NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhằm tiếp tục triển khai Chỉ thị 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017 của NHNN Việt Nam về tăng cường, phòng chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần vào ổn định tiền tệ, tài chính, NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các NHTM tổ chức tốt hoạt động thanh toán, hoạt động của máy ATM… đảm bảo vận hành thông suốt và an ninh an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh toán, nhu cầu tiền mặt để chi tiêu của người dân và doanh nghiệp trong dịp tết để đảm bảo lưu thông hàng hóa - tiền tệ trên địa bàn.
Ngân hàng khuyến cáo không nên giao dịch nhiều lần khi hệ thống báo lỗi. (Ảnh. P.Y) |
Tránh giao dịch nhiều lần khi hệ thống báo lỗi
Theo NHNN, giai đoạn gần tết là thời điểm người lao động có tiền lương, tiền thưởng tết rất nhiều nên nhu cầu rút tiền tại các điểm ATM cũng tăng cao. Ngay cả hoạt động thanh toán, chuyển khoản cho người thân trong dịp tết cũng tăng mạnh. Vì vậy, việc cẩn thận khi giao dịch thẻ, online trong thời điểm này rất cần thiết, tuyệt đối không được để lộ mật khẩu và thông tin cá nhân trong giao dịch với ngân hàng cho người khác.
Mặt khác, do hoạt động rút tiền tăng mạnh nên hệ thống giao dịch của các ngân hàng cũng thỉnh thoảng bị tắc nghẽn và lỗi hệ thống. Vì vậy, nhiều khách hàng cũng bị mất tiền oan dù hệ thống ngân hàng báo lỗi giao dịch, không thực hiện được. Chị Ngọc Hương, ngụ tại quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Cuối tuần qua, khi tôi thanh toán tiền bằng thẻ tại siêu thị Emart, ngân hàng Vietcombank báo lỗi không giao dịch được nên nhân viên phải thực hiện thanh toán lần hai. Tin nhắn tiền bị trừ cũng được ngân hàng gửi một lần duy nhất cho giao dịch đó. Ngày hôm sau, khi kiểm tra lại tài khoản, tôi mới phát hiện mình bị trừ tiền hai lần, dù giao dịch đầu tiên bị lỗi và không có tin báo nào. Tôi đã báo siêu thị để họ biết làm thủ tục hoàn tiền và ngân hàng báo trong vài ngày tiền mới về tài khoản”.
Nhiều ngân hàng cho biết, nếu bị lỗi giao dịch, khách hàng nên thường xuyên kiểm tra lại tài khoản để biết có bị trừ tiền bất thường hay không. Ngoài ra, không nên giao dịch online và cuối tuần, đặc biệt là khác hệ thống và qua các giao dịch trung gian vì thời điểm này, hệ thống giao dịch của một số ngân hàng không làm việc, lệnh giao dịch sẽ chờ đến ngày thứ 2 mới thực hiện.
Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Trước đó, một số các NHTM cũng đã gửi mail đến từng khách hàng cảnh báo khi giao dịch online trong dịp Tết. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng dán niêm yết các bảng hiệu ở nơi dễ nhận diện cho khách hàng đến giao dịch tiền mặt tại quầy cảnh giác với các thủ đoạn và hành vi lừa đảo. Đặc biệt, người dân không nên rút tiền hộ người khác ở các cây ATM, không nên đổi tiền trong cabin ATM nếu có đối tượng nghi vấn đề nghị những giao dịch tiền mặt bất thường.
Theo thông báo mới đây của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) gửi đến khách hàng qua thư điện tử, ngân hàng cũng cảnh báo thời điểm cận tết các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Một số hình thức lấy cắp thông tin phổ biến như đối tượng lừa đảo mạo danh là người thân và thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng. Đối tượng gửi cho khách hàng đường link giả mạo và yêu cầu xác nhận thông tin. Khách hàng truy cập vào link giả mạo và cung cấp cho đối tượng các thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) hoặc các thông tin về thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, mã số bảo mật của thẻ, mã OTP) khi đó sẽ bị chiếm tài khoản.
Ngoài ra, kẻ lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ. Chúng lừa đảo lập website/fanpage trên mạng xã hội để mạo danh ngân hàng. Các website/fanpage này thường sử dụng logo, hình ảnh và các bài viết được sao chép từ website/fanpage chính thức của ngân hàng. Những kẻ lừa đảo sẽ tiếp cận khách hàng để tư vấn các sản phẩm vay với điều kiện và lãi suất ưu đãi hơn so với sản phẩm ngân hàng đang cung cấp. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, công việc, thu nhập… để phục vụ mục đích gian lận hoặc hướng khách hàng sang các dịch vụ tín dụng đen.
Riêng đối với khách hàng đang sử dụng ví điện tử (Zalo, MoMo, Payoo...), những kẻ lừa đảo sẽ mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ với khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ. Sau đó, đối tượng sẽ lừa khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như là một bước yêu cầu để khắc phục lỗi dịch vụ.
Các ngân hàng cho biết, không bao giờ ngân hàng gửi đường dẫn (link) hoặc liên hệ khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Do đó, nếu có các yêu cầu cung cấp thông tin đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.
Các biện pháp đề phòng mất tiền oan
Dùng mật khẩu bằng sinh trắc học khi giao dịch online là an toàn nhất hiện nay. |
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, khuyến nghị khách hàng nên giữ bí mật các dịch vụ ngân hàng điện tử như mã Pin, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân và không cho bất cứ ai và bằng bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp…). Ngoài ra, việc sử dụng mật khẩu bằng xác thực qua sinh trắc học như nhận diện vân tay hoặc khuôn mặt để hoàn tất giao dịch sẽ an toàn hơn, thay vì dùng mã PIN hoặc mật khẩu như hiện nay.
Đối với tin nhắn mượn tiền và nhờ chuyển tiền từ người thân, các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo nên gọi điện lại cho họ để xác thực trước khi chuyển. Ngoài ra, chỉ nên thực hiện giao dịch tại website uy tín, có độ bảo mật cao và kiểm tra kỹ tên miền website trước khi gõ các thông tin bảo mật; cập nhật các phần mềm bảo mật và ứng dụng ngân hàng mới nhất, nên đăng xuất khỏi tài khoản ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena chia sẻ thêm, nếu phát sinh tình trạng lộ thông tin tài khoản do lỗi từ phía ngân hàng, khách hàng hoàn toàn có thể khởi kiện để đòi bồi thường.