Ngay sau khi Bộ KH&ĐT đề xuất xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ hết 26 tỉ USD, rẻ hơn 32 tỉ USD so với phương án của Bộ GTVT, Bộ GTVT đã phát đi thông cáo liên quan tới tờ trình của Bộ KH&ĐT để tránh hiểu nhầm.
Theo Bộ GTVT, Bộ đã đề xuất dự án lên Thủ tướng. Cụ thể, có 2 phương án phân kỳ đầu tư: Thứ nhất, phân kỳ theo chiều ngang: Đầu tư hoàn chỉnh và khai thác đồng bộ đường sắt tốc độ cao trên từng đoạn. Tốc độ thiết kế là 350km/h. Giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang với tổng mức đầu tư dự kiến 24,7 tỉ USD. Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến với tổng mức đầu tư là 33,98 tỉ ÚD (mặc dù được phân thành 2 giai đoạn nhưng thực chất đây là một quá trình đầu tư liên tục)
Thứ hai, phân kỳ theo chiều kỳ dọc: Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao và phân kỳ đối với việc đầu tư thiết bị, phương tiện vận tải và phương thức khai thác. Cụ thể, giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) đầu tư hạ tầng toàn bộ tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đảm bảo tốc độ thiết kế 350km/h nhưng chưa điện khí hóa, mua sắm đoàn tàu diesel để khai thác riêng tàu khách trên toàn tuyến với vận tốc khai thác tối đa 150km/h, tổng mức đầu tư là 41,980 tỉ USD.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) tiến hành điện khí hóa, nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu, mua sắm đoàn tàu tốc độ cao thay thế tầu diesel để khai thác trên toàn tuyến với tổng mức đầu tư là 17,11 tỉ USD.
Qua phân tích về khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư, hiệu quả đầu tư dự án cũng như sự phù hợp với quy hoạch liên quan, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đề xuất phương án và tiến độ đầu tư dự án như sau:
Giai đoạn 1 (dự kiến hoàn thành vào 2030 - 2032): Chuẩn bị đầu tư và tổ chức đầu tư xây dựng 2 đoạn (Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP Hồ Chí Minh). Cùng với quá trình đầu tư xây dựng là công tác chuẩn bị nguồn nhân lực, xây dựng thể chế để khai thác vào năm 2032.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050): Tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang. Trong đó ưu tiên đoạn Vinh - Đà Nẵng để có thể khai thác vào năm 2040 và tiếp tục hoàn thành đoạn Đà Nẵng - Nha Trang vào năm 2050.
Về ý kiến nghiên cứu của Bộ KH&ĐT với đề xuất chỉ làm đường sắt tốc độ tàu chạy 200km/h, tổng mức đầu tư chỉ vào khoảng 26 tỉ USD (rẻ hơn 32 tỉ USD so với đề xuất của Bộ GTVT), Bộ GTVT cho rằng: Ý kiến của Bộ KH&ĐT liên quan đến quy mô, tổng mức đầu tư dự án... sẽ tiếp tục được Bộ GTVT có ý kiến, giải trình làm rõ trong quá trình thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Đồng thời, Bộ GTVT sẽ có báo cáo, giải trình thẩm tra của các cơ quan có liên quan trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Bộ GTVT cũng khẳng định, sẽ tiếp tục triển khai nghiên cứu, tham mưu và thực hiện các bước tiếp theo của Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam một cách cẩn trọng, khách quan và tuân thủ đúng quy trình, quy định.
Trước đó, Bộ KH&ĐT có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Theo Bộ KH&ĐT, có 3 kịch bản để xây dựng dự án tốc độ cao trên trục Bắc – Nam gồm: Nâng cấp tuyến đường sắt hiện đại có tốc độ khai thác 80-90km/h tàu khách và 50-60km/h tàu hàng; Nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa khai thác chung tàu khách và tàu hàng có tốc độ 200km/h; Nâng cấp tuyến đường sắt hiện đại tốc độ 70km/h cho tàu khách địa phương và tàu hàng. Đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa chỉ khai thác cho tàu khách có tốc độ 320km/h, tốc độ thiết kế 350km/h.
Bộ KH&ĐT đưa ra phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan, chiều dài hàng nghìn km, tốc độ chạy tàu trên trục Bắc - Nam khoảng 200km/h mang lại hiệu quả. Nếu tính đến các yếu tố khác như sự hợp lý của hướng tuyến, giảm chiều dài tuyến đường sắt tốc độ cao thì tổng mức đầu tư sẽ tiếp tục giảm. Với tốc độ khai thác 200km/h, thời gian di chuyển giữa Hà Nội - TP HCM khoảng 8 giờ là khá hợp lý.
Theo đại diện Bộ KH&ĐT, phương án tối ưu là nâng cấp tuyến đường sắt cũ để chở hàng hóa và đầu tư mới một tuyến đường sắt tốc độ cao để chuyên chở khách. Như tại Hà Lan, Chính phủ nước này đã không thực hiện việc nâng cấp tuyến đường sắt Dusseldorf - Amsterdam từ 200km/h lên 300km/h vì chi phí vận hành tăng từ 1,8 tỉ Euro lên 3,4 tỉ euro và không phát huy tối đa hiệu quả.