Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau cần kiện toàn lại hoạt động

Đó là một trong những đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải trong chuyến kiểm tra hoạt động tại Nhà máy xử lý rác thải tại TP Cà Mau trong sáng 1/11.
Tìm giải pháp giảm phát thải thủy ngân từ hoạt động đốt thanSửa đổi một số điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trườngXả thải chưa xử lý, công ty du lịch sinh thái bị phạt 300 triệu đồng
nha may xu ly rac thai ca mau can kien toan lai hoat dong
Rác thải đầu vào tập kết tại Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau trước khi đưa vào xử lý.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị, nhà máy phải thu gom rác thải và xử lý nước thải triệt để. Đặc biệt, cần chú ý đến quy trình xử lý bảo đảm khi cho nước thải ra môi trường; chú ý hơn nữa khâu phân loại rác thải; kiểm soát thật chặt lượng khói thải ra môi trường đối với hệ thống lò đốt… Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ nhà máy, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ngoài ra, đối với công tác sắp xếp, quy hoạch bên trong nhà máy, người đứng đầu tỉnh yêu cầu nhà máy phải tính toán, làm sao tiết kiệm, hiệu quả nhất.

Tại buổi kiểm tra, tìm hiểu tình hình hoạt động của nhà máy, đại diện nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau cho biết, dây chuyền hoạt động của nhà máy đang rất xuống cấp và lạc hậu. Rác được tiếp nhận qua trạm cân, thực hiện khử mùi, hệ thống trục đánh tơi, tách nước rỉ rác…, chỉ chạy qua ống sinh hóa và tách lọc phân chuyển vào nhà kho của nhà máy để chứa. Hiện tại, lượng rác tiếp nhận vào nhà máy bình quân mỗi ngày hơn 200 tấn. Với lượng rác quá lớn nhưng nhà máy chỉ phân loại được khoảng 40 tấn/ngày, chủ yếu phân loại bằng phương pháp thủ công, còn lại 160 tấn rác chủ yếu được xử lý thông qua phương pháp đốt nhưng công suất của lò đốt hiện không bảo đảm khi trung bình mỗi giờ chỉ đốt được khoảng 3-4 tấn rác.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, lượng nước thải ra dù được cho chảy vào hồ xử lý nước thải với phương pháp xử lý vi sinh kết hợp với xử lý hóa lý. Tuy nhiên, lượng nước này rất lớn kết hợp với lượng nước mưa thì toàn bộ nhà máy đều bị ngập. Bên cạnh đó, lượng phân bón hữu cơ được nhà máy sản xuất ra đều bị tồn đọng bởi không có đầu ra…

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng cho biết, qua chuyến kiểm tra trước đó của ngành chức năng, trong danh mục 39 quy định thì nhà máy không thực hiện nhiều hạng mục, có hạng mục dù thực hiện nhưng chưa đúng với thiết kế cơ sở, và còn rất nhiều hạng mục thực hiện không có phép.

Ngoài ra, nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau từ khi tạm ngưng (tháng 7/2018) để bảo trì và hoạt động trở lại vào tháng 2/2019 thì không thực hiện đầy đủ theo dây chuyền công nghệ của dự án được phê duyệt trước đây, rác chuyển vào nhà kho để chứa… Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết đang cố gắng khắc phục trong thời gian sớm nhất. “Hiện, nhà máy có ba việc cần phải làm ngay. Thứ nhất là nâng cấp công suất lò đốt. Thứ hai là đầu tư thêm máy móc phân loại, tách phế liệu trong rác. Thứ ba là nâng cấp hệ thống xử lý nguồn nước thải”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết và chia sẻ: Từ tháng 5/2019 đến nay, nhà máy không nhận được kinh phí hỗ trợ xử lý rác nên đang gặp rất nhiều khó khăn.

Liên quan vấn đề kinh phí hỗ trợ xử lý rác, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định, đó la tiền ngân sách Nhà nước. Do vậy, nhà máy muốn nhận được hỗ trợ thì phải thực hiện đúng theo quy định, trong đó phải kiểm tra lại toàn bộ quy trình xử lý. “Nhà máy phải kiện toàn lại toàn bộ hoạt động đúng theo quy định thì mới nhận được hỗ trợ”, ông Nguyễn Tiến Hải khẳng định.

Được biết, nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau có tổng mức đầu tư là hơn 300 tỷ đồng, công suất thiết kế có thể xử lý 200 tấn rác/ngày, do Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công lý làm chủ đầu tư. Tháng 5/2012, nhà máy chính thức đi vào hoạt động, bảo đảm xử lý phần lớn lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo Nhân dân