Đối với báo chí nói chung, mạng xã hội (MXH) là một kênh cạnh tranh gay gắt về thông tin và lượng bạn đọc. Hiện nay, các cơ quan báo chí đang có xu hướng tận dụng chính MXH để lấy nguồn tin và tiếp cận người đọc.
Nguồn thông tin phong phú
Có lẽ, không một nhà báo hiện đại nào lại không sử dụng MXH như là một kênh tiếp nhận thông tin, thậm chí là một nguồn cung cấp thông tin dồi dào, phong phú.
Theo nhà báo Ngô Phước Tuấn, Phóng viên báo điện tử VnExpress, việc ứng xử với MXH là một trong những kỹ năng cần có của một nhà báo hiện đại.
“MXH là nơi tôi kiếm thông tin nhanh nhất. Từ đó, với những kỹ năng, nghiệp vụ báo chí sẵn có, tôi sẽ biến nó thành một bản tin chính thống để phục vụ bạn đọc của mình”, nhà báo Phước Tuấn nói.
Thậm chí, ngay cả những comment (bình luận) của người dùng MXH cũng có thể trở thành gợi ý hữu ích cho một đề tài hay. Những bình luận của công chúng sử dụng MXH cũng giúp cho nhà báo có cái nhìn đa chiều hơn khi tiếp cận, khai thác thông tin.
Nhà báo Phước Tuấn chia sẻ: “Những đề tài, tuyến bài hay đôi lúc lại xuất phát từ một lời bình luận của bạn đọc trên MXH. Chính vì vậy, tạo sự tương tác với bạn đọc, không đâu tốt bằng MXH”.
Nói về việc tận dụng MXH trong khai thác thông tin nhiều phóng viên nêu dẫn chứng: Nhiều vụ việc cần những ví dụ thực tế mà thông thường phóng viên phải đi lân la dò hỏi từng người quen, nguồn tin... mất khá nhiều thời gian và công sức thì nay họ có thể dễ dàng tìm thấy trên MXH.
Không chỉ trang cá nhân, nhiều group (nhóm) “chuyên ngành” cũng được tạo ra trên Facebook. Đó là nguồn tin vô cùng phong phú và quý giá cho người làm báo. “Chẳng hạn, các group khá nổi tiếng trên Facebook hiện nay như Otofun hay Bạn hữu đường xa luôn có những thông tin, hình ảnh, video “siêu” nhanh về các sự cố giao thông cũng như những vấn đề liên quan. Điều quan trọng nhất với người làm báo khi khai thác thông tin từ MXH là kỹ năng đánh giá chất lượng thông tin và thẩm định nguồn tin.
Trả lời Tạp chí Kinh tế Môi trường, Nhà báo Nguyễn Quốc Triều, Báo Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, là người thường xuyên sử dụng MXH, mục đích ban đầu của anh là để cập nhật tin tức, giải trí và kết nối với bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Trong quá trình sử dụng, nhiều lần, chính người dùng MXH đã chủ động liên hệ, cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho anh. Đồng thời, cũng chính họ kết nối, giúp anh tìm được những nhân vật hay, những việc làm ý nghĩa để phản ánh trên mặt báo. Tuy nhiên, khi sử dụng nguồn tin trên MXH, người làm báo phải hết sức cẩn trọng và xác minh cho bằng được thông tin rồi mới thông tin đến độc giả.
Nhà báo Quốc Triều nói rằng, đối với người làm báo, việc tiếp cận thông tin trên MXH một cách chủ động, biết sàng lọc, chắt lọc thông tin một cách khách quan, khoa học. Thông qua lăng kính, công cụ, nghiệp vụ nghề nghiệp người làm báo sẽ truyền tải thông tin từ MXH tới bạn đọc một cách khách quan nhất, nghiêm túc nhất và chính thống nhất.
Nhà báo này dẫn chứng, ví dụ, khi anh đọc được thông tin về một vụ xâm hại hoặc bạo hành trẻ em trên một page, hay một tài khoản MXH nào đó, anh sẽ kiểm tra xem, xác minh xem vụ việc đó xảy ra ở đâu, thời gian nào, tính xác thực của thông tin ra sao? Khi biết được thời gian, địa điểm xảy ra sự việc (việc này không khó đối với một người làm báo), anh sẽ liên hệ với chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc đó, như lãnh đạo UBND xã/phường/thị trấn, công an xã hoặc Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đó để xác minh, thu thập thêm thông tin.
Lan tỏa thông tin báo chí chính thống
MXH không chỉ là kênh giúp người làm báo phát hiện nhiều tin nóng, tin hay, khơi gợi nhiều đề tài tốt mà còn là kênh lan tỏa những tác phẩm báo chí đến độc giả. Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí đều thành lập những trang Facebook, YouTube riêng để tiếp cận công chúng. Thậm chí, với đặc thù sản xuất nhiều chương trình, các đài truyền hình còn sở hữu nhiều trang MXH, mỗi chương trình là một tài khoản khác nhau.
Thực tế, MXH đã hỗ trợ rất tốt cho báo chí trong việc lan tỏa tác phẩm. Ngày nay, thay vì vào trực tiếp website của các tờ báo, bạn đọc có thói quen theo dõi Fanpage của tờ báo mà mình yêu thích hơn. Họ cũng dễ dàng vào đọc bài báo theo các đường link được người khác chia sẻ trên MXH hơn là chủ động tìm đọc trên website hoặc app riêng của báo.
Nhà báo Thế Anh, Báo điện tử Dân Việt chia sẻ, là một cây bút, tất nhiên ai cũng mong muốn tác phẩm của mình có sức lan tỏa rộng rãi tiếp cận được với nhiều bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, khi chia sẻ bài báo lên MXH, anh luôn mong muốn có thể tạo ra xu hướng tích cực trên MXH về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, đồng thời giúp “cạnh tranh” và lấn át trước những thông tin xấu, độc hại. Tiếp nhận những thông tin này, bạn đọc sẽ định hướng được nhận thức và thay đổi hành vi của mình theo hướng tích cực.
Việc các nhà báo, phóng viên tham gia MXH vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong xu thế hiện nay. Một mặt, nó giúp cho hoạt động báo chí nói chung và quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí nói riêng trở nên hiện đại và chuyên nghiệp. Mặt khác, nguy cơ nhà báo có những phát ngôn gây sốc hoặc thiếu tính định hướng phù hợp là điều dễ khiến họ trở thành những “nạn nhân” phải hứng búa rìu dư luận và nguy hiểm hơn, một bộ phận công chúng thiếu hiểu biết sẽ tin vào những định hướng thiếu đúng đắn ấy, làm những việc trái với pháp luật và chuẩn mực chung của xã hội.
Nếu như ưu thế của MXH là thông tin nhanh, tức thời tới bạn đọc/khán giả, thì báo chí chính thống tuy chậm hơn một chút nhưng lại cung cấp được cho công chúng những thông tin có chất lượng, chuẩn xác hơn. Đây cũng chính là yếu tố thu hút bạn đọc của báo chí chính thống. Vì vậy, nếu có tác phẩm báo chí chất lượng và biết sử dụng MXH như một cánh tay, một công cụ để truyền thông cho mình, thì công chúng sẽ đến với báo chí ngày một nhiều hơn.
“Con dao hai lưỡi”
Chúng ta cũng có thể thấy rằng, MXH không phải nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong xã hội, mà nó là một tác nhân phát tán những bất cập ấy. Điều quan trọng là báo chí phải biết cách khai thác và sử dụng nó một cách thông minh để phát huy các mặt tích cực của MXH. Để làm được điều này, báo chí đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp định hướng dư luận, loại bỏ những bất cập đến từ các luồng thông tin chưa được kiểm chứng chính xác và thiếu tính định hướng phù hợp trong cộng đồng. Vì vậy, cần một giải pháp toàn diện đột phá vào nhiều khâu, nhiều công đoạn, từ xây dựng chiến lược quy hoạch, phát triển báo chí, xây dựng và bổ sung hệ thống pháp luật, đổi mới cách quản lý, điều hành báo chí của các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản.
Hiện, thông tin xấu, độc hại lan truyền nhanh trên MXH gây ảnh hưởng nhiều tới nhận thức và hành vi của sử dụng MXH. Những thông tin xấu, thất thiệt thường gây tò mò và chú ý, cách đưa tin giật gân và cường độ xuất hiện liên tục cũng là một yếu tố gây tác động tiêu cực tới xã hội.
Bởi vậy, các nhà báo cần biết cách phân biệt loại bỏ những thông tin xấu trên MXH và có những định hướng, chia sẻ thông tin tốt, hình ảnh và câu chuyện đẹp, qua đó định hướng được nhận thức và thay đổi hành vi của người dùng MXH theo hướng tích cực như những gì mà các đồng nghiệp đã được tiếp nhận.
Nhà báo Quốc Triều chia sẻ thêm: "Đối với một thông tin làn truyền trên MXH, người làm báo có công cụ, có nghiệp vụ, có điều kiện cần và đủ để kiểm chứng thông tin đó là thật hay là giả. Nếu là thông tin thật thì mình phải ứng xử như thế nào, còn thông tin giả thì phải xử lý ra sao?”.
Với MXH, mỗi chủ tài khoản có thể là một nhà báo, nhà xuất bản tin tức. Mặc dù những tin tức này được truyền tải một cách rất đơn giản nhưng nó đáp ứng được tiêu chí nhanh, thỏa mãn được nhu cầu tiếp cận thông tin tức thời của bạn đọc.
Tuy nhiên, báo chí chính thống đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt của MXH. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan báo chí và chính bản thân người làm báo. Nói như vậy không có nghĩa là MXH không mang lại lợi ích gì cho báo chí. Ngược lại, đứng trước thách thức của MXH, nhà báo đã biết cách tận dụng, khai thác MXH cho công việc, đồng thời lan tỏa tác phẩm báo chí chính thống đến công chúng.
Ngày 25/12/2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Quy tắc này gồm 3 chương và 7 điều, quy định cụ thể 4 việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia MXH và 8 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia MXH.
Trong đó, những việc mà nhà báo được làm là: sử dụng tài khoản MXH của cá nhân mình để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước; đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên MXH có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, đất nước, uy tín của tổ chức, cá nhân; phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí.