Dịch CPT 6% dùng cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sốc nặng đang rất hạn chế về nguồn cung. Ảnh: Thanh niên. |
Số liệu thống kê cho thấy chỉ trong 7 tháng đầu năm, cả nước có trên 100.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) với hơn chục trường hợp tử vong. Trong bối cảnh sốt xuất huyết đang bước vào giai đoạn cao điểm thì thông tin từ một số bệnh viện tại các tỉnh, thành phía Nam cho biết, thuốc đặc trị bệnh sốt xuất huyết là dịch cao phân tử HES 200.000 dalton 6% (gọi tắt là dịch CPT 6%) đang bị "đứt" nguồn cung vì hãng cung cấp sản phẩm tuyên bố ngừng sản xuất.
Theo số liệu sử dụng dịch CPT 6%, năm 2018 BV Nhi đồng 1 TP.HCM sử dụng 2.000 chai; BV Nhi đồng 2 sử dụng gần 600 chai; BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM 800 - 1.000 chai. Giá mỗi chai dịch này qua đấu thầu là 137.000 đồng. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng năm 2018, năm 2019 các BV cũng đã dự trù số lượng dịch CPT 6% và lên kế hoạch cho đợt đấu thầu mới. Tuy nhiên, không có đơn vị cung cấp dịch CPT 6% nào dự thầu.
Dược sĩ Huỳnh Phương Thảo, Trưởng khoa Dược BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho hay BV chỉ còn khoảng 50 chai dịch CPT 6%, đủ điều trị cho vài chục bệnh nhân. BV đã lập kế hoạch mua thêm dịch CPT 6% trong đợt đấu thầu mới, nhưng công ty từng cung cấp dịch CPT 6% không tham gia. BV cũng đã có công văn hỏi phía nhà cung cấp nhưng công ty này chưa hồi đáp.
Tương tự, BV Nhi đồng 2 TP.HCM cũng chỉ còn hơn 60 chai dịch CPT 6%. Còn bác sĩ Lê Bích Liên, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, nói: “Chúng tôi đã dự trù đủ dịch CPT 6% cho mùa dịch SXH 2019.
Tuy nhiên, hiện BV ở một số tỉnh đã hết loại dịch này nên “mượn” của BV Nhi đồng 1. Nếu BV ở các tỉnh khác tiếp tục “mượn”, chắc chắn sẽ không đủ điều trị cho bệnh nhân tại BV”. Cũng theo bác sĩ Liên, nếu không cho BV các tỉnh mượn dịch CPT 6%, bệnh nhân SXH sốc, nặng cũng sẽ được chuyển lên TP và khi đó bản thân BV cũng sẽ “vỡ trận”.
“BV đã có công văn báo cáo Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế”, lãnh đạo BV Nhi đồng 1 cho biết.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai - lo lắng nói: "Dịch truyền cao phân tử Refortan bệnh viện thông qua Sở Y tế Đồng Nai đấu thầu mua để điều trị SXH, nhưng số lượng trong kho hiện chỉ còn đủ sử dụng tối đa khoảng 3 tuần".
Theo bác sĩ Hà, tình trạng này rất đáng lo ngại bởi bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng, một ngày bệnh viện tiếp nhận 7 - 8 ca bệnh.
"So với cùng kỳ năm ngoái số bệnh nhân bị SXH nhập viện tăng gấp 3 lần, toàn tỉnh số ca mắc SXH lên đến 13.000 ca, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó đã có 2 ca tử vong" - bác sĩ Hà nói.
Để tránh thiếu thuốc điều trị, bác sĩ Hà cho biết bệnh viện xin nhượng lại một số thuốc từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM). Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, nếu dịch gia tăng sẽ rất bị động.
Tương tự, bác sỹ Võ Phạm Trọng Nhân, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre cho hay: “Trung bình mỗi tháng chúng tôi sử dụng khoảng 40-50 chai dịch cao phân tử HES 200.000 dalton nhưng hiện nay trong kho của chúng tôi chỉ còn 20 chai, cộng thêm huy động “vay mượn” của một số bệnh viện khác được 60 chai nữa. Với số lượng thuốc này, nhiều nhất chỉ đủ dùng cho 2 tháng, những tháng còn lại chưa biết lấy đâu ra thuốc”.
Theo TTXVN, trước tình trạng các bệnh viện khu vực phía Nam thiếu thuốc điều trị sốt xuất huyết, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cho biết, theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết do Bộ Y tế ban hành năm 2011 và cập nhật ngày 22/8/2019, dung dịch cao phân tử được chỉ định trong điều trị chống sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.
Các dung dịch cao phân tử đã được sử dụng tại Việt Nam gồm: dung dịch dextran 40, dextran 70 và HES 200.000 dalton. Tất cả các thuốc trên đều được sản xuất tại nước ngoài và đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, do đặc thù thị trường nước ngoài, nhu cầu các thuốc trên rất thấp, do đó hiện nguồn cung các thuốc này rất hạn chế.
Ngay sau khi nhận được thông tin về nguy cơ thiếu thuốc, Cục Quản lý Dược đã có công văn chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc. Cục Quản lý Dược cũng đã hướng dẫn các cơ sở nhập khẩu lập hồ sơ nhập khẩu trong trường hợp nhà sản xuất không thể cung ứng thuốc có số đăng ký tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược sẽ xem xét, cấp phép nhập khẩu, đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh.