Nghệ nhân Nguyễn Danh Tú – Người mang “làn gió mới” đến làng gốm Bát Tràng

Với tôi, sự đam mê và tinh thần cống hiến cho nghề gốm truyền thống không thể đong đếm bằng tiền". Đó là câu nói được thốt lên từ đáy lòng của nghệ nhân Nguyễn Danh Tú - người được giới mê gốm gọi bằng cái tên thân mật "Tú Đèn".
Chu Đậu - Huyền bí dòng gốm cổThực trạng ở Việt Nam, kinh nghiệm QT trong xác định chi phí DV thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSHChiêm ngưỡng bộ ấm trà men Thiên Mục ở làng gốm Bát Tràng

Đến với Xưởng gốm Tú Thu trong một buổi chiều mùa đông, cơn gió Đông Bắc khẽ len qua từng lớp áo, ngấm vào tay người nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đang miệt mài cùng chiếc bàn xoay và tảng đất sét mịn trắng. Cái lạnh cắt da ấy chẳng thể thổi tắt được ngọn lửa mà anh Tú Đèn đang nung nấu, đó là đưa những sản phẩm gốm Bát Tràng nói riêng và gốm Việt Nam nói chung vươn tầm Thế giới.

Nhấp một ngụm trà shan tuyết cổ, nghệ nhân Nguyễn Danh Tú đưa ánh mắt về những chiếc bình gốm với đủ loại sắc màu, hình dáng. Cái nhìn đắm đuối như muốn xuyên qua từng lớp men, từng thớ đất để có thể ôm trọn vẻ đẹp của những tác phẩm tự tay mình tạo nên, giống như cách mà những cặp đôi đang yêu nhau nhìn vào mắt nhau trước khi trao một nụ hôn cháy bỏng.

Nghệ nhân Nguyễn Danh Tú – Người mang “làn gió mới” đến làng gốm Bát Tràng - Ảnh 1
Nghệ nhân Nguyễn Danh Tú.

"Nghề gốm vất vả, cặm cụi quanh năm, phải yêu, phải đam mê, phải vững vàng lắm mới có thể làm được nghề. Nếu không yêu, không tâm huyết với nghề thì những tác phẩm mình tạo ra nó vô hồn lắm!...", nghệ nhân Tú Đèn trải lòng. Trước đây, anh vốn theo học chuyên ngành kinh tế, thế nhưng dòng máu chảy trong huyết quản luôn thôi thúc, đưa anh trở về với quê hương, với nghề gốm truyền thống.

Thành công trên lối đi riêng

Là con trai út sinh ra trong một gia đình chuyên sản xuất nguyên liệu phục vụ cho ngành gốm sứ, thế nhưng nghệ nhân Nguyễn Danh Tú lại tìm cho mình một hướng đi khác. Với thế mạnh làm chủ được nguyên liệu đầu vào cho ngành gốm, người nghệ nhân trẻ nung nấu ý định chế tạo ra dòng sản phẩm mới, khác biệt và mong phong cách riêng.

"Mình là người đi sau, nếu vẫn men theo lối mòn bằng việc làm ra những sản phẩm thông thường thì sẽ không thể có được thành tựu. Để có được dấu ấn riêng, bắt buộc phải tìm tòi, sáng tạo và trả giá rất nhiều. Tôi không thể nhớ nổi đã thất bại bao nhiêu lần, bỏ đi bao nhiêu mẻ gốm, nhưng một điều tôi luôn ghi nhớ đó là 'không bao giờ bỏ cuộc'.

Nghệ nhân Nguyễn Danh Tú – Người mang “làn gió mới” đến làng gốm Bát Tràng - Ảnh 2
Một góc trưng bày sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Danh Tú.

Có một cái gì đó luôn thôi thúc bản thân tôi rằng, hãy cứ làm đi, đúc kết kinh nghiệm đi rồi sẽ thành công, rồi sẽ được mọi người ghi nhận. Kim chỉ nam ấy cùng với sự ủng hộ của gia đình, bạn bè đã giúp tôi có được những tác phẩm mang phong cách riêng, bước đầu gặt hái được một chút thành tựu", nghệ nhân Nguyễn Danh Tú tâm sự.

Nghệ nhân Nguyễn Danh Tú – Người mang “làn gió mới” đến làng gốm Bát Tràng - Ảnh 3
Những chiếc bình hút lộc vô cùng tinh xảo.

"Một chút thành tựu" là cách nói khiêm tốn vốn có của người nghệ nhân làng gốm Bát Tràng. Dòng sản phẩm Sứ sương trong - Sứ thấu quang - Trắng trong mà nghệ nhân Nguyễn Danh Tú tạo ra đã làm nên tên tuổi Tú Đèn, vang danh khắp các làng nghề gốm Việt Nam, thậm chí còn vươn tầm quốc tế.

Các tác phẩm của anh được trưng bày trong những sự kiện lớn như: Triển lãm Hoàng thành Thăng Long năm 2016; Triển lãm 10 nghệ nhân thợ giỏi tại Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám chủ đề "Sắc gốm Bát Tràng trong lòng Hà Nội" kỷ niệm 64 năm giải phóng Thủ đô 10/10/1954-10/10/2018; Triểm lãm Festival Huế 2018 công nhận Lọ thấu quang vẽ Rồng đạt giải Vàng. Đặc biệt, nghệ nhân Nguyễn Danh Tú còn nhận được tấm bằng xác lập kỷ lục của tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho danh hiệu: "Nghệ nhân Nguyễn Danh Tú – Nghệ nhân sản xuất dòng sản phẩm đèn sứ thấu quang bằng gốm sứ Bát Tràng kích thước to nhất Việt Nam".

Ngoài dòng sản phẩm sứ sương trong tạo nên tên tuổi Tú Đèn, giới mê gốm cũng biết đến anh bởi dòng men mà anh đang theo đuổi - men Huyết dụ. Đây là dòng men vô cùng khó làm, để tìm tòi và làm chủ được dòng men Huyết dụ, người nghệ nhân trẻ đã phải đánh đổi biết bao mồ hôi, công sức, thời gian, và cả tiền bạc.

Nghệ nhân Nguyễn Danh Tú – Người mang “làn gió mới” đến làng gốm Bát Tràng - Ảnh 4
Để chế tác ra những sản phẩm này, nghệ nhân Nguyễn Danh Tú đã phải đánh đổi bằng rất nhiều thời gian, mồ hôi và tiền bạc.

"Người Trung Quốc vẫn còn lưu truyền câu thành ngữ: "Muốn phá sản, hãy làm sứ men đỏ", để nói về độ khó của dòng men quý hiếm này. Mỗi lần ra lò, màu men lên không được như ý hoặc không đạt được nhiệt độ là lại đổ bỏ. Nghe tiếng gốm vỡ, tim tôi như vỡ theo, đau xót lắm nhưng không thể bỏ cuộc giữa chừng. Sau bao lần thất bại, cuối cùng tôi cùng các cộng sự đã làm chủ dòng men Huyết dụ, có thể tùy ý cho ra màu men theo mong muốn, đây là điều không phải ai cũng có thể làm được", nghệ nhân Nguyễn Danh Tú nói và nở một nụ cười hiền hậu, pha lẫn chút tự hào.

Người nghệ nhân mang hoài bão lớn

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, nghệ nhân Nguyễn Danh Tú khẳng định vẫn kiên tâm theo đuổi và phát triển dòng sản phẩm sứ sương trong và men Huyết dụ lên một tầm cao mới, đem những tác phẩm gốm sứ đến gần hơn với người mê gốm trong và ngoài nước. Ngoài ra, anh cũng sẽ sáng tạo thêm nhiều dòng gốm sứ đặc biệt hơn nữa, điển hình là dòng sứ "Vuốt tay cao cấp".

"Tất cả các sản phẩm của dòng "Vuốt tay cao cấp" đều là "độc bản", không cái nào giống cái nào, dù hai sản phẩm giống nhau về hình dáng nhưng sẽ có sự khác biệt về kích thước. Giới mê gốm có thể tùy ý lựa chọn hoặc đặt cho mình những sản phẩm gốm sứ độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân dựa trên tính cách và sở thích của mỗi người.

Nghệ nhân Nguyễn Danh Tú – Người mang “làn gió mới” đến làng gốm Bát Tràng - Ảnh 5
Dòng sản phẩm sứ sương trong đang được rất nhiều người yêu gốm đánh giá cao.

Sản phẩm sẽ được chế tác và vẽ tay thủ công 100%, nét vẽ được sử dụng mang hình thái đặc trưng của các triều đại Đinh - Lý - Trần - Lê, hoặc được đặt vẽ theo sở thích của từng người. Chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được độ thanh đậm của từng nét vẽ thủ công trên sản phẩm bằng cách chạm tay vào nó. Bên cạnh dòng men Lam truyền thống còn có dòng men Huyết dụ với màu đỏ đầy mê hoặc và ấm áp", nghệ nhân Nguyễn Danh Tú chia sẻ thêm.

Bằng tất cả tình yêu, niềm đam mê và sự hi sinh thầm lặng của mình, nghệ nhân Nguyễn Danh Tú đã góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng gốm Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của gốm sứ đương đại, đồng thời làm phong phú thêm đời sống tinh thần của công chúng yêu nghệ thuật dân gian truyền thống tại Việt Nam nói riêng và bạn bè Quốc tế nói chung.

Tương truyền, vào thời Lý có 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp.

Khi đi đến vùng Bạch Thổ phường thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), là nơi có nguồn nguyên liệu tốt để làm đồ gốm là đất sét trắng, 5 dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng.

Hải Đăng