Mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc khiến 5 người chết và mất tích

Tính đến 18h ngày 25/6, mưa lũ, dông sét tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm 5 người chết và mất tích, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi. Thiệt hại ước tính lên đến hàng chục tỉ đồng.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Điện Biên: Tính đến 18h ngày 25/6, mưa lũ, dông sét đã làm 5 người chết và mất tích (Lai Châu 4 người do lũ cuốn, Điện Biên 1 người do sét đánh).

Cụ thể, 1 người chết tại xã Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè, Lai Châu) do nước lũ cuốn. Nạn nhân là Lường Văn Kiên (34 tuổi, ở xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). Tại Lai Châu có 3 người mất tích do lũ cuốn trôi, gồm: Bùi Văn Tâm (46 tuổi, ở xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên); Nguyễn Văn Thuyên (38 tuổi, ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội ) và Chìn Mé Út (2 tuổi, ở bản Pa Cheo, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn).

mua lu tai cac tinh phia bac khien 5 nguoi chet va mat tich
Lũ quét đánh sập chiếc cầu treo duy nhất vào xã Bản Hồ. Ảnh: Nhân dân

Bên cạnh đó, mưa lũ khiến 7 ngôi nhà bị cuốn trôi; 27 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp, 24 ngôi nhà bị ngập; thiệt hại 66 ha lúa và hoa màu, 500 con gia súc, gia cầm, 3,2ha ao cá. Mưa lũ khiến 1 cầu treo đứt cáp tại huyện Sa Pa (Lào Cai); Hai cầu bê tông bị cuốn trôi ở Lai Châu... một số tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng; 4 công trình thủy lợi bị cuốn trôi, vùi lấp; 5 máy xúc, 2 ôtô tải bị cuốn trôi tại Lai Châu. Tổng thiệt hại ước tính hơn 26,3 tỉ đồng.

Đến ngày 25/6, huyện Mường Tè đã huy động hơn 100 người thuộc công an, quân đội, dân quân... tiếp tục tổ chức tìm kiếm 2 công nhân hiện còn mất tích và hỗ trợ bà con di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Đối với những hộ dân đang cô lập do cầu sập, đường sạt lở, giải pháp được đưa ra lúc này là phải nhanh chóng tiếp cận để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bà con.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ bất thường, cực đoan, có thể xảy ra trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có công điện số 04/CĐ-TW ngày 24/6/2019 yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc và các Bộ ngành triển khai các biện pháp ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất và các tình huống bất thường.

Khẩn trương chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói, khát.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ, nhất là đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019.

Rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, trục giao thông chính; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong những ngày tới, thời tiết nắng nóng vào ban ngày và mưa kèm dông, lốc, sét vào ban đêm có thể diễn ra tại các khu vực trên cả nước. Để chủ động ứng phó có hiệu quả, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa và kỹ năng ứng phó với dông lốc, sét, mưa đá để giảm thiểu thiệt hại.

Trần Giang (T/h)
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường