Nghệ An: Ẩn họa tai nạn lao động tại nhiều mỏ khai thác đá

Hơn 20 mỏ đá trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang bị các chủ mỏ xem nhẹ vấn đề an toàn lao động, khiến tính mạng của nhiều công nhân bị đe dọa. Bên cạnh đó, nhiều sai phạm khác vẫn đang tồn tại.

Đụng đâu sai phạm đó…

Mới đây, Sở Xây dựng Nghệ An đã thành lập tổ công tác liên ngành và đại diện chính quyền các huyện, thị xã, kiểm tra việc chấp hành thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công, việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định về an toàn, vệ sinh lao động và các vi phạm pháp luật về lao động đối với hoạt động khai thác tại các mỏ đá xây dựng.

Theo đó, 4 địa phương được kiểm tra, gồm các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai với tổng số 25 mỏ khai thác đá xây dựng. Kết quả cho thấy, trong số 25 mỏ đá xây dựng được đoàn liên ngành kiểm tra thì có 3 mỏ chưa hoạt động hoặc đã tạm dừng, còn các mỏ đang hoạt động khai thác đá xây dựng đều có sai phạm.

nghe an an hoa tai nan lao dong tai nhieu mo khai thac da
Công ty CP Xây dựng Văn Sơn vừa bị xử phạt 60 triệu đồng vì khai thác đá sai thiết kế được phê duyệt.

Cụ thể, có 3/25 đơn vị vi phạm pháp luật về An toàn vệ sinh lao động, gồm: Công ty CP XD & TM Chính Phong – Lèn Voi (xã Nam Thành, huyện Yên Thành); Tổng Công ty 36 – Lèn Trốt (xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu); Công ty CP TM & XD Bình An – Lèn Thùng Buồng (xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu).

Có 2/25 đơn vị vi phạm các quy định về pháp luật lao động. Cụ thể: Công ty CP Cao Nguyên – Mỏ đá (thôn Nhân Tiến, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn) vi phạm về hành vi “Không kiểm định định kỳ máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động”; Công ty CP Xây dựng Phả Ngọc Nghệ An – Mỏ đá Khe Ổi (xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương) vi phạm về hành vi “Không thực hiện ngay những biện pháp khắc phục hoặc ngừng hoạt động của máy, thiết bị, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động”.

nghe an an hoa tai nan lao dong tai nhieu mo khai thac da
Mỏ đá lèn Thùng Buồng tại xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) của Công ty An Bình khai thác đá vượt quá độ sâu cho phép.

Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã phát hiện 17/25 đơn vị “Không tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động; thực hiện không đúng trình tự khai khác và hệ thống khai thác xác định thiết kế mỏ được phê duyệt, gồm: Công ty CP 495 – Mỏ đá lèn Đồng Chương (huyện Anh Sơn); Công ty CP XD và TM Hoàng Long – Mỏ đá Lèn Muội (huyện Đô Lương); Công ty TNHH Nguyễn Bá Lương – Mỏ đá Lèn Khùa (huyện Đô Lương); Công ty TNHH Toản Thành – Mỏ đá Lèn 12 Thung (xã Trù Sơn, huyện Đô Lương); Công ty CP Vật liệu 99 – Mỏ đá Lèn 12 Thung (xã Trù Sơn, huyện Đô Lương); Công ty TNHH XD Nam Thành – Mỏ đá Lèn Voi (xã Trung Thành và Nam Thành, huyện Yên Thành); Công ty CP 369 – Mỏ đá Lèn Cò (xã Đồng Thành, huyện Yên Thành)…

Trước các sai phạm trên, tổ kiểm tra liên ngành đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với các hành vi: “Vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động”, “Thực hiện khai thác mỏ không đúng quy trình tự khai thác và hệ thống khai thác xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt” đối với 22/25 mỏ đá được kiểm tra. Đồng thời, chuyển hồ sơ cho UBND các huyện, thị xã có đơn vị vi phạm để xử phạt.

Ngoài ra, tổ kiểm tra liên ngành cũng yêu cầu các đơn vị tạm ngừng hoạt động khai thác để khắc phục ngay các nơi làm việc có nguy cơ mất an toàn lao động. Yêu cầu khắc phục các tồn tại trong việc thực hiện các thủ tục hồ sơ pháp lý, thực hiện quy trình, quy phạm khai thác mỏ, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, an toàn lao động.

Chủ mỏ coi thường tính mạng công nhân

Hàng năm, sau các đợt kiểm tra, hầu hết các mỏ khai thác đá xây dựng đều có vi phạm, trong đó, lỗi vi phạm mất an toàn vệ sinh lao động, khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt chiếm đa số…

Theo quy định sau khi lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, các mỏ đá phải thực hiện các biện pháp khắc phục sai phạm, sau đó phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận đã hoàn thành khắc phục sai phạm mới được tiếp tục khai thác.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động từ các mỏ khai thác đá hiện nay cho thấy, sau khi đoàn kiểm tra xử phạt vi phạm thì các mỏ đá lại tiếp tục khai thác như trước mà không khắc phục sai phạm do cơ quan chức năng chỉ ra.

nghe an an hoa tai nan lao dong tai nhieu mo khai thac da
Hầu hết các đơn vị đều vi phạm về khai thác đá sai thiết kế đã được phê duyệt.

Điển hình là mỏ đá lèn Thùng Buồng (xóm 6, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu) do Công ty CP TM & XD Bình An khai thác. Thay vì khắc phục các vi phạm nói trên, mỏ đá này vẫn tổ chức khai thác và hoạt động bình thường. Theo ghi nhận của PV, trên bãi có nhiều xe tải ra vào lấy đá, có 2 máy múc đang hoạt động ở các chân lèn đá… Cạnh đó là một ao nước khổng lồ có diện tích hàng chục ngàn m2, nằm sâu dưới lòng đất, chưa được san lấp!

Theo tìm hiểu của PV, mỏ đá này vừa bị xử phạt 22 triệu đồng do vi phạm “Không tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn loa động trong khai thác và chế biến đá”, “Không kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc”. Đặc biệt, tại mỏ đá này Công ty CP TM & XD Bình An đã tổ chức khai thác đá khoét sâu xuống lòng đất hàng chục mét, vượt cốt khai thác cho phép…

Tương tự, tại lèn Trụ Hải, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, nơi hai doanh nghiệp khai thác đá đang hoạt động lâu năm (Công ty CP Trường Thịnh và Công ty CP XD Văn Sơn). Mới đây, hai công ty này đều đã bị UBND huyện Quỳnh Lưu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mỗi đơn vị 60 triệu đồng, do “Thực hiện khai thác không đúng trình tự khai thác và hệ thống khai thác xác định trong thiết kế mỏ được duyệt”. Tại thời điểm PV có mặt, 2 doanh nghiệp này vẫn cho khai thác đá bằng cách khoan, nổ mìn ở chân lèn thay vì khai thác theo phương pháp cắt từ ngọn xuống.

Trao đổi với PV, ông Đào Xuân Sơn – Trưởng phòng TNMT huyện Quỳnh Lưu, cho biết: “Hiện nay, các đơn vị vẫn đang trong quá trình khắc phục sai phạm. Sau thời điểm trên, UBND huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra công tác khắc phục sai phạm của các đơn vị để báo cáo UBND tỉnh và các ngành liên quan”.

Điều đáng nói, những năm gần đây trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm nhiều người thương vong. Nguyên chủ yếu vẫn là công tác khai thác đá của các đơn vị chưa tuân thủ trình tự khai thác theo thiết kế đã được phê duyệt. Điển hình, ngày 16/12/2017, xảy ra vụ tai nạn lao động tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, khiến 3 công nhân tử vong. Trước đó, ngày 16/10/2016, một vụ sập mỏ đá khác tại xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp cũng khiến cho 3 công nhân tử vong.

Có thể thấy vấn đề an toàn lao động tại các mỏ đá trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang bị các chủ mỏ hết sức xem nhẹ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn về tai nạn lao động nếu như không có chế tài xử lý mạnh tay của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An.

Hồ Văn

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường