Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gửi đơn kêu cứu Thủ tướng. |
Tranh nhau khai hải quan lúc nửa đêm
Chiều 16/4, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) tiếp tục có đơn lần thứ 3 gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hạn ngạch xuất 400.000 tấn gạo trong tháng 4.
Theo đơn "cầu cứu" này, hiện nay có khoảng 300.000 tấn gạo đang nằm tại cảng chờ xuất khẩu và ngành lúa gạo Việt Nam mỗi ngày lại mất khoảng 50 tỉ đồng (trước đó, từ ngày 24/3 đến ngày 11/4, ngành lúa gạo bị thiệt hại khoảng 600 tỉ đồng); chưa kể nguy cơ chậm xuất khẩu, chất lượng gạo xuống cấp sẽ bị đối tác nước ngoài đòi phạt hợp đồng sau này...).
Do đó, Công ty Trung An kiến nghị Thủ tướng ra chỉ thị để Bộ Tài chính thi hành ngay theo chỉ đạo của văn bản 2827 của Thủ tướng về xuất khẩu gạo ngày 10/4. Cụ thể, cho thông quan xuất khẩu ngay khoảng 300.000 tấn gạo đang nằm chờ tại cảng từ ngày 24/3 đến nay, trong hạn ngạch 400.000 tấn tháng 4/2020 như báo cáo nhanh của Hiệp hội lương thực Việt Nam. Kèm theo văn bản gửi Thủ tướng, Công ty Trung An cũng đưa ra thư yêu cầu trả tiền cọc và bồi thường hợp đồng của khách hàng, lên tới hàng trăm nghìn USD.
Công ty này cho rằng những việc làm của Tổng cục Hải quan và các trả lời, công văn của các bộ đưa ra chỉ là những thủ thuật kéo dài, tiếp tục gây thiệt hại đến ngành lúa gạo Việt Nam, gây thất thoát tiền của quốc gia, trong khi tính pháp lý để cho thông quan 400.000 tấn gạo đã đầy đủ.
Trước đó, trong hai ngày liên tiếp (13 và 14/4) ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An, đã gửi liên tiếp hai văn bản "cầu cứu" đến Thủ tướng và các Bộ ngành liên quan vì cho rằng hải quan mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai từ 0 giờ đến 3 giờ ngày 12/4 là không minh bạch. Công ty này đã không thể "chen chân" để làm tờ khai điện tử xuất khẩu gạo đợt này.
Trong tình cảnh nhiều doanh nghiệp tranh nhau nộp tờ khai điện tử xuất khẩu gạo, lãnh đạo Công ty cổ phần Lương thực Bình Định (Bidifood) cũng bức xúc khi cả 2 lần mở tờ khai xuất khẩu 9.700 tấn gạo tại cảng Mỹ Thới, trị giá trên 4,3 triệu USD đều thất bại do ngày 24/3 Hải quan tạm ngừng việc đăng ký tiếp nhận thông quan với các lô hàng gạo xuất khẩu.
Đến ngày 11/4, khi Tổng cục Hải quan đã mở hệ thống VNACCF, Bidifood đã đăng ký thành công 2 tờ khai xuất khẩu lô gạo trên (tờ khai số 303150556500 và tờ khai số 303150558710 tại Hải quan cảng Mỹ Thới) và đã được phân luồng. Nhưng đến 14h ngày 13/4, Hải quan cảng Mỹ Thới thông báo 2 tờ khai gốc của Bidifood không tồn tại trên hệ thống hải quan, khiến lô gạo bị mắc kẹt tại cảng 25 ngày qua. Do đó, doanh nghiệp này bị thiệt hại nặng do phải chi phí tới 200 triệu đồng/ngày, gồm tiền bồi thường 5.000 USD/ngày cho 2 tàu, bồi thường cho 21 sà lan vận chuyển 30 triệu đồng/ngày... Chưa kể hàng hóa có nguy cơ bị hư hỏng nhiều. Nhiều chủ sà lan đã kêu cứu, chủ tàu cũng muốn trả hàng lại và bỏ đi vì thua lỗ nặng.
Bidifood chỉ là một trong số 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH Angimex-Kitoku và Công ty cổ phần Quốc tế Gia) có 7 tờ khai xuất khẩu gạo bị xoá hỏi hệ thống hải quan điện tử mà không rõ lý do. Và tại cảng Mỹ Thới hiện có gần 85.000 tấn gạo của các doanh nghiệp đã đóng vào container, xếp lên sà lan chờ sẵn từ ngày 23/3 đến nay mà xuất đi được.
Trong những ngày tới, có gần 70.000 tấn gạo của 14 doanh nghiệp sẽ được làm thủ tục thông quan sau các doanh nghiệp phải tranh nhau để làm tờ khai hải quan điện tử lúc nửa đêm
Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ bất thường
Liên quan tới việc đăng kí tờ khai hải quan điện tử, ngày 15/4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã có kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành phản ánh nhiều bất thường trong khai báo hải quan đối với hạn ngạch 400.000 tấn gạo. VFA đề nghị hủy toàn bộ tờ khai đã được truyền của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện việc khai "khống" số lượng, khai "khống" số container và số seal, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa.
VFA kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ngay lập tức cần áp dụng biện pháp chế tài đối với các thương nhân đã truyền tờ khai nhưng không xuất trình đúng, đủ số lượng hàng hóa, số container và số seal của container hàng đã đóng xong như đã khai báo.
Theo VFA, các thương nhân kiến nghị, trước hết, giải tỏa toàn bộ lượng gạo hàng hóa đã sẵn sàng tại các cảng, như: cho phép thương nhân khai tiếp những đơn hàng còn đang khai dở dang và cho thông quan hết toàn bộ số lượng gạo hàng hóa đã nằm trên cảng trong thời gian sớm nhất có thể (số lượng thực tế ước không vượt quá 300.000 tấn).
Ngoài ra, Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng kiến nghị Tổng cục Hải quan phải công khai minh bạch về thời gian mở hệ thống cho khai hải quan, có văn bản triển khai cụ thể để Cục Hải quan địa phương, Chi cục Hải quan cửa khẩu và thương nhân biết để thực hiện.
Bộ Công thương cũng gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính công bố công khai danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo tháng 4 sau khi nhiều doanh nghiệp "tố" những bất thường, gian lận làm thủ tục khải quan lên Bộ.
Trước những phản ánh về việc đăng kí tờ khai hải quan điện tử và thiếu minh bạch thông tin, ngày 15/4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2969/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 04/2020. Bộ phải nêu cụ thể vể quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống.
Báo cáo việc mua dự trữ lương thực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 140/VPCP-KTTH ngày 03/04/2020 và văn bản số 2827 ngày 10/04/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo việc triển khai văn bản 2827 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hai Bộ này có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng các nội dung trên trước ngày 18/4.