hủy những công trình xây dựng… Thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra mỗi năm làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của mỗi quốc gia trên thế giới.
Đến nay, có 3 phương pháp chính được sử dụng trong nghiên cứu lượng giá thiệt hại gây ra bởi ô nhiễm không khí gồm: (i) Phương pháp liều lượng – phản ứng (dose - response function); (ii) Lượng giá tổn thất dựa vào thu nhập (income - based approach); (iii) Lượng giá tổn thất dựa vào phúc lợi (welfare - based approach).
Mỗi phương pháp đều có các yêu cầu khác nhau về thông tin, dữ liệu, năng lực chuyên môn cũng như điểm mạnh, điểm yếu khi áp dụng. Dựa vào kết quả rà soát, đánh giá của nhóm tác giả đề tài “Xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn ứng dụng mô hình toán kết hợp với GIS (Cơ sở dữ liệu thông tin địa lý), viễn thám tính toán ô nhiễm không khí phù hợp với điều kiện Việt Nam - Áp dụng thử nghiệm tại thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận, Mã số: TNMT.2016.04.20” nghiên cứu này hệ thống hóa, rà soát cơ sở khoa học, thực tiễn từ đó đánh giá khả năng áp dụng ở Việt Nam để làm cơ sở đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống qui định pháp luật, tổ chức, thông tin, dữ liệu.
Cải thiện ô nhiễm không khí bền vững: Cần chiến lược dài hơi và quyết liệt |
Thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO – World Health Organization), ô nhiễm không khí bao gồm trong nhà hoặc ngoài trời (xung quanh) do một loạt các khí và chất rắn lơ lửng làm thay đổi các đặc tính tự nhiên của không khí. Các chất gây ô nhiễm chính cho sức khỏe bao gồm vật chất hạt (PM2.5 và PM10), Carbon monoxit (CO), lưu huỳnh đioxit (SO2), nitơ oxit (NOx), ozone (O3), carbon đen (BC). Ô nhiễm không khí không thể nhìn thấy bằng mắt thường vì kích thước của các chất ô nhiễm quá nhỏ so với nhận dạng của mắt người. Việc không thể nhìn thấy ô nhiễm không khí trong nhiều trường hợp không có nghĩa rằng ô nhiễm không khí không hề tồn tại.
WHO có hướng dẫn chất lượng không khí đối với các chất gây ô nhiễm không khí được coi là có hại nhất cho sức khỏe. Trong đó, vật chất hạt mịn (PM2.5) là chỉ số chính được sử dụng trong việc ước tính sức khỏe của các tác động ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các tác động sức khỏe của vật chất hạt phụ thuộc vào mức độ phơi nhiễm (thường được biểu thị bằng µg/m3) và thời gian phơi nhiễm (có thể là ngắn hạn, ví dụ 8 hoặc 24 giờ hoặc dài hạn, ví dụ hàng năm). Tùy vào độ nhạy cảm của mỗi cá nhân mà tác động tới sức khỏe do vật chất hạt có thể thay đổi. Điều này có nghĩa là trong cùng điều kiện tiếp xúc, ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến từng cá thể khác nhau là khác nhau.
Các chất gây ô nhiễm không khí | Thời gian tiếp xúc | Nồng độ ảnh hưởng tới sức khỏe (µg/m3) |
---|---|---|
PM2.5 | 1 năm | 10 |
24 tiếng | 25 | |
PM10 | 1 năm | 20 |
24 tiếng | 50 | |
Ozon (O3) | 8 tiếng (tối đa mỗi ngày) | 100 |
Nitơ đioxit (NO2) | 1 năm | 40 |
1 tiếng | 200 | |
Lưu huỳnh đioxit (SO2) | 24 giờ | 20 |
10 phút | 500 |
Bảng 1: Tiêu chuẩn của WHO về các chất gây ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí gây ra khoảng 3,5 - 7 triệu ca tử vong mỗi năm, trong đó 4,2 triệu ca tử vong là do ô nhiễm không khí xung quanh, nguyên nhân tử vong sớm phần lớn là do gia tăng tỉ lệ tử vong do đột quỵ, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, hen suyễn.
Ô nhiễm không khí tác động đến toàn bộ các quốc gia trên thế giới nhưng gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí tác động lớn nhất tới các nước có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là các nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo WHO, 97% các thành phố ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có hơn 100.000 dân không đáp ứng các hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO, tuy nhiên tỉ lệ đó ở các nước thu nhập cao giảm xuống chỉ còn 49%.
Chính vì vậy, các chính sách nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí hướng tới mục tiêu đảm bảo cả về môi trường và sức khỏe của con người, giảm gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu trước mắt và lâu dài.
Hơn 90% dân số thế giới đang hít thở không khí bẩn |
Các phương pháp lượng giá thiệt hại ô nhiễm không khí
Để có được những biện pháp giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí đến hệ thống kinh tế - xã hội, cần phải xác định được chính xác mức độ thiệt hại mà ô nhiễm không khí gây ra. Các phương pháp lượng giá thiệt hại ô nhiễm được xây dựng từ nhu cầu thực tiễn này. Đến nay, có 3 phương pháp chính thường được các học giả, tổ chức quốc tế sử dụng để lượng giá thiệt hại gây ra bởi tác nhân ô nhiễm không khí, bao gồm:
(i) Phương pháp hàm liều lượng - phản ứng (dose - response function): Là phương pháp cơ học, ước tính được mối liên hệ giữa nồng độ các chất ô nhiễm xung quanh với các tác động về kinh tế - xã hội. Đây là một phương pháp tính toán thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra một cách trực tiếp.
(ii) Lượng giá tổn thất dựa vào thu nhập (income - based approach): Đây là một phương pháp gián tiếp đo lường thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra. Dựa vào giả định rằng ô nhiễm không khí làm suy giảm tuổi thọ của con người hay các công trình xây dựng, suy giảm năng suất,… Tổng giá trị bị suy giảm đó chính là thiệt hại của ô nhiễm không khí đến hệ thống kinh tế - xã hội.
(iii) Lượng giá tổn thất dựa vào phúc lợi (welfare – based approach): Cũng là một cách lượng giá gián tiếp thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra. Phương pháp này đo lường mức sẵn lòng chi trả của xã hội cho việc giảm rủi ro do ô nhiễm không khí. Tổng mức sẵn lòng chi trả để giảm thiểu rủi ro bằng đúng với thiệt hại do ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến mọi sinh vật, trong đó có thể hủy hoạt sự sống của cây trồng. (Ảnh minh họa) |
Cả 3 phương pháp đo lường này đều hướng đến mục tiêu là tính toán được chính xác thiệt hại do ô nhiễm không khí. Tuy nhiên mỗi một phương pháp lại có những ưu điểm cũng như những hạn chế nhất định. Phương pháp hàm liều lượng – phản ứng có ưu điểm là một phương pháp lượng giá thiệt hại trực tiếp. Phương pháp này dựa vào sự chênh lệch về nồng độ của các chất gây ô nhiễm so với tiêu chuẩn, quy chuẩn chung để tính toán số trường hợp bị ảnh hưởng bởi sự ô nhiễm, ưu điểm là tính toán được tổng thể đối tượng bị ảnh hưởng, thu thập được các chi phí liên quan, tính toán được giá trị bằng tiền của thiệt hại.
STT | Tên phương pháp | Yêu cầu, điều kiện áp dụng |
---|---|---|
1 | Phương pháp hàm liều lượng – phản ứng (dose – response function) |
Để có thể áp dụng được phương pháp này điều kiện cần là các thông số kể trên. Điều kiện đủ là bộ số liệu phải đủ lớn thì kết quả lượng giá thiệt hại mới được chính xác và sát với thực tế. |
2 | Lượng giá tổn thất dựa vào thu nhập (income – based approach) | Để lượng giá được thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra bằng phương pháp này cần phải thống kê được đầy đủ và chi tiết tất cả các loại thiệt hại. Tuy nhiên, thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra phải trong thời gian tương đối dài mới có thể biểu hiện ra bên ngoài. Vì vậy, khó khăn thường gặp của phương pháp này là dễ bị bỏ sót các dạng thiệt hại chưa được biểu hiện. |
3 | Lượng giá tổn thất dựa vào phúc lợi (welfare – based approach) | Là một phương pháp lượng giá gián tiếp, lượng giá tổn thất dựa vào phúc lợi của con người, phương pháp này thường gặp phải những khó khăn nhất định trong quá trình thu thập số liệu điều tra khảo sát. Phương pháp ước lượng mức sẵn lòng chi trả (WTP) dễ gặp phải các sai lệch trong qúa trình phỏng vấn về các mức WTP, hạn chế gặp phải là mức sẵn lòng chi trả thấp hơn hoặc cao hơn so với mức phù hợp với thu nhập cá nhân có được, như vậy kết quả nghiên cứu không phản ánh đúng thực tế. |
Bảng 2. Các phương pháp lượng giá thiệt hại ô nhiễm không khí và điều kiện áp dụng. (Nguồn: Nhóm tác giả, 2020)
Tuy nhiên, phương pháp hàm liều lượng – phản ứng lại cần có lượng dữ liệu đầu vào lớn và chi tiết. Đầu tiên là nồng độ quan trắc đầy đủ của tất cả các chất tại các địa điểm quan trắc, tiếp đến là chi phí của từng đơn vị bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm mới có thể tính toán được thiệt hại. Phương pháp lượng giá tổn thất dựa vào thu nhập hay lượng giá tổn thất dựa vào phúc lợi là những phương pháp gián tiếp.
Những phương pháp này ưu điểm là có thể trực tiếp đi khảo sát để có thể thu thập được những số liệu cần thiết mà không phải đầu tư quá nhiều vào hệ thống máy móc, tất cả những gì cần cho cuộc điều tra thu thấp số liệu là một bảng các câu hỏi thông tin cần thu thập sao cho kết quả phản ánh được sát với thực tế nhất. Tuy nhiên vì là phương pháp lượng giá gián tiếp nên sẽ có những sai số nhất định.
Nguyễn Thế Chinh, Đỗ Thị Thanh Ngà, Đào Cảnh Tùng, Lại Văn Mạnh
Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường
(Còn nữa)
Bài tiếp: Các phương pháp lượng giá thiệt hại ô nhiễm không khí trong điều kiện của Việt Nam