Nguyễn Kim thu hồi toàn bộ TV Asanzo

Nhà bán lẻ điện máy hàng đầu Việt Nam tỏ ra quyết liệt trước thông tin TV Asanzo và các sản phẩm khác của thương hiệu này là hàng "Tàu" đội lốt Việt Nam.
Ban Chỉ đạo 389 yêu cầu làm rõ thông tin phản ánh vụ việc tại AsanzoYêu cầu xác minh thông tin Asanzo nhập hàng nước ngoài gắn nhãn Việt NamAsanzo xác nhận 70% linh kiện sản xuất tivi được nhập từ Trung Quốc

Công ty Cổ phần thương mại Nguyễn Kim vừa thông báo sẽ thu đổi sản phẩm TV Asanzo trên toàn hệ thống.

Thông báo của Nguyễn Kim có đoạn: “Trong thời gian qua, các phương tiện truyền thông báo chí đã đưa tin về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm của công ty Cổ phần tập đoàn ASANZO (ASANZO Việt Nam) đã gây lo ngại đến các khách hàng đã mua sản phẩm Asanzo tại hệ thống Nguyễn Kim.

Với phương châm đặt quyền lợi của khách hàng lên trên hết và đem đến sự yên tâm cho khách hàng đã mua và sử dụng sản phẩm TV Asanzo, Nguyễn Kim thông báo bắt đầu chính sách thu đổi sản phẩm TV Asanzo trên toàn hệ thống Nguyễn Kim".

Thời gian áp dụng việc thu đổi TV Asanzo sẽ bắt đầu từ 26/6 đến hết ngày 10/7.

nguyen kim thu hoi toan bo tv asanzo

Thông báo thu hồi TV Asanzo của Nguyễn Kim.

Trước đó, theo điều tra của báo Tuổi Trẻ TP HCM, hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... được Asanzo nhập về rồi bóc tem "made in China" (sản xuất tại Trung Quốc) và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường.

Phía Asanzo thanh minh rằng họ gom tất cả linh kiện của những nhà cung cấp để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Trong đó có những linh kiện nhập từ nước ngoài và cũng có những nhà cung cấp phụ trợ khác như phần nhựa, giấy, bao bì, loa, dây nguồn... Tuy nhiên thực tế theo điều tra, Asanzo không sản xuất bất cứ linh kiện nào mà nhập toàn bộ từ Trung Quốc.

Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam chiều ngày 23/6 khi được hỏi về việc khẳng định nguồn gốc sản phẩm, cũng đã thừa nhận hàng hoá do công ty ông này sản xuất ra không phải hàng Việt Nam sản xuất, mà chỉ "lắp ráp tại Việt Nam". Ông Tam nói: "Tôi nghĩ nó là hàng lắp ráp tại Việt Nam thì đúng hơn. Nó là sản phẩm được sở hữu từ công ty Việt Nam nhưng nó không phải là hàng Việt Nam".

Liên quan đến sự việc, ngày 24/6, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an và các bộ ngành liên quan vào cuộc làm rõ các nghi vấn liên quan đến Công ty Asanzo và báo cáo kết quả trước ngày 30/7.

Ngọc Quang
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường