Gia tăng sạt lở
Do ảnh hưởng của bão số 5, bờ biển làng chài Thạch By 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi bị sạt lở nghiêm trọng. Từng đợt sóng cao 5 - 7 mét tấp vào bờ tràn lên đường, cuốn trôi vật dụng, gây sụt lún nhà cửa. Sóng lớn và triều cường cũng gây sạt lở nghiêm trọng tuyến kè chắn sóng thôn Thạch By 2. Hơn 100 m kè bị nứt toác, sụt lún; đất, đá bị sóng biển cuốn trôi. Nhiều đoạn thân kè bị đứt gãy, vỡ mái taluy…
Tuyến kè Thạch By bị hư hỏng đứt gãy sau cơn bão số 5 |
Ông Giả Tấn Tàu, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cho biết, tuyến kè Thạch By được đầu tư xây dựng vào năm 2000 với chiều dài hơn 1.300 mét, được ví như bức bình phong bảo vệ tính mạng, tài sản cho hơn 400 hộ dân. Qua nhiều năm, công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng. Sau đợt mưa bão vừa qua, đoạn kè bị hư hỏng nghiêm trọng. Ngoài ra, một số đoạn đường bê tông ven biển khu vực này cũng bị sóng làm hư hỏng, uy hiếp hơn 300 hộ dân khu dân cư liền kề cùng nhiều công trình công cộng khác.
“Xã đã xây dựng phương án phòng chống, trong đó, có phương án di dời số hộ dân dọc tuyến kè. Nếu tình hình bão nguy cơ lớn, xã sẽ huy động lực lượng, vận động bà con di dời để giảm thiểu tài sản và tính mạng của bà con khu vực này.”- ông Tàu cho biết.
Những ngày qua, tại ven bờ biển thôn Bình Trung và cửa biển Cửa Lở, xã đảo Tam Hải, tỉnh Quảng Nam sóng biển và triều cường đánh mạnh cũng gây sạt lở hàng chục mét bờ biển, ăn sâu vào bên trong đất liền, khiến nhiều cây dương liễu chắn sóng, gió bị ngã đổ cuốn ra biển. Bên cạnh đó, nhiều chòi canh giữ nuôi tôm của một hộ dân bị sóng biển đánh làm sụp đổ hư hỏng nên mọi người di chuyển đến địa điểm khác.
Sóng biển gây sạt lở, cuốn trôi rừng liễu cùng nhiều hồ tôm ở xã Tam Hải |
Ông Phạm Khắc Huy, xã đảo Tam Hải cho biết, nhiều hộ dân trong xã phải di dời đến nơi ở mới bởi cửa biển Cửa Lở ngày càng sạt lở nghiêm trọng. Hàng chục ha rừng cây dương liễu có nhiệm vụ chắn gió đã bị sóng biển cuốn trôi.
Cần giải pháp bền vững
Tại tỉnh Quảng Ngãi, chỉ tính riêng sạt lở bờ biển, hiện toàn tỉnh có 21 điểm thường xuyên sạt lở, trong đó có 5 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Tốc độ sạt lở trung bình khoảng 5 m/năm. Riêng một số điểm như: thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi); thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị (huyện Bình Sơn)... có tốc độ sạt lở từ 10-15 m/năm. Ngoài các giải pháp gia cố bờ biển, hiện chính quyền Quảng Ngãi vẫn chưa có biện pháp tối ưu để khắc phục tình trạng xâm thực này vì cần phải có một nguồn kinh phí khá lớn, vượt ngoài khả năng của địa phương.
Ông Võ Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, chính quyền huyện đã đầu tư kinh phí lớn để gia cố kè hàng năm nhưng không hiệu quả. Hơn nữa nguồn lực của huyện có hạn nên việc đầu tư chỉ mang tính chất tạm thời qua từng năm.
“Về lâu dài, cần phải đầu tư xây dựng theo đúng thiết kế kỹ thuật, có như vậy mới đảm bảo an toàn cho người dân khu vực này. Huyện cũng đã đề nghị cấp có thẩm quyền, cấp tỉnh quan tâm đầy tư kè Thạch By 2, xã Phổ Thạnh”. – ông Hùng kiến nghị.
Chưa thể xây kè ở xã Tam Hải vì thiếu kinh phí |
Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết trung bình mỗi năm, sóng biển lấn sâu vào ven bờ biển ở thôn Bình Trung và cửa biển Cửa Lở khoảng 15m. Trước đây, chính quyền xã đã có kiến nghị xây dựng bờ kè và được chính huyện thống nhất và lấy từ nguồn phí môi trường tận thu cát nhiễm mặn. Tuy nhiên, do không thực hiện được Dự án nạo vét thông luồng cát nhiễm mặn nên bây giờ chưa có kinh phí để triển khai xây dựng công trình kè này.
Theo PGS.TS Trần Thanh Tùng, Trường Đại học Thủy lợi về lâu dài, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ cần có chiến lược ứng phó với hiện tượng xói lở bờ biển. Nguồn lực về tài chính của cộng đồng hiện không đủ để thực hiện theo các quy chuẩn về xây dựng các công trình phòng chống xói lở, hệ thống các chính sách về quản lý dải ven biển còn nhiều chồng chéo, chưa thống nhất… đã gây khó khăn cho việc ứng phó với xói lở bờ biển.
Sau mỗi đợt mưa lũ bờ biển miền Trung lại sạt lở nghiêm trọng |
“Khi xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội các địa phương, xây dựng các khu kinh tế trong điểm, nhất thiết phải bao gồm quy hoạch bảo vệ bờ biển. Bên cạnh đó cần triển khai ngay việc thiết lập quy hoạch đường ranh giới bờ biển an toàn hay hành lang bảo vệ bờ biển cũng như thành lập mạng lưới quan trắc, giám sát định kỳ nguy cơ sạt lở, bờ sông, bờ biển các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ”- PGS.TS Trần Thanh Tùng kiến nghị.