Tại hội thảo về định hướng cơ cấu lại khối DNNN đến năm 2030, kế hoạch năm 2021 - 2025 mới đây, các ý kiến góp ý của chuyên gia, doanh nghiệp đều nhận định, cần phải bỏ đi chức năng công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của DNNN lâu nay, thay vào đó là buộc các doanh nghiệp phải hoạt động, kinh doanh theo cơ chế thị trường và đem lại hiệu quả thực sự.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, DNNN đã có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội trong 20 năm đổi mới đất nước, trong đó đóng góp gần 30% tăng trưởng kinh tế. Các DNNN lớn hiện giữ tỷ trọng đa số hoặc chi phối một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như xây dựng, giao thông, ngân hàng, tài chính, năng lượng... Thực tế, DNNN đã phát triển trở thành những tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn được ví như "quả đấm thép", nắm vị trí đầu ngành, thậm chí là độc quyền ngành. Nhưng ở một số nơi, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa đạt như kỳ vọng, còn không ít doanh nghiệp bị thua lỗ, để xảy ra những sai phạm, thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Những DNNN đã phát triển thành những tập đoàn, tổng công lớn đứng đầu các ngành xây dựng, giao thông, tài chính, năng lượng... |
Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động của khối DNNN trong nhiều năm qua đã bộc lộ hàng loạt vấn đề, như hiệu quả đầu tư, kinh doanh thấp, tỷ trọng đóng góp vào GDP và thu ngân sách Nhà nước còn thấp chưa tương xứng, số lượng việc làm mới được tạo ra cùng thị phần ở hầu hết các ngành ngày càng "co hẹp"... Điều này được cho là hệ luỵ từ việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư ở các DNNN bị buông lỏng, thiếu sự kiểm tra giám sát, để xảy ra những sai phạm, "rút ruột" tài sản nhà nước. Bởi nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ triền miên nhưng sau khi được cổ phần hoá, chuyển giao vốn sang cho tư nhân quản lý, điều hành thì lập tức ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc, tăng trưởng lợi nhuận rất cao, giá trị cổ phiếu tăng vọt và trở nên hấp dẫn thị trường. Nghịch lý này hiện vẫn đang tồn tại ở nhiều DNNN lớn mà quá trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước diễn ra chậm chạp, ì ạch.
Theo nghiên cứu của CIEM, kết quả thực hiện cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2020 đạt tích cực, như hoàn thành chuyển doanh nghiệp 100% vốn thành công ty cổ phần nhiều chủ sở hữu, thay đổi mô hình quản trị, quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước, đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả doanh nghiệp thông qua cổ phần hóa... Riêng giai đoạn từ 2016 đến tháng 6/2019, cơ quan chức năng đã chuyển 185.000 tỉ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp về ngân sách, thông qua kết quả cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đạt 74% kế hoạch.
Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư của DNNN còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra và nguồn lực đầu vào. Vai trò dẫn dắt, điều tiết hoặc định hướng của doanh nghiệp nhà nước chưa được thể hiện rõ, sức lan tỏa chưa cao, chỉ số quay vòng vốn của doanh nghiệp thấp... Qua đó, làm giảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước nói riêng và kinh tế nhà nước nói chung. Đáng nói, tổng lợi nhuận của cả khu vực DNNN phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn trong ngành có mức độ cạnh tranh thấp như khai khoáng, viễn thông, năng lượng.
Cần thay đổi vai trò của DNNN
Trước thực tế hoạt động của DNNN, đại diện CIEM kiến nghị sự thay đổi tư duy định hướng phát triển doanh nghiệp, không cần thiết phải xác định DNNN là “lực lượng vật chất chủ yếu của kinh tế Nhà nước”, nhất là khi khối này không còn chiếm tỷ trọng trong đa số cơ cấu tài sản của kinh tế Nhà nước.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tách bạch hoàn toàn đội ngũ cán bộ quản lý DNNN ra khỏi chế độ công chức, viên chức Nhà nước, thực hiện chế độ lương theo thị trường, hợp đồng lao động với tất cả chức danh điều hành DNNN.
Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đối với DNNN, CIEM kiến nghị cơ quan chức năng cần: Chấm dứt mọi hình thức ưu đãi, triệt để áp dụng nguyên tắc tự vay – tự trả; sửa đổi căn bản pháp luật về quản trị DNNN theo hướng cơ quan đại diện chủ sở hữu (và cơ quan Nhà nước); không quyết định bất cứ quyết định nào thuộc lĩnh vực quản trị kinh doanh của DNNN.
PGS.,TS. Trần Đình Thiên cho rằng, trước hết phải đánh giá từ hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước với nền kinh tế, xem lại khái niệm cổ phần hóa đã được sử dụng quá lâu khi mà nhiều DNNN cổ phần hóa chỉ vài phần trăm cũng được coi là đã cổ phần hóa. Trong khi việc cổ phần hóa như vậy không làm thay đổi cách phân bổ nguồn lực, thay đổi quản trị của doanh nghiệp như mục tiêu đặt ra, do đó không phát triển được thị trường.
Còn chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong nhiệm vụ cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016-2020 thì việc cơ cấu lại hoạt động của khối doanh nghiệp này cần theo hướng: tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh.
Vấn đề quan trọng, theo TS Cung là cần tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, Ủy ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp. Điều này mới giúp cho DNNN hoạt động độc lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, và Nhà nước chỉ quản lý, có cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ.
Liên quan tới việc quản trị điều hành, để phát huy tối đa lợi thế của các DNNN, một số chuyên gia cũng góp ý kiến là cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động điều hành tại các DNNN, trong đó gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu. Thực tế, người đứng đầu doanh nghiệp khi nắm quyền lực trong tay thường có xu hướng "tham nhũng" trục lợi cá nhân hay tạo ra các "nhóm lợi ích" thao túng, lũng đoạn doanh nghiệp đó nếu không có cơ chế giám sát, theo dõi, kiểm tra và chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các cá nhân, tập thể làm sai.