Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng giải trình việc tăng giá bán lẻ điện bình quân là 8,36% áp dụng từ ngày 20/3/2019.
Theo cơ quan này, nhiều yếu tố đầu vào tăng cao đã làm chi phí mua điện tăng thêm khoảng 20.000 tỉ đồng gồm: Giá than bán cho điện làm chi phí mua điện tăng hơn 7.330 tỉ đồng, giá khí và dầu tăng là chi phí mua điện tăng gần 7.390 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tỷ giá và chênh lệch tỷ giá ngoại tệ trong các hợp đồng mua bán điện sẽ khiến chi phí mua điện cũng tăng khoảng 5.050 tỉ đồng...
Trong đợt tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% vừa qua, Bộ Công Thương cho biết, chưa tính phần chênh lệch tỷ giá mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện với con số hơn 3.260 tỉ đồng. Do đó, nếu tính đủ chênh lệch tỷ giá mua bán điện hơn 7.090 tỉ đồng thì giá bán lẻ điện bình quân 2019 sẽ khoảng 1.879,9 đồng/kWh, tức tăng 9,26%.
Ảnh minh hoạ. |
Trước những ý kiến trái chiều về biểu giá điện bậc thang có sự bất cập, Bộ Công Thương cho rằng nhiều nước trên thế giới áp dụng biểu giá điện này. Trước khi thực hiện, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến rộng rãi và phương án giá điện bậc thang hiện nay vẫn là phương án được nhiều người chấp nhận hơn cả. Cụ thể, theo báo cáo, năm 2018, số hộ sử dụng điện ở mức 100 kWh mỗi tháng trở xuống là trên 9 triệu hộ, chiếm 35%. Do đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (0-50 số) và bậc 2 (từ 51-100 số) được tính toán chỉ bằng 90% và 93% so với mức giá bán lẻ điện bình quân. Tuy nhiên, tới đây Bộ sẽ thiết kế lại biểu giá để giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ.
Liên quan tới việc kiểm tra thực hiện quyết định tăng giá điện, Bộ Công Thương khẳng định công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện trong tháng thay đổi giá, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện... được các đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), quy định của Chính phủ.