Mực nước các hồ đập ở Nghệ An xuống thấp do nắng nóng. |
Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, do từ đầu năm đến nay, lượng mưa trung bình ít hơn so với cùng kỳ tới 50-150mm; trong lúc nắng nóng khốc liệt, nền nhiệt luôn ở mức 37-39°C; có hôm lên đến 40-42°C kéo dài trong nhiều ngày qua, suốt từ tháng 5 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại đã khiến việc gieo cấy lúa và cây trồng khác ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An không đạt kế hoạch đề ra.
Huyện Nghi Lộc hiện có 5 trạm bơm, 8 hồ chứa, 2 cống ngăn mặn giữ ngọt, phục vụ tưới gần 2.860ha lúa/vụ, do Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Nam Nghệ An quản lý. Mặc dù thường xuyên được nạo vét, nhưng do được xây dựng từ lâu, mực nước hạ thấp nên hiện nhiều công trình không thể tiếp tục cung cấp đủ nước tưới phục vụ sản xuất.
Nguồn nước cạn kiệt. |
Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc cho biết, nắng hạn kéo dài khiến gần 1.000ha đất lúa không thể sản xuất, 2.600ha lúa đã gieo trồng nhưng bị hạn, trong đó hạn nặng 700 ha. Ngoài ra, nhiều diện tích cây trông khác bị hư hại nặng, trong đó có gần dưa hấu 60ha, dưa lê gần 20ha.
Tình hình khô hạn cũng khiến nước trên sông Cấm chảy qua nhiều xã của huyện Nghi Lộc bị xâm nhập mặn, huyện này đang lên kế hoạch đắp sông Cấm tại điểm cầu N5 (xã Nghi Thuận) để tăng mực nước sông và ngăn xâm nhập mặn. Trước nguy cơ có thể mất trắng vụ hè - thu, người dân đã tranh thủ nguồn nước ngọt khiêm tốn còn sót lại trên các kênh, rạch, tích cực bơm nước ngày đêm với hy vọng cứu lúa được phần nào hay phần đó.
Trạm bơm Hưng Xá (huyện Hưng Nguyên) cạn trơ đáy. |
Tại huyện Hưng Nguyên, theo phòng Nông nghiệp & PTNT huyện này, do nắng nóng khốc liệt, kéo dài hơn một tháng nay, đã khiến cho hệ thống nước trên sông Hoàng Cần, Kẻ Gai, kênh Lê Xuân Đào… đều cạn kiệt, 80% số máy bơm trên hệ thống thủy lợi này không thể hoạt động nên đã khiến 1.000ha lúa ở các xã Hưng Phúc, Hưng Tây, Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam… bị hạn nặng.
Huyện Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn được xem là thủ phủ cam Vinh của tỉnh Nghệ An. Nơi được biết đến là nguồn cung cấp cam dồi dào với cánh đồng trải dài hàng nghìn ha. Tuy nhiên, 2 tháng qua, nông dân nơi đây đang gồng mình chống nắng nóng, cứu những gốc cây, trái quả đang bị thiêu cháy gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân nơi đây.
Nhiều diện tích lúa bị thiếu nước trầm trọng. |
Ông Quán Vi Giang - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quỳ Hợp cho biết, trong số hơn 2.000 ha cam thì có khoảng 1.500 ha bị héo. Khoảng 500 ha do bà con đầu tư tưới công nghệ nhỏ giọt, khoan giếng lấy nước tưới tại chỗ nên mức độ héo ít hơn.
Trong đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục này, ngoài ruộng đồng khô hạn, hồ đập cạn nước, nhiều loại cây trồng chết cháy thì đời sống của người dân bị đảo lộn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra trầm trọng, nhất là một số xã của các huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông.
Ruộng đồng nứt toác, lúa héo khô. |
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, tỉnh này có hơn 1.000 hồ đập, 615 trạm bơm và 5.950km kênh mương. Trong đó, doanh nghiệp quản lý 96 hồ và địa phương quản lý 965 hồ. Tính đến nay, trong 96 hồ do doanh nghiệp quản lý chỉ có ít hồ đầy nước. Số lượng hồ chứa có dung tích nước từ 50% - trên 70% còn rất ít, số hồ còn lượng nước dưới 50% dung tích thiết kế là 39 hồ. Trong khi đó, 965 hồ chứa nhỏ do xã và hợp tác xã quản lý đều chỉ đạt dưới 50% - 65% dung tích thiết kế. Trong ít ngày tới, nếu thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng, không có mưa thì tình hình an ninh nguồn nước sẽ rất căng thẳng.
Diện tích ngô tại xã Trung Phúc Cường (huyện Nam Đàn) chết khô. |
Chiều ngày 13/7/2020, ông Nguyễn Trường Thành – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, cho hay, căn cứ vào các quy định của Nhà nước, theo đề nghị của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nghệ An, sáng ngày 13/7/2020 Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nghệ An đã chính thức ký văn bản xác nhận thiên tai do nắng nóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An; thời gian từ ngày 6 - 30/6.
Hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng. |
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nghệ An đã phải ra văn bản xác nhận thiên tai do nắng nóng. |
Theo đó, tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã; các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ, Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 5/6/2017 của UBND tỉnh Nghệ An, Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 19/2/2019 của UBND tỉnh Nghệ An và các chính sách hỗ trợ hiện hành khác của Nhà nước, tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, trích dự phòng ngân sách của cấp huyện để khôi phục sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Tinh Nghệ An đang đối mặt với đợt nắng nóng kéo dài làm đảo lộn cuộc sống của người dân. |
Đồng thời, UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị các địa phương rà soát, thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra, báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để tham mưu UBND tỉnh Nghệ An có chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại theo quy định hiện hành.