Sáng 28/7, tại Nhà máy sản xuất ô tô VinFast, khu công nghiệp Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) - hai "Ngôi sao mới" của ô tô thế giới 2018 - VF Lux SA 2.0 và Lux A2.0 đã chính thức được bàn giao cho khách hàng. Đây là 9 chiếc xe khởi đầu cho lô 200 xe sẽ được lần lượt bàn giao đợt 1, theo tiến độ cam kết của nhà sản xuất.
Mặc dù đã có một số lãnh đạo doanh nghiệp tuyên bố đã trở thành những người đầu tiên đặt mua xe VinFast, tuy nhiên ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hoà Bình (HBC) mới là doanh nhân đầu tiên nhận bàn giao và lái chiếc xe gầm cao Lux SA 2.0 ngay tại nhà máy.
Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình Lê Viết Hải trực tiếp cầm lái chiếc Lux SA 2.0 màu trắng. Ảnh: The Leader. |
Tập đoàn này cũng là nhà thầu lớn cho Vingroup - công ty mẹ của VinFast khi tháng 12/2018, Hòa Bình công bố thông tin trúng ba gói thầu của Vingroup trị giá gần 4.000 tỉ đồng. Nổi bật là dự án trọng điểm của Vingroup - Vincity Ocean Park tại Gia Lâm với tổng giá trị hơn 2.470 tỉ. Ngoài ra, công ty được giao thi công dự án Vincity Sportia trị giá 1.077 tỉ đồng và dự án Vinhomes Westpoint trị giá 326 tỉ đồng. Tuy nhiên, tổng thầu xây dựng nhà máy ô tô VinFast là Coteccons.
Ngay sau khi trực tiếp lái chiếc Lux SA 2.0 quanh nhà máy ở khu công nghiệp Đình Vũ, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng, ông Hải cho biết, đã đặt mua năm chiếc VinFast, trong đó, có 3 chiếc gầm cao SUV và 2 chiếc sedan.
Ví chiếc xe VinFast như chiếc xe "quốc dân", ông Hải bộc bạch: “Tôi vô cùng ngưỡng mộ VinFast, không chỉ ở tốc độ xây dựng thần tốc trong vòng 21 tháng để tạo nên “kỳ tích Việt Nam” là Nhà máy sản xuất ô tô VinFast, mà còn trong việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng rất tốt không kém gì các dòng xe hạng sang của Đức, đúng là một chiếc xe “quốc dân”.
Ông Lê Viết Hải sinh ra trong một gia đình có 11 anh chị em. Bố làm hiệu trưởng trường Bồ Đề ở Huế, mẹ kinh doanh buôn bán nhỏ. Năm ông lên 9 tuổi gia đình ông chuyển vào Sài Gòn. Tuy hoàn cảnh gia đình không dư giả là bao nhưng ông vẫn được học hành đàng hoàng, tốt nghiệp với tấm bằng Kiến trúc sư của Trường Đại học Kiến trúc. Ông đầu quân vào làm việc tại công ty quản lý nhà với công việc thiết kế thi công một số công trình nhà ở tư nhân.
Năm 1989, ông Hải thành lập và làm giám đốc Văn phòng Xây dựng Hòa Bình và nhanh chóng xây dựng được uy tín. Năm 1992, Hòa Bình hoàn thành công trình phức tạp có quy mô lớn đầu tiên là Khách sạn Riverside trên đường Tôn Đức Thắng (TP HCM). Tiếp nối là các công trình hoành tráng khác như Khách sạn International, Food Center of Sai Gon, Tecasin Business Center and Serviced Apartments…
Từ năm 2000, Văn phòng Xây dựng Hòa Bình chính thức đổi tên thành Công ty CP XD và KD địa ốc Hòa Bình.
Sự kiện cổ phần hóa công ty vào tháng 12/2000 đã mở ra cho Hòa Bình một dấu nhấn mới, phát triển kinh doanh đa ngành. Ngoài hoạt động chính trong thi công xây dựng Hòa Bình còn mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh như: tư vấn kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, trang trí nội thất, đồ mộc, sơn đá, địa ốc và kinh doanh vật liệu xây dựng. Chuyển biến này đã giúp công ty đa đạng hóa các nguồn vật liệu và gia tăng hiệu quả kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Khi thị trường bất động sản bùng nổ vào năm 2007, Hòa Bình từ một công ty chuyên về xây dựng đã bước chân vào lĩnh vực kinh doanh địa ốc khi quyết định đầu tư vào 15 dự án bất động sản lớn nhỏ. Nhưng thị trường bất động sản đảo lộn khiến Hòa Bình gặp không ít khó khăn. Năm 2009, nhận thấy những bất ổn trên thị trường Hòa bình lập tức chuyển hướng bán đi những dự án nào có thể bán được. Từ 15 dự án nay công ty chỉ còn giữ lại bốn dự án được đánh giá là có tiềm năng.
Trong những ngày tháng khó khăn đó, khi giá cổ phiếu HBC rớt thảm, ông Lê Viết Hải từng phải viết một bức tâm thư gửi cổ đông khuyên họ đừng bán cổ phiếu và kêu gọi cán bộ công nhân viên dùng tiền nhàn rỗi mua cổ phiếu HBC, hạn chế đà giảm giá đồng thời hạn chế việc thâu tóm cổ phiếu Hòa Bình từ bên ngoài.
Cho đến nay, sau gần 30 năm hoạt động, Hòa Bình đã trở thành doanh nghiệp có tổng tài sản gần 9.000 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình. |
Tuy nhiên, Hòa Bình cũng vướng phải không ít "lùm xùm" trên thị trường chứng khoán. Mới đây nhất, hồi đầu năm 2019, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) cùng 5 người liên quan của ông Hải gồm: Bà Lê Thị Cát Tường (chị gái), ông Lê Viết Hà (em trai), bà Lê Thị Anh Thư (em gái), ông Lê Viết Hưng (anh trai), bà Lê Thị Kim Thoa (chị gái).
Theo đó, ông Hải và các cá nhân liên quan bị phạt tiền 27,5 triệu đồng mỗi người vì đã có hành vi báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch. Cụ thể, ngày 7/8 đến 5/9/2018, ông Lê Viết Hải và 5 anh chị em ruột của ông nhận thừa kế 270.000 cổ phiếu HBC mỗi người nhưng chậm báo cáo kết quả giao dịch đến Sở giao dịch chứng khoán TP HCM.
Sau giao dịch, ông Lê Viết Hải sở hữu hơn 34 triệu cổ phiếu, tương đương 17,6% vốn điều lệ của Xây dựng Hoà Bình. Hiện, ông Hải là cổ đông lớn nhất của công ty.
Trước đó, tháng 9/2018, UBCKNN ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phương Công Thắng, thành viên HĐQT Hòa Bình. Cụ thể, ông Thắng bị phạt tiền 22,5 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn về việc đã mua 567.350 cổ phiếu HBC. Giao dịch đã thực hiện từ ngày 6 - 26/10/2017 nhưng đến ngày 6/11/2017, ông Thắng mới báo cáo về kết quả giao dịch với Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).
Giá cổ phiếu HBC năm 2018 diễn biến tiêu cực, giảm 61% giá trị trong năm. Hiện, cổ phiếu giao dịch lình xình quanh vùng giá 16.000 đồng/cp, đây là vùng giá thấp nhất của HBC hai năm trở lại đây.
Chiếc SUV do ông Lê Viết Hải cầm lái có động cơ 2.0L, I-4, DOHC, tăng áp, phun nhiên liệu trực tiếp cho công suất tối đa 228 mã lực, mô-men xoắn cực đại 350 Nm. Còn chiếc sedan 5 chỗ Lux A 2.0 sử dụng động cơ I-4 DOHC 2.0L, công suất tối đa 174 mã lực, mô-men xoắn cực đại 300 Nm ở bản tiêu chuẩn, và 228 mã lực, 350Nm ở bản cao cấp. Các lãnh đạo doanh nghiệp nhận xe sáng nay tại nhà máy VinFast cùng với ông Hải còn có ông Trương Toàn Chân, Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Gia Định và ông Nguyễn Đình Hiếu, Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh vật tư thiết bị và vận tải Gia Nguyễn. Trước đó, sau khi VinFast công bố nhận đặt xe, một số doanh nhân đã nhanh chóng lên tiếng hưởng ứng. Trong đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI còn nói rằng phải "cậy cục" để trở thành người đầu tiên đặt mua xe VinFast, và công ty ông Hưng đặt mua năm xe. Ông Nguyễn Văn Dũng, sáng lập Luxstay - công ty cung cấp nền tảng công nghệ cho kinh doanh homestay và người vừa có màn gọi vốn kỷ lục 6 triệu USD trên Shark Tank Vietnam, cũng cho biết đã đặt mua 32 chiếc VinFast. Chiếc Lux A2.0 hiện có giá 990 triệu đồng và Lux SA 2.0 là 1,415 tỷ đồng. Theo lộ trình được VinFast công bố trước đây, giá hai chiếc xe này sẽ tăng lên tương ứng 1,5 tỷ đồng và 1,8 tỷ đồng từ 1/9/2019. Ông James DeLuca, Tổng giám đốc VinFast cho biết, nhà máy sản xuất ô tô VinFast hoàn thành xây dựng sau 21 tháng thi công và những chiếc xe VinFast đã chạy thử ở cả trong và ngoài nước trước khi bàn giao cho khách hàng. Nhà máy ô tô VinFast có tổng diện tích 335ha, đặt tại khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, với công suất tối đa 250.000 xe ô tô và 250.000 xe máy điện mỗi năm. Tháng trước, VinFast cũng đã bắt đầu bàn giao 650 chiếc xe cỡ nhỏ thương hiệu Fadil cho khách hàng trên toàn quốc. |