"Mẹo" ôn thi môn Tiếng Anh phục vụ kỳ thi THPT quốc gia 2019

Tiếng Anh là môn thi bắt buộc trong 6 môn thi áp dụng tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Việc xây dựng phương pháp ôn tập phù hợp là cơ sở quan trọng để các thí sinh có được kết quả thi như mong muốn.

Dưới đây là một số kinh nghiệm ôn thi môn Tiếng Anh giúp các bạn thí sinh tham khảo:

meo on thi mon tieng anh phuc vu ky thi thpt quoc gia 2019
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên).

Bám sát sách giáo khoa và nắm vững kiến thức cơ bản khi ôn thi

Đây là việc cực kỳ quan trọng, bởi nó sẽ cho các thí sinh cái nhìn tổng quát về các chủ đề mình đã học, từ đó làm bài hiệu quả hơn. Ngoài ra, thí sinh có thể tham khảo một số sách chuyên đề về ngữ pháp để luyện sâu về các thì, câu bị động, câu điều kiện, câu trực tiếp, câu gián tiếp, câu mệnh đề quan hệ, câu đảo ngữ, câu giả định… đối với những loại câu liên quan đến các cấu trúc này, có cách để lựa chọn đáp án đúng theo mẹo mà không cần phải dịch hoặc hiểu hết cả câu.

Với học sinh nguyện vọng đạt điểm cao để xét tuyển cao đẳng, đại học cần phải có vốn từ vựng nhiều, cần học các collocations (cụm từ cố định), phrasal verb (cụm động từ), idiom (thành ngữ), reading (các bài đọc hiểu và điền từ).

Phân bổ thời gian ôn luyện thật khoa học

Đối với học sinh các khối có tiếng Anh như A, A1, D1,… thí sinh cần dành ít nhất 1-2 tiếng/ngày vào buổi sáng, buổi chiều hoặc buổi tối để học từ mới, cấu trúc ngữ pháp, cụm từ… luyện tập đề minh họa cụ thể (nhất là với các đề bám sát cấu trúc của Bộ GD&ĐT); các bạn có thể mua sách luyện đề tại các hiệu sách hoặc các bạn có thể lên mạng download các đề thi thử của các trường đã được các thầy cô, bạn học sinh đưa lên mạng.

Việc học từ mới, cấu trúc ngữ pháp, cụm từ,… giúp các bạn củng cố lại toàn bộ các kiến thức đã học trong suốt thời gian vừa qua, còn việc nhiều luyện đề thi thử đại học sẽ giúp các thí sinh làm quen với các dạng câu hỏi khác nhau, cũng như rèn thêm nhiều kỹ năng khác khi làm bài cho kỳ thi tới.

Tích cực bổ sung vốn từ

Khi làm bài thi, đa phần thí sinh đều gặp khó khăn trước những từ mới hay bài đọc khó. Vì vậy, các bạn nên tích cực bổ sung cho mình vốn từ mới. Một trong những cách đơn giản nhất để xây dựng vốn từ này là nắm chắc bảng từ ở cuối sách giáo khoa. Tuy nhiên, thay vì việc học nhồi nhét từ, các bạn cũng cần phát triển kỹ năng đọc nữa. Ví dụ như kỹ năng đoán nghĩa của từ dựa vào cấu tạo từ hay dựa vào văn cảnh, kỹ năng đọc lướt và tìm chi tiết nhanh mà không cần hiểu hết tất cả các từ… Thực tế, cái khó của đọc là từ mới và tốc độ, do đó kỹ năng đọc, chứ không phải vốn từ, sẽ là yếu tố quyết định để ghi điểm trong bài đọc.

Ôn kỹ lại các lỗi sai thường mắc và quan tâm đến một số cấu trúc khó

Quá trình ôn luyện, thí sinh nên dành thời gian ôn kỹ lại các lỗi sai mà mình hay mắc phải, đọc kỹ, tránh chọn bừa. Thông thường, các thí sinh hay mắc lại chính cái lỗi sai mình gặp hôm trước, đề trước… một phần do các bạn chưa học kỹ ngữ pháp phần đó, một phần cách suy diễn của thí sinh đã định hình theo tư duy hoặc cách hiểu của mình…

Trong ôn luyện, thí sinh cũng cần phải tìm hiểu thêm hoặc hỏi thêm các cấu trúc khó không có trong sách giáo khoa. Ví dụ như trong Đề thi thử tốt nghiệp PTTH của Sở GD&ĐT Hà Nội có cấu trúc (…so adj + a/an + N + that + clause) đây có thể là một cấu trúc lạ đối với các bạn không thi khối có môn Anh, vì trong chương trình phổ thông các bạn ít có cơ hội tiếp xúc với cấu trúc này. Việc nắm một số cấu trúc khó có ý nghĩa quan trọng đối với những học sinh nguyện vọng đạt điểm cao để xét tuyển đại học.

Quang Đạo
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường