Thủ tướng yêu cầu đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 1128/VPCP - CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.
Liên quan đến việc này, ngày 20/2, trao đổi với phóng viên TTXVN về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang gặp phải từ khi chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải về trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR cho hay, thời điểm trước khi VNR chưa chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, việc giao dự toán ngân sách hàng năm cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải giao về trước tháng 12. Sau khi được giao dự toán, VNR sẽ thực hiện đặt hàng dịch vụ công ích với 20 công ty trực thuộc để thực hiện đảm bảo an toàn chạy tàu gồm các hoạt động như tuần đường, gác chắn, duy tu, bảo trì, sửa chữa nhỏ….
Tuy nhiên, sau khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải không thể thực hiện việc giao dự toán ngân sách theo cơ chế như trên do vướng Điều 49, Luật Ngân sách Nhà nước 2015 về phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước. Vì hiện nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không thuộc đơn vị trực thuộc của Bộ Giao thông Vận tải.
Cụ thể, tại Điều 49 Luật này quy định: “Sau khi được Chính phủ, UBND giao dự toán ngân sách, các đơn vị dự toán cấp I ở Trung ương và địa phương thực hiện phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới”.
Từ ngày 1/1/2020, có 20 doanh nghiệp công ích thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang thực hiện dịch vụ công ích mà chưa được ký kết hợp đồng, đồng nghĩa với việc chưa có kinh phí để trả lương cho các bộ, công nhân viên. Nhưng để đảm bảo an toàn chạy tàu, Tổng công ty vẫn phải chỉ đạo 20 doanh nghiệp trên tiếp tục thực hiện các dịch vụ công ích đang làm để đảm bảo an toàn chạy tàu.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc VNR đánh giá: “Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là chủ trương hoàn toàn phù hợp của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu tách bạch việc quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ khi được chuyển về đã nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập cần được các ngành, các cấp giải quyết”.
“Những khó khăn của Tổng công ty đang vướng xuất phát từ việc không thống nhất về quy định pháp luật giữa các luật, nghị định điều chỉnh, cụ thể là Luật Ngân sách Nhà nước 2015, Luật Đường sắt 2017 và một số văn bản pháp luật khác”, ông Đặng Sỹ Mạnh cho hay.
Tổng giám đốc Đặng Sỹ Mạnh chia sẻ, VNR là doanh nghiệp thực hiện một phần sản phẩm công ích vì nhận nhiệm vụ quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt của Nhà nước (không tính vốn doanh nghiệp), chạy tàu dân sinh phục vụ xã hội. Khi chuyển về lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì Tổng công ty vẫn được giao nhiệm vụ vận hành, khai thác toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt hiện hữu. Nhưng, kết cấu hạ tầng đường sắt lại thuộc sự quản lý của Bộ Giao thông Vận tải.
Để giải quyết khó khăn đang gặp phải, ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết, Tổng công ty đã báo cáo lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tháo gỡ vấn đề cấp bách liên quan đến an toàn chạy tàu hiện nay.
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đang giao các đơn vị tham mưu tổng hợp, đánh giá những khó khăn, thuận lợi với đề xuất chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về lại Bộ và báo cáo lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là một trong 5 tổng công ty trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải được tiến hành chuyển giao quyền đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ tháng 11/2018. Đây là doanh nghiệp có nhiều nét đặc thù khi vừa tiến hành các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường sắt vừa được giao quản lý, khai thác sử dụng vốn, tài sản thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia trên cơ sở được Nhà nước giao dự toán chi ngân sách nhà nước.