Nam Cực đang trở thành nơi nóng lên nhanh nhất trên hành tinh

Nam Cực được coi là nơi lạnh nhất trên Trái đất, tuy nhiên nhiệt độ tại đây đang tăng nhanh do biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu khiến 'tuyết xanh' bao phủ Nam CựcGấu Bắc Cực có nguy cơ biến mất vì băng tan quá nhanhNam Cực - Mục tiêu cạnh tranh không chỉ giữa Australia và Trung Quốc

Một nghiên cứu được công bố ngày 29/6 trên tạp chí Biến đổi khí hậu tự nhiên cho biết, trong 30 năm qua, Nam Cực đang ấm lên nhanh gấp 3 lần tốc độ trung bình toàn cầu trong ba thập kỷ qua. So sánh với dữ liệu thu thập từ 20 trạm khí tượng trên khắp Nam Cực, tốc độ ấm lên tại điểm cực Nam cao hơn gấp 7 lần mức trung bình của lục địa.

Một tảng băng trôi nổi trên mặt nước gần Vịnh Fournier, Nam Cực. (Ảnh: Reuters)

Trong thế kỷ 20, nhiệt độ nóng lên được ghi nhận trên khắp Tây Nam Cực và Bán đảo Nam Cực, còn nhiệt độ tại Nam Cực lại giảm xuống. Điều này đã khiến nhiều người cho rằng Nam Cực có thể "miễn dịch" trước tình trạng ấm lên. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất này đã cho thấy điều ngược lại.

Tác giả chính của nghiên cứu Kyle Clem từ Đại học Victoria Wellington của New Zealand cho biết: "Trước đây nhiều người nghĩ rằng Nam Cực bị cô lập khỏi vấn đề nhiệt độ toàn cầu tăng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng khu vực này lại là một trong những nơi nóng lên nhanh nhất trên hành tinh".

"Điều này nhấn mạnh rằng sự nóng lên toàn cầu đang tiến đến những nơi xa xôi nhất", ông Clem nhấn mạnh.

Băng tại Nam Cực. (Ảnh: AFP)

Ông Clem và nhóm nghiên cứu tại New Zealand, Anh và Mỹ đã đưa ra kết luận trên sau phân tích dữ liệu tổng hợp về thời tiết trong 60 năm qua, kết hợp với các mô hình dựng bằng máy vi tính. Họ phát hiện ra rằng từ năm 1989 đến 2018, Nam Cực đã ấm lên khoảng 1,8 độ C. Trong 30 năm qua, tốc độ ấm lên của Nam Cực là 0,6 độ C mỗi thập kỷ, gấp ba lần mức trung bình toàn cầu.

Sự nóng lên ở Nam Cực có liên quan một phần với sự gia tăng nhiệt độ tự nhiên ở vùng biển nhiệt đới phía tây Thái Bình Dương. Các xoáy nước ở vùng biển Weddell, ngoài khơi bán đảo Nam Cực đã hút nước ấm xuống phía Nam, khiến băng tan chảy. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ đóng góp một phần vào quá trình tăng nhiệt. Phần còn lại là do hoạt động của con người như khí thải nhà kính và ô nhiễm carbon dẫn tới biến đổi khí hậu.

Các nhà nghiên cứu đang theo dõi chặt chẽ sự thay đổi nhiệt độ của các lục địa giữa những lo ngại rằng băng tan sẽ dẫn đến mực nước biển cao hơn trên toàn thế giới.

Một tảng băng trôi ngoài khơi bán đảo phía Tây Nam Cực. (Ảnh: Steven Kazlowski/Barcroft Media)

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, băng ở Nam Cực chứa đủ nước để tăng mực nước biển toàn cầu lên gần 60m. Vào tháng 3/2020, các nhà khoa học khí hậu đã ghi lại đợt nắng nóng đầu tiên tại một cơ sở nghiên cứu ở Đông Nam Cực. Vào tháng 2, nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở Nam Cực là 18,3 độ C được đo tại trạm nghiên cứu Esperanza của Argentina.

Băng tan trong khu vực cũng đang xảy ra với tốc độ đáng báo động trong vài thập kỷ qua. Trong 22 năm qua, một trong những sông băng khổng lồ ở Đông Nam Cực đã rút ngắn gần 5km.

Các nhà nghiên cứu lý giải, một hiện tượng khí hậu được gọi là Dao động Thái Bình Dương liên thập kỷ (IPO), chi phối nhiệt độ đại dương ở Thái Bình Dương, đã chuyển từ giai đoạn tích cực sang giai đoạn tiêu cực vào đầu thế kỷ 21. Điều đó làm ấm vùng nhiệt đới phía tây Thái Bình Dương và gây ra những cơn bão dữ dội hơn.

Mặc dù những thay đổi rõ ràng đã được quan sát thấy tại khu vực ven biển Nam Cực, lớp băng nằm sâu trong lục địa vẫn chưa có nguy cơ tan chảy cao, theo nhóm nghiên cứu.

"Nhiệt độ tại đó vẫn rất lạnh! Sự tăng nhiệt cho tới nay vẫn chưa đủ để gây ra bất kỳ tổn thất hàng loạt nào trong nội địa Nam Cực", nhà khí hậu học Julienne Stroeve từ Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ ở Boulder, Colorado cho hay.

Nam Cực nằm trên một cao nguyên băng cao hơn 2.400 m so với mực nước biển thường có mức nhiệt dao động từ -50 đến -20°C.

Quang Huy
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường