Lan tỏa lối sống xanh
Cuối tuần qua, nhiều bạn trẻ ở Đà Nẵng đã mang theo pin cũ, giấy vụn... để đổi lấy cây xanh khiến 1 quán cà phê trên đường Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu), bỗng trở nên nhộn nhịp.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, chị Nguyễn Thị Thảo Yến (sinh viên năm cuối ĐH Bách Khoa Đà Nẵng) cho biết, chị cùng những người bạn của mình tổ chức sự kiện “Pin cùng giấy đổi lấy cây về”, với mục đích tuyên truyền thông điệp sống xanh và vận động mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường… Chỉ với những viên pin cũ, đã qua sử dụng, mọi người có thể đổi được các loại cây cảnh nhỏ nhắn, bắt mắt như: sen đá, xương rồng… dùng để trang trí, hút bức xạ, thanh lọc không khí.
Đổi pin, sách, vở, giấy báo... đã qua sử dụng đồng thời nhận lại 1 chậu cây nhỏ xinh, tăng thêm “màu xanh” cho không gian sống quanh mình. |
Chia sẻ về quá trình ra đời của sự kiện này, chị Yến cho biết, môi trường sống của chúng ta đang "kêu cứu" từng ngày. Số lượng rác thải ngày càng nhiều trong khi ý thức bảo vệ môi trường của người dân, trong đó có các bạn trẻ, chưa cao.
Đặc biệt, pin và rác thải điện tử được liệt kê vào danh mục rác thải rất độc hại, cần được phân loại, có quy trình xử lý riêng. Trong đó, pin chứa lượng thủy ngân cao, có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc một mét khối đất trong 50 năm. Khi các nguồn ô nhiễm từ pin xâm nhập vào cơ thể người sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như: tổn thương não, gây còi xương, chậm lớn ở trẻ, huyết áp cao đối với người lớn, tổn hại máu và xương, thậm chí là vô sinh và giảm đi các chức năng của thận...
Chị Yến hi vọng, thông qua sự kiện, sẽ giúp mọi người hình thành thói quen thu gom pin đúng nơi, không vứt pin cũ bừa bãi. |
“Việc thu gom pin đúng cách sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc giữ gìn môi trường sống… Tuy nhiên, hiện nay nhiều người chưa hiểu và chưa quan tâm việc này. Do đó, tụi mình nghĩ nên làm 1 điều gì đó để thay đổi ý thức của mọi người về bảo vệ môi trường, bắt đầu từ việc làm đơn giản nhất là thu gom, không vứt bỏ những viên pin cũ và giấy vụn bừa bãi. Đó là lý do để chương trình ‘Pin cùng giấy đổi lấy cây về’ ra đời", chị Yến, chia sẻ.
Hơn 400 chậu sen đá, sương rồng đã được chị Yến và các tình nguyện viên tại Oli House chuẩn bị chu đáo để đổi lấy những viên pin cũ. Chỉ trong một ngày triển khai, chương trình đã thu về gần 50 kg pin và hàng trăm kg giấy đã qua sử dụng...
Cứ 5 viên pin cũ hoặc 3 kg giấy sẽ được tặng 1 tim và số tim này sẽ dùng để quy đổi ra các chậu cây cảnh tương ứng với số tim mà bạn có. |
Một viên pin cũ bị vứt bừa bãi ra môi trường có thể làm ô nhiễm 500 lít nước và 1 mét khối đất trong vòng 50 năm. |
"Từ 5 viên pin bất kỳ hoặc 3 kg giấy vụn trở lên là mọi người đều có thể đổi lấy được một chậu cây cảnh. Pin được thu gom sẽ chuyển đến những đơn vị chuyên tái chế để có biện pháp xử lý tốt nhất, giảm thiểu tác động đến môi trường. Còn giấy vụ sẽ được phân loại và bán đến nơi tái chế, kinh phí thu được tiếp tục dành mua cây cho các sự kiện lần sau", chị Thu Oanh, chủ Oli House, chia sẻ.
Anh Trần Duy Hữu, tình nguyện viên của chương trình cũng kỳ vọng, sự kiện đổi pin và giấy lấy cây sẽ góp phần giúp nâng cao ý thức của cộng đồng, đặc biệt là học sinh, sinh viên ở Đà Nẵng về việc phân loại, xử lý rác thải điện tử, cũng như tiết kiệm giấy - bảo vệ cây xanh.
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Có mặt tại nơi diễn ra sự kiện từ sớm, khá nhiều người mang theo pin cũ, sách báo cũ... để đổi cây. Chị Nguyễn Thu Trang (SN 1988, trú quận Hải Châu) chia sẻ: "Qua tìm hiểu trên sách báo, tôi biết được tác hại nguy hiểm của việc vứt pin cũ ra môi trường. Do đó, tôi thường tích trữ pin cũ cất vào hộp kín và hôm nay mang đến đây để đổi lấy 1 chậu cây hoa đá nhỏ. Vừa sạch môi trường, lại vừa có 1 cây xanh nhỏ xinh để ở bàn làm việc".
Chương trình thu hút rất đông các bạn trẻ tham gia... |
Mặc dù, chỉ là hoạt động tự phát nhưng nhiều phụ huynh biết tới chương trình thông qua mạng xã hội, đã đưa con em của mình đến hưởng ứng nhiệt tình.
Anh Nguyễn Tấn Lộc (Giám đốc Công ty TNHH Eco Planet, chuyên cung cấp những sản phẩm “xanh” thân thiện với môi trường) không quản ngại ngày nghỉ cuối tuần, đã đưa cô con gái 4 tuổi và 2 đứa cháu nhỏ của mình đến tham gia hoạt động ý nghĩa này.
“Hằng ngày, ở nhà tôi vẫn thường xuyên nhắc các con, nếu đồ chơi cần thay pin thì phải mang những viên pin cũ cất vào hộp cẩn thận, tuyệt đối không được vứt bừa bãi... Qua facebook, tôi thấy sự kiện ‘Pin cùng giấy đổi lấy cây về’ rất ý nghĩa, nên hôm nay đã chở các bé mang hơn 200 viên pin cũ ‘tích góp’ trong suốt 1 năm qua, đến đổi lấy cây. Khi đổi những viên pin cũ do tự mình thu gom để lấy những cây sen đá, các bé rất hào hứng và tự nhắc nhở nhau phải luôn có ý thức bảo vệ môi trường!”, anh Lộc, chia sẻ.
Chương trình nhằm kêu gọi mọi người sống xanh hơn... |
Nhiều bạn nhỏ được cha mẹ đưa đến tham gia sự kiện để giáo dục các em về ý thức bảo vệ môi trường. |
Các cháu nhỏ đổi những viên pin đã qua sử dụng mà mình "tích góp" để lấy cây xanh. |
Là một trong những người luôn tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và nói không với rác thải nhựa, anh Nguyễn Tấn Lộc cho biết thêm, những viên pin cũ thay vì bị vứt đi sẽ được mang đến điểm thu gom để đổi lấy những chậu cây xinh xắn. Hoạt động này không chỉ giúp cho các bạn nhỏ hiểu được những tác hại của việc xả rác thải ra môi trường, mà còn lan tỏa tới cộng đồng những hành động đẹp của giới trẻ, là tấm gương cho các em nhỏ noi theo.
“Bên cạnh các chương trình hưởng ứng bảo vệ môi trường quen thuộc lâu nay như: thu gom rác thải, xóa bóc biển quảng cáo, phát túi sinh thái… thì việc dùng pin cũ đổi cây xanh giúp tạo ra sự mới mẻ trong cách thức hành động bảo vệ môi trường, có thể kích thích nhiều bạn trẻ chủ động tham gia. Càng ý nghĩa hơn khi rác thải từ pin rất khó xử lý và đang là vấn đề tồn tại lâu nay. Mỗi người, mỗi ngày làm những việc nhỏ nhưng có ích cũng có thể mang rác thải ra khỏi đời sống. Hi vọng chương trình sẽ được lan tỏa và ngày càng có thêm những sự kiện mang ý nghĩa thiết thực như vậy”, anh Lộc, nói.
Cầm trên tay một chậu cây bé xinh có được từ chương trình đổi giấy lấy cây, nhiều bạn nhỏ tỏ ra thích thú với hoạt động do các anh, chị của Oli House tổ chức. Không chỉ các em nhỏ mà những hoạt động này cũng được các bậc phụ huynh hưởng ứng và ủng hộ tích cực bằng cách kêu gọi cộng đồng cùng tham gia thu gom pin cũ, không vứt rác ra môi trường.
3 bạn nhỏ Đỗ Minh Quân (7 tuổi), Đỗ Gia Bảo (5 tuổi) và Nguyễn Thị Quỳnh Anh (4 tuổi) hào hứng vì "thành tích" thu gom pin cũ của mình vừa đổi được những chậu sen đá xinh xắn. |
Một lượng lớn pin cũ được thu gom tại sự kiện này sẽ được chuyển đến những đơn vị có chuyên môn để có biện pháp xử lý tốt nhất, giảm thiểu tác động đến môi trường. |
Hàng trăm kg giấy vụn được thu gom trong sự kiện. |
Đặc biệt, thành công của sự kiện này còn là việc thu hút được những người chưa thật sự quan tâm tới môi trường cùng chung tay ủng hộ. Chia sẻ với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, nhiều người đến với chương trình cho biết, họ đã ý thức hơn trong việc thu gom những viên pin sau khi đã sử dụng, không vứt pin cũ bừa bãi cũng như hiểu được việc bảo vệ môi trường không phải là những điều quá to tát mà có thể từ chính những hành động hằng ngày trong cuộc sống.
“Đổi pin cùng giấy lấy cây” tuy chỉ là một việc làm nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa lớn, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và truyền thông điệp: Bảo vệ môi trường từ những hoạt động nhỏ ngay nơi sinh sống của chúng ta. Chị Yến, chị Oanh, anh Hữu và các thành viên trong nhóm của mình dự định sẽ tiếp tục tổ chức thêm những hoạt động thiết thực như thế này, để tình yêu môi trường, ý thức bảo vệ hành tinh xanh của cộng đồng sẽ ngày càng được nhân lên...