Nhen nhóm màu xanh trên những cánh đồng sau bão

Những mầm xanh đầu tiên đã bắt đầu trên các cánh đồng khi được đôi bàn tay của nông dân vun trồng, chăm bón với nhiều niềm hy vọng sau khi bão lũ đi qua.
Đà Nẵng: Không để dân thiếu nước, nước bị nhiễm mặn vào dịp TếtĐà Nẵng: Xóa điểm đen ô nhiễm, hình thành vườn rau công nghệ caoNghiên cứu hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh Đà Nẵng

Những ngày này, tại vựa rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng). Được xem là vùng trồng rau sạch lớn nhất TP.Đà Nẵng với diện tích gần 9 ha, hơn 40 hộ tham gia sản xuất, canh tác... để cung cấp cho các chợ trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và các siêu thị. Thế nhưng, mưa lũ đi qua, nghề kiếm cơm chính của người dân nơi đây bị thiệt hại nặng nề. Vườn rau xanh mướt mát trước đây, giờ nhìn đâu cũng thấy thưa vắng bóng người, nhiều hồ chứa nước còn in hằn vệt nước lũ.

tm-img-alt
Những mầm xanh đầu tiên đã bắt đầu trên các cánh đồng khi được đôi bàn tay của nông dân vun trồng, chăm bón với nhiều niềm hy vọng sau khi bão lũ đi qua.

Ông Phan Ngọc Nhớ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) thẫn thờ nhìn vườn rau nhà ông ngập ngụa trong bùn non đóng gần nửa mét buồn bã nói: "Chưa có năm nào như năm này, lụt vô lụt ra mấy trận, hoa màu hư hại nặng. Vườn nhà tôi trồng 1000 m2 rau lang, 500 m2 mồng tơi thì cũng đã chết hết". Cùng cảnh ngộ, bà Lê Thị Xảo (trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, bà đã phải bỏ hoang tất cả diện tích đất trồng rau tại vườn nhà .

"Thiệt hại hết, không thu hoạch được gì cả. Hôm nay nắng ráo tôi ra thăm lại vườn để tranh thủ dọn dẹp. Phải cải tạo lại đất đai, nguồn nước các thứ mới trồng rau lại được. Nhà bao đời trồng rau nhưng giờ muốn ăn cũng phải đi mua, Nghe đâu mưa bão lại lại sắp đến, khổ lắm", bà Xảo than thở.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng, trong các đợt mưa lũ và bão vừa qua, có 25,5 ha rau các loại ở các quận Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang bị thiệt hại. Cạnh đó, có 2,5ha hoa và 5.000 chậu hoa ở các xã Hòa Phước, Hòa Châu, Hòa Liên (huyện Hòa Vang) bị hư hỏng. Ngoài ra, còn có 33,17 ha cây ăn quả ở huyện Hòa Vang và quận Sơn Trà bị thiệt hại, hơn 400 cây ăn quả tại quận Liên Chiểu bị ngã đổ.

Đặc biệt, trong các đợt mưa bão gần đây, đã làm hư hỏng, bay mái che, siêu vẹo nhà màng trồng rau công nghệ cao của HTX Rau hoa củ quả Hòa Vang và Công ty Greentech (xã Hòa Khương); sụp, hư hỏng các nhà màng, nhà lưới phục vụ trồng hoa tại vùng hoa Dương Sơn, Nhơn Thọ... "Hiện nay, các quận, huyện và sở, ngành đang phối hợp thống kê, thẩm định thiệt hại để trình UBND thành phố hỗ trợ những thiệt hại do bão, lũ gây ra đối với các diện tích sản xuất nông nghiệp", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thanh Hòa thông tin.

tm-img-alt
Khôi phục lại sản xuất là giải pháp được nhiều người nông dân lựa chọn sau khi mưa lũ qua đi.

Khôi phục lại sản xuất là giải pháp được nhiều người nông dân lựa chọn sau khi mưa lũ qua đi. Tuy còn nhiều e dè, thấp thỏm nhưng hầu hết người dân tại vựa rau La Hường đã ra vườn, tiến hành vệ sinh, cày xới đất, gieo giống các loại rau ăn lá ngắn ngày ngày để nhanh chóng cung cấp ra thị trường.

Bà Phan Thị Chinh (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) trồng rau tại vùng rau La Hường cho biết: "Trời hửng nắng là chúng tôi ra đồng để dọn dẹp, vệ sinh lại tất cả. Vì đang là mùa mưa bão nên tôi chỉ gieo các giống rau cải, rau ngắn ngày và trồng với diện tích rất nhỏ. Cũng phải gần 1 tháng nữa, người dân nơi đây mới tập trung trồng cho vụ rau Tết", bà Chinh cũng cho hay. Không chỉ tại các vùng rau truyền thống, ở một số vùng trồng hoa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cũng rục rịch xuống giống để phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Bà Trần Thị Lanh, người dân trồng hoa cúc chậu tại vùng hoa Dương Sơn (huyện Hoà Vang) cho hay: "Nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng nên mặc dù ảnh hưởng của bão số 9 nhưng vườn hoa nhà tôi không hư hại nhiều. Hằng ngày, tôi phải theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, chủ động chăm bón, tỉa lá… để kịp phục vụ Tết. Chỉ mong sao cho thời thiết thuận lợi để người dân còn ăn Tết ấm no".

Theo ông Phạm Hồng Vân, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP.Đà Nẵng, do trời mưa, bão và lũ kéo dài trong thời gian qua nên người trồng rau, hoa ít gieo trồng, nhất là ở các khu vực bị ngập lũ.

Thường thì bà con nơi đây phải đến sau ngày 23/10 Âm lịch, mới bắt đầu trồng nhiều loại rau, hoa để phục vụ thị trường, nhất là dịp Tết. Đối với các diện tích gieo trồng ở nơi cao ráo, đơn vị đã có hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật chăm sóc các loại rau và hoa để giảm thiểu thiệt hại do thời tiết bất lợi.

Xuân Lam
Theo Báo TN&MT

Xem thêm

Liên kết